Mẫu nhân tượng lên ngôi
Nhiều sự kiện văn hóa, triển lãm muốn tạo ấn tượng đã sử dụng một số lượng không nhỏ người mẫu nhân tượng để gây sự chú ý. Nhân tượng là những người có dáng khá chuẩn, đam mê nghề, được phủ lên một lớp màu, hoặc lớp sơn và đứng trong tư thế như những bức tượng thật sự. Họ thậm chí phải tạo dựng được những tư thế độc đáo, những nét mặt đầy cá tính, phù hợp với bối cảnh, sự kiện mà người chủ của chương trình muốn hướng đến.
Có cầu ắt có cung. Nhiều công ty, doanh nghiệp đứng ra môi giới, thậm chí cung cấp dịch vụ nhân tượng trong cả nước.
Bạn Quỳnh Vy, sinh viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, là một mẫu nhân tượng mới bước vào nghề được hơn 2 năm, cho biết: “Chúng em là tượng mà không phải tượng. Là người mẫu mà cũng chẳng phải người mẫu. Chúng em là sự kết hợp của người và tượng, tạo thành một điểm nhấn nào đó. Đây là nghề khá thú vị, nhưng cũng có phiền toái. Nhưng vì cuộc sống, cần thu nhập nên phải cố gắng. Thực chất là cho thuê cơ thể mình”.
Phương Vũ Mạnh vẽ body painting. |
Quỳnh Vy cũng cho rằng, nhân tượng thường được sử dụng trong các sự kiện diễn ra trong không gian trong nhà, hội trường, không phù hợp với các sự kiện ngoài trời. Nếu có thì phải là buổi tối. Bởi ban ngày bên ngoài thường nắng, nóng, nếu đứng cả giờ đồng hồ sẽ gây mệt mỏi.
Anh Trịnh Hải Dương, thành viên của CLB Nhân tượng Việt tại TP.Hồ Chí Minh thổ lộ rằng, vì đang phát triển nên những bạn trẻ dám dấn thân cho nghề còn ít. Nguyên nhân là do sự khắt khe trong yêu cầu tuyển lựa, sợ không dám phơi bày cơ thể mình cho thiên hạ thấy. Rồi chuyện giữ thăng bằng, im lặng trước công chúng có khi đến 3 giờ đồng hồ là một đòi hỏi mà không phải ai cũng làm được, nếu không có sự kiên trì, bền bỉ.
Điều quan trọng của một mẫu nhân tượng là phải giữ được sự im lặng, sự thăng bằng của cơ thể khi sự kiện diễn ra. Cần phải làm sao để càng ít người nhận ra mình là… người thì càng tốt. Mỗi tư thế, mỗi dáng đứng phải được giữ chuẩn, ngứa mà không được phép chau mày, cử động.
Anh Trịnh Hải Dương cho biết thêm: “Để làm được cũng phải luyện tập, rèn luyện trong gian khổ. Dù không có trường lớp nào đào tạo, nhưng để theo được thì phải khổ luyện. Đây là điều khá khác biệt đối với các dạng người mẫu khác. Giá thành thuê dịch vụ nhân tượng tùy thuộc vào nhà cung cấp mà bạn làm việc, tuy nhiên, giá hiện tại dao động từ 1,3 triệu - 1,5 triệu/ người/chương trình, có thời gian khoảng 3-4 giờ hoặc hơn tùy yêu cầu của bạn về độ phức tạp của nhân tượng”.
Để con người biến thành nhân tượng, cần chất liệu là phấn hóa trang và trang phục sẵn có để “đắp” vào người mẫu. Thông qua công đoạn hóa trang, lớp phấn hóa trang sẽ biến cơ thể người thành ma nơ canh. Tùy từng mục đích, loại mẫu mà sử dụng cho thích hợp. Ngay cả các phần như mắt, môi, tóc cũng được hóa trang hết sức tỉ mỉ.
Mẫu body painting - nhiều thị phi
Một dạng mẫu khác phát triển trước nhân tượng là body painting, phục vụ những họa sĩ có tinh thần, xu hướng cởi mở. Song đây là nghề còn lắm thị phi và ít người dám dấn thân theo đuổi hơn. Bởi không phải ai cũng dám cởi bỏ quần áo để người khác vẽ lên cơ thể mình.
Họa sĩ Phương Vũ Mạnh là một trong những người tiên phong thể loại tranh body painting (nghệ thuật vẽ trên cơ thể) ở Việt Nam. Anh tâm sự: “Lần đầu tiên tôi vẽ trên cơ thể của một người bạn, cô ấy cũng trong ngành nghệ thuật nên chúng tôi có sự đồng cảm. Tuy nhiên khi đó là năm 1996 nghệ thuật này vẫn còn mới lạ đối với Việt Nam bởi vậy đó chỉ là những tác phẩm thử nghiệm chứ không dám đưa ra triển lãm”.
Nhân tượng người Nga thu hút khách du lịch ở Nha Trang. |
Theo Phương Vũ Mạnh, cái khó ở đây là phải biết dùng nghệ thuật body painting để truyền đi những thông điệp và ý tư tưởng của mình đến người xem. Bởi lẽ khi công diễn, công chúng đôi khi chỉ quan tâm đến nghệ thuật này như một hiện tượng mới lạ hoặc chỉ quan tâm tới hành động vẽ của nghệ sĩ và cơ thể của người mẫu… mà hoàn toàn không quan tâm đến ý nghĩa của tác phẩm muốn nói nên điều gì. Và cái khó cần phải giải quyết là làm cho công chúng hiểu dần về ý nghĩa muốn nói của nghệ sĩ thông qua nghệ thuật này.
Cổ nhân có câu: “Tâm tục thì vật tục”, cho nên khi ai đó nghĩ rằng nghệ thuật body painting là “gợi dục” thì điều đó xuất phát từ tâm của người đó chứ không từ nghệ thuật. Tôi dùng nghệ thuật Body painting để nói những vấn đề còn chưa tốt cần khắc phục trong xã hội, nhất là trong quá trình phát triển của Việt Nam và thế giới. Như vấn đề ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu toàn cầu… nhằm mục đích nhắc nhở ý thức chung của cộng đồng, đó chính là phong cách riêng của tôi đối với nghệ thuật nói chung và Body painting nói riêng.
Một số bạn nữ trẻ tham gia làm mẫu Body painting tâm sự rằng, đôi khi cảm thấy áp lực trước công việc. Nếu không có niềm đam mê thì không thể làm được. Một trong những bạn trẻ dám dấn thân, là người mẫu Hani Nguyễn (tên thật là Nguyễn Thị Hiền Trang, SN 1992) lại là người có suy nghĩ khá táo bạo và sẵn sàng thử sức với vai trò mẫu Body painting.
Khi đứng trước máy ảnh thì cô hóa thân vào nhân vật quên mất cả bản thân, nhưng đến khi trở lại là Hani đời thường thì chính cô lại cảm thấy khá ngại ngùng. Để theo được nghề, cô cũng phải tin tưởng tuyệt đối vào tài năng và cái tâm của các họa sĩ.
Vượt qua rào cản
Theo các họa sĩ, giới trẻ dù làm mẫu Body painting hay nhân tượng, đòi hỏi mỗi người mẫu phải vượt qua rào cản tâm lý. Người thì e sợ, người lo bị lừa gạt, dụ dỗ…và như vậy thì không thể làm được việc. Thậm chí với người mẫu body painting thực hiện ngay tại các sự kiện, thì phải luôn cười nói, và để cho họa sĩ vẽ lên cơ thể mình trong khi gần như trần truồng. Đây là việc cực kỳ khó.
Một rào cản khác phải vượt qua, là những người mẫu nữ thường bị dụ dỗ thật sự. Có cô tâm sự, họa sĩ là những người sáng tạo, cảm xúc của họ đôi khi thất thường. Trong lúc ký hợp đồng đã thỏa thuận sẽ không bao giờ được dụ dỗ, cưỡng ép, đi quá giới hạn, nhưng rồi trong khi làm việc, chỉ còn hai người thì hóa sĩ lại không làm chủ được bản thân.
Để giữ tư thế được thời gian dài là rất khó. |
Thực tế đã chứng minh, trong thế giới người mẫu nhân tượng, Body painting có khá nhiều cạm bẫy. Không ít những hợp đồng, ngã giá, mời mọc đi chơi đã diễn ra. Nhiều cô gái không làm chủ được mình, đã trở thành món đồ chơi cho những người lắm tiền.
Một người mẫu tâm sự: “Thực tế thì cạm bẫy xảy ra ở bất cứ ngành nghề nào. Đâu chỉ có nghề người mẫu. Tuy nhiên nghề này dễ xảy đến hơn do phải phơi bày cơ thể mình ra, dễ gây kích thích, tò mò. Nhiều người cũng vì đồng tiền làm mờ mắt mà không giữ nổi bản thân. Cái quan trọng cuối cùng của bất cứ nghề nào, là được làm việc mình thích và giữ được phẩm giá”.
Xét đến cùng, nghề nào kiếm được đồng tiền một cách chính đáng cũng chẳng dễ dàng. Hiện nay, tại TP Hồ Chí Minh, nhu cầu sử dụng nhân tượng lớn hơn ở Hà Nội. Nhiều sự kiện khai trương, triển lãm, tiệc cưới… cũng thuê nhân tượng về cho… hoành tráng.
Em Huỳnh Vy tâm sự: “Trước đây gia đình em can ngăn vì cho rằng nghề gì mà trơ tráo. Nhưng em không đi làm thì lấy tiền đâu đi học, lo cho mẹ ốm đau. Em phải vượt qua sợ hãi, qua rất nhiều vấn đề như kiến cắn mà không được gãi, khách véo vào người để kiểm chứng, rất đau mà không dám nói lại. Chúng em còn phải diễn khi hóa thân thành nhân vật nào đó. Phải diễn cho đạt và nhập vai tốt. Nhưng ngẫm lại thì đây cũng là một trải nghiệm rất hay”.
Hiện nay, một số tỉnh, thành như Đà Nẵng, Cần Thơ, Bình Dương, Khánh Hòa… cũng đã nổi lên các tập đoàn làm ăn phát đạt. Việc tổ chức sự kiện diễn ra thường xuyên. Nhu cầu thuê nhân tượng đang tăng lên từng ngày. Nghề mẫu này đang nắm lấy cơ hội để kiếm sống.
Như bạn Hoài Anh chia sẻ: “Chúng em còn trẻ và có quyền làm nghề mình thích, miễn là không phạm pháp, không phạm đến thuần phong mỹ tục. Mục đích vẫn là vì cái đẹp và cuộc sống. Bởi thế, em thường được các anh chị đồng nghiệp hướng dẫn, chỉ cho các tư thế, dáng đi, để có những lúc phải biểu diễn. Do chưa có mẫu chuẩn, nên các tư thế đa dạng như bây giờ là do chính chúng em nghĩ ra đấy chứ!”.
Theo NLĐ