Binh lính Mỹ và Philippines cùng nhau tập luyện tại Philippines |
Reuters đưa tin, bên trong một quán bar do một cựu binh Mỹ làm chủ trên vịnh Subic của Philippines, chủ đề chính trong câu chuyện của những vị khách người Mỹ tới quán không phải là về cuộc bầu cử Tổng thống sắp tới mặc dù trên màn hình vô tuyến xuất hiện tràn ngập hình ảnh của những bức ảnh, những chiếc mũ và những tách cà phê in hình ứng viên Tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump.
Thay vào đó, cuộc nói chuyện của họ xoay quanh những phát ngôn gây căng thẳng của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đối với Mỹ cũng như việc nhà lãnh đạo này ngày càng xích lại gần Trung Quốc. Đây cũng là điều khiến những người Mỹ hiện đang sinh sống ở khu vực lân cận căn cứ quân sự của Mỹ trên vịnh Subic lo lắng trong nhiều ngày qua.
“Nỗi sợ hãi lớn nhất của chúng tôi đó là một ngày nào đó, ông ấy (Tổng thống Duterte) tỉnh dậy và nói “tất cả người Mỹ hãy cuốn gói ra khỏi thị trấn này” và khi đó, chúng tôi phải bỏ những người thân yêu của mình ở lại”, Jack Walker, sĩ quan Thủy quân lục chiến về hưu, người đã sống ở khu vực Olongapo quanh căn cứ quân sự của Mỹ trên vịnh Subic suốt 5 năm qua, chia sẻ.
Trong một thế kỷ qua, Philippines và Mỹ đã cùng nhau trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, từ chủ nghĩa thực dân, chiến tranh, bạo loạn, cứu trợ và cả những mối quan hệ kinh tế bền vững. Tuy nhiên, tất cả đều có thể thay đổi sau khi Tổng thống Duterte lên nắm quyền lãnh đạo đất nước và tìm cách xem xét lại mối quan hệ này.
Trong một loạt những phát ngôn gây tranh cãi của mình, Tổng thống Duterte đã lăng mạ người đồng cấp Mỹ Barack Obama và Đại sứ Mỹ tại thủ đô Manila vì đã chỉ trích chiến dịch chống ma túy do ông khởi xướng, vốn khiến hơn 2.000 đối tượng buôn bán và sử dụng ma túy thiệt mạng tại Philippines. Bên cạnh đó, ông Duterte cũng đòi xem xét lại mối quan hệ với Mỹ và thậm chí còn tuyên bố có thể “đường ai nấy đi” với Washington.
Những bình luận trên của ông Duterte khiến nhiều người Mỹ cũng như các doanh nghiệp Mỹ tại Philippines cảm thấy bất an về tương lai của chính họ, Ebb Hinchliffe, giám đốc điều hành của Phòng Thương mại Mỹ ở Philippines, cho biết.
“Cứ mỗi lần ông ấy (Tổng thống Duterte) cất lời và nói điều gì đó tiêu cực về nước Mỹ, là khi ấy bản thân tôi lại cảm thấy đau nhói… còn nếu nhìn từ góc độ kinh doanh, những điều đó không mang lại lợi lộc gì cả”, ông Ebb nói thêm.
Theo ông Ebb, 3 phái đoàn đại diện cho các doanh nghiệp Mỹ trong lĩnh vực công nghệ, dịch vụ tài chính và chế tạo sản xuất đã hủy các chuyến đi tới Philippines trong những tuần gần đây. Ít nhất hai công ty Mỹ đã chọn hợp tác với một quốc gia Đông Nam Á khác thay vì với Philippines vì “giọng điệu bài Mỹ của Tổng thống Duterte”.
Tương lai bất định của quan hệ Mỹ - Philippines?
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte (Ảnh: Reuters) |
Hiện có khoảng 222.000 người Mỹ, phần lớn là cựu chiến binh, sống ở Philippines. Ngoài ra, theo số liệu thống kê của Bộ Ngoại giao Mỹ, có khoảng 650.000 lượt người Mỹ tới thăm Philippines mỗi năm. Theo kết quả từ cuộc nghiên cứu do Trung tâm nghiên cứu Pew thực hiện hồi năm ngoái, Philippines là quốc gia “thân” Mỹ nhất trên thế giới.
Trong bối cảnh căng thẳng với Trung Quốc liên quan tới tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, Philippines đã ký Thỏa thuận Hợp tác quốc phòng nâng cao (EDCA) với Mỹ vào năm 2014, trong đó cho phép Washington tăng cường hiện diện quân sự tại quốc gia Đông Nam Á này thông qua các hoạt động điều chuyển tàu, máy bay nhằm thực hiện các sứ mệnh nhân đạo và an ninh hàng hải trong khu vực.
Tuy nhiên, Tổng thống Duterte mới đây tuyên bố sẽ xem xét lại thỏa thuận EDCA, đồng thời khẳng định Philippines, quốc gia nhận hỗ trợ quân sự của Mỹ nhiều thứ 3 ở khu vực châu Á - sau Pakistan và Afghanistan, có thể “sống khỏe” mà không cần sự trợ giúp của Washington. Tuy nhiên, các quan chức chính phủ Philippines lại tìm cách “hạ nhiệt” căng thẳng sau những phát ngôn cứng rắn của Tổng thống, cho rằng những lời lẽ của nhà lãnh đạo này chỉ nhằm khuyến khích “người Philippines độc lập hơn” trong mối quan hệ với Mỹ.
Mặc dù vậy, khi đặt chân tới quán bar Dynamite Dick ở thành phố Olongapo, không khí ở đây vẫn rất ảm đạm.
Theo Edward Pooley, cựu Đại tá Thủy quân Lục chiến Mỹ sống ở Philippines gần 30 năm, mặc dù những phát ngôn của Tổng thống Duterte “rất đau lòng” nhưng ông vẫn lạc quan về tương lai quan hệ song phương giữa hai nước.
“Chúng tôi đã làm rất nhiều hoạt động từ thiện ở đây… Chúng tôi cảm thấy được trân trọng. Đừng bỏ rơi chúng tôi”, ông Edward nói.
Ông Rolen Paulino, thị trưởng thành phố Olongapo với khoảng 200.000 dân, cho biết người dân nơi đây vẫn rất “thân Mỹ” dù bản thân ông ủng hộ sự thay đổi trong chính sách đối ngoại của Tổng thống Duterte. “Nếu Tổng thống muốn mời Nga và Trung Quốc… Tôi sẽ dạy cho người dân của tôi nói tiếng Nga và tiếng Trung Quốc vì chúng tôi buộc phải thích nghi với điều đó”, ông Paulino nhấn mạnh.
Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp trong cộng đồng doanh nghiệp Mỹ tại Philippines cho rằng phần lớn phát ngôn của Tổng thống Duterte là mang tính hăm dọa và họ tự an ủi nhau rằng nhà lãnh đạo này dù sao vẫn chưa biến những gì ông ấy nói thành hành động cụ thể.
Theo Dân Trí