Nga và phương Tây không hạ nhiệt "đấu khẩu" về Syria

Thứ hai, 17/10/2016, 19:30
Các màn tranh cãi ngoại giao giữa Mỹ và các đồng minh châu Âu với Nga về vấn đề Syria vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt từ gần một tháng qua và đang có chiều hướng chuyển sang “đấu chân tay”.

Nội dung các màn tố cáo của Mỹ, Anh và Pháp xoay quanh việc Nga đánh bom vào dân thường ở Syria, cụ thể là tại thành phố Aleppo hiện nay. Nhưng thực tế đây là màn gỡ rối của Mỹ khi mà các nhóm phiến quân do họ hỗ trợ đang bị “hầm” ở Aleppo.

Sau khi lệnh ngừng bắn bị phá vỡ, giữa tháng 9-2016, quân đội Chính phủ Syria với sự hỗ trợ của Nga cùng các nhóm dân quân khác đã mở chiến dịch tấn công thành phố Aleppo do phiến quân được phương Tây bảo trợ kiểm soát. Tính đến ngày 12-10, sau nhiều tháng, quân đội Syria (SAA) đã tạo được một thế trận khá sáng sủa tại hầu hết các chiến trường chính ở Aleppo, bắc Hama và Đông Ghouta (ngoại vi Damacus).

Tại mặt trận Đông Ghouta, SAA nắm chắc phần thắng tại Rayhan và đang tiến tới siết chặt vòng vây tại khu Tell Kurdi. Chiến thuật của SAA tại đây khá... cù nhầy, cứ đánh theo kiểu “lay răng rụng” và khiến đối thủ mệt mỏi phải tháo chạy dần chứ không triển khai chiến dịch nào cụ thể.

Phía nổi dậy, chủ lực là nhóm Jayish al-Islam tuyên bố “rút lui chiến thuật” khỏi Rayhan, đổ lỗi cho việc thiếu thốn tiếp viện từ Jordan và Arập Xêút. Hiện SAA còn cách thủ phủ Douma của phiến quân tầm 4km.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và người đồng cấp Mỹ John Kerry.

Trên mặt trận ác liệt nhất Aleppo, SAA tiếp tục khoét vào hành lang phía bắc của thành Aleppo và hiện đang tiến tới khu vực vòng xoay Jandoul. Chiến thuật của SAA vẫn là chậm nhưng chắc, hạn chế triệt để việc phiến quân phản công. Ở mặt trận thứ 4 Latakia, do không thể làm gì để phá vây cho Aleppo, Liên minh thánh chiến Jayish al-Fatah lại mở đợt tấn công ở địa bàn rừng núi Jabal al-Akrad. Tuy nhiên, kết quả đạt được khá hạn chế.

Như vậy có thể thấy quân đội Syria với sự giúp đỡ của Nga hiện gần như đã làm chủ tình hình. Đây là lý do khiến Mỹ và các đồng minh châu Âu nhảy dựng lên. Nhưng họ không thể nói “Này Nga, ông đừng đánh nữa vì có bọn đàn em của tôi ở đó!” mà phải tìm cớ hạ uy tín của Tổng thống Putin trước bàn dân thiên hạ. Đó là tố cáo Nga thảm sát dân thường Syria.

Tại khắp các diễn đàn từ Liên Hiệp Quốc tới những phát biểu mang tính ngoại giao hay trên mặt trận truyền thông, phương Tây tố Nga đủ kiểu. Hai đồng minh là Anh và Pháp đã được Mỹ lôi vào cuộc. Ngày 11-10, Ngoại trưởng Anh Boris Johnson tuyên bố “nếu Nga cứ tiếp tục những gì đang làm (ở Syria) thì quốc gia vĩ đại này sẽ có nguy cơ bị cộng đồng quốc tế tẩy chay”.

Ông Johnson đe dọa sẽ đưa Nga ra tòa án tội phạm quốc tế vì vụ ném bom vào đoàn xe viện trợ nhân đạo LHQ ở Aleppo, Syria.

Mặc dù chỉ là “... vào hùa” nhưng hôm 11-10, Hạ viện Anh cũng tổ chức cái gọi là “Tranh luận Aleppo” để bàn về khủng hoảng Syria. Nhưng thực chất cái gọi là tranh luận này là để mấy quan chức chính phủ “chém gió” về... Nga. Riêng ông Boris Johnson còn kêu gọi một cuộc biểu tình phản đối trước Sứ quán Nga ở London. Giới chức Nga đặt câu hỏi “đây là cách làm đối ngoại của Boris Johnson sao?”

Cùng ngày, Điện Kremlin thông báo hủy chuyến thăm tới Pháp của Tổng thống Putin, chỉ vài giờ sau khi Tổng thống Pháp Hollande nói “quân đội Syria phạm tội ác chiến tranh, với sự... giúp đỡ của Nga khi không kích thành Aleppo”.

Pháp được cho là hết sức tức giận vì bị Nga thẳng thừng bác bỏ một nghị quyết về vấn đề Syria tại Hội đồng Bảo an LHQ. Không hiểu tại sao, các dự thảo nghị quyết của Pháp, cũng tương tự như của Mỹ hay của Anh, đều bị Nga phủ quyết nhưng Pháp vẫn đệ trình làm gì, hay Pháp muốn kiếm chuyện với Nga?

Ông Hollande được cho là muốn nhân cơ hội Putin ở Paris để hạch hỏi lý do tại sao lại phớt lờ “kế hoạch hòa bình” của Pháp. Nhưng việc hủy chuyến đi cho thấy Putin chẳng muốn bàn bạc điều gì khác về Syria với Hollande. Tuy nhiên, người phát ngôn điện Kremlin, như thường lệ, tìm cách giảm nhiệt khi giải thích lý do Putin không tới Paris để dự buổi lễ khai trương Trung tâm Văn hóa Nga là vì... sự kiện bị thay đổi, chứ không phải ông Putin coi thường Tổng thống Pháp.

Hôm 12-10, Tổng thống Putin tỏ ra ngạc nhiên vì phóng viên kênh truyền hình quốc gia Pháp TF1 lặn lội sang một thành phố nhỏ bé ở Nga (nơi ông Putin đang có chuyến công cán) để hỏi cho ra lẽ “tại sao Putin lại hủy chuyến thăm tới Paris”.

Khi được hỏi về cảm nghĩ trước cáo buộc của Pháp, Mỹ và phương Tây (rằng Nga đang gây ra thảm trạng tại Aleppo khi từ chối ngừng bắn), ông Putin nói: “Xin các vị nhớ cho, ai là kẻ gây ra mớ bòng bong không gỡ nổi ở Trung Đông nói chung và Syria nói riêng. Ai là kẻ đã cổ xúy cho (phong trào) Mùa xuân Arập? Chính Mỹ và phương Tây mới là bên phải chịu trách nhiệm lớn nhất”.

Chỉ có một người hưởng ứng lời kêu gọi của Ngoại trưởng Anh biểu tình trước Đại sứ quán Nga tại London. Ảnh do Đại sứ quán Nga tại Anh đăng tải.

Theo ông Putin, việc của Nga ở Syria đơn giản chỉ là ngăn chặn thêm một thảm họa nữa, giống như các thảm họa ở Iraq và Libya - nơi giờ đây dân chủ đâu chẳng thấy, chỉ thấy đó là hang ổ của chủ nghĩa khủng bố và cực đoan.

Về thỏa thuận ngừng bắn tại Aleppo (Syria), Putin nói: “Chúng tôi đã liên tục nhân nhượng Mỹ. Để giữ gìn lệnh ngưng bắn, chúng tôi yêu cầu Mỹ cũng triển khai quân, phần Nga sẽ lo phía Syria còn Mỹ sẽ lo phía phiến quân. Nhưng Mỹ thoái thác trách nhiệm”.

Và theo Putin, không chỉ không có trách nhiệm gì trong việc kiềm chế các nhóm phiến quân thánh chiến và nổi dậy, Mỹ lại “vô tình” ném bom làm chết 80 lính Syria, chỉ vài ngày sau khi lệnh ngưng bắn có hiệu lực. Và liền sau đó, phiến quân IS cũng “vô tình” mở đợt tấn công vào quân đội Syria ngay tại địa điểm Mỹ không kích “vô ý”...

Tổng thống Putin hôm 12-10 nói cả Nga và Mỹ đều biết rõ ai là thủ phạm tấn công đoàn xe viện trợ nhân đạo LHQ (ở Aleppo, Syria). Nhưng “Mỹ thích chơi trò đổ lỗi” hơn là nói ra sự thật.

Ông Putin cũng nói Nga luôn sẵn sàng hợp tác với Mỹ, nhưng hiện tại thì không thể, bởi vì Mỹ chỉ muốn... ăn trên ngồi trước. Về lời đe dọa của Ngoại trưởng Anh Boris Johnson, ông Putin nói ai muốn cô lập Nga thì trước hết phải chế ra một loại xe có động cơ đủ tốt và chuẩn bị đủ xăng nhớt để nó đi một vòng quanh nước Nga...

Kênh CNN ngày 12-10 dẫn lời Ngoại trưởng Nga Lavrov nói Nga - Mỹ sẽ lại ngồi vào bàn đàm phán vào thứ Bảy này. Như vậy là chỉ một thời gian ngắn sau khi tuyên bố dẹp nói chuyện bằng miệng với Nga và tung ra hằng hà sa số các đe đọa động chân động tay, nay Mỹ lại... cùng Nga bàn tiếp. Tuy nhiên, có lẽ số phận của Aleppo đã bị định đoạt, khó có khả năng ngưng bắn nào nữa, trừ phi Mỹ có gì đó “siêu hấp dẫn”.

Việc Mỹ “mạnh miệng” chứ không “mạnh tay” đang khiến phe nổi dậy Syria, nhất là phe đang bị “hầm” ở Aleppo, vô cùng phẫn uất. Bàn về khả năng Nga - Mỹ sẽ “động chân tay thay vì dùng miệng”, hôm 11-10, phát biểu tại trường Nghiên cứu Quốc tế John Hopkins, Đại sứ Nga tại Mỹ, ông Sergey Kislyak đã tuyên bố: “Chất lượng của mối quan hệ giữa chúng tôi chắc chắn đang ở điểm thấp nhất kể từ Chiến tranh lạnh... Nguy cơ tính toán sai lầm đã tăng lên, đặc biệt là với các lực lượng NATO đang được triển khai bên cạnh biên giới của chúng tôi”.

Theo ông Kislyak, Mỹ và Nga đã từng có một ủy ban song phương với 21 nhóm làm việc tập trung vào khoa học, công nghệ, quân sự, hạt nhân và các vấn đề khác, nhưng hiện nay, tất cả đều không tồn tại. Tất cả các kênh thông thường của sự hợp tác giữa Mỹ và Nga đều đã bị “đóng băng” và ông chỉ trích Mỹ đã “thực hiện các việc làm không thân thiện đối với Nga, trong đó có biện pháp trừng phạt, có những lời kêu gọi cô lập Nga”.

Thông tin này khiến người ta không thể không nghĩ đến một kịch bản tồi tệ là hai nước sẽ sớm triệu hồi đại sứ của mình về nước để tham khảo ý kiến và sau đó, Syria - chiến trường cho cuộc chiến ủy nhiệm giữa Nga và Mỹ sẽ càng trở nên khốc liệt hơn bao giờ hết và có thể lan ra cả khu vực.

Theo ANTG

Các tin cũ hơn