Phát hiện đột phá bên trong mộ Chúa Jesus

Thứ tư, 02/11/2016, 09:46
Sau khi tháo dỡ phiến đá che trên phần mộ của Chúa Jesus, các nhà khảo cổ đã kiểm tra phần bên trong tại nhà thờ Mộ Thánh ở Jerusalem – Israel.

Tạp chí National Geographic đưa tin ngôi mộ là một phiến đá vôi hoặc giường chôn được đẽo từ vách hang động. Nó được che phủ bằng một tấm ốp đá cẩm thạch ít nhất từ năm 1555 sau Công nguyên, vốn được dùng để ngăn chặn tín đồ lấy đi viên đá đặt trên chiếc "giường chôn" nguyên thủy.

Ngôi mộ lần đầu tiên được mở vào ngày 26-10 vừa qua theo dự án trùng tu nhà thờ. Các nhà khoa học có tổng cộng 60 giờ tìm hiểu.

Theo những kiểm tra ban đầu của nhóm nghiên cứu đến từ Trường ĐH Kỹ thuật Quốc gia Athens, nằm bên dưới lớp đá cẩm thạch là một lớp vật liệu. Sau đó, họ phát hiện ra thêm một phiến đá cẩm thạch khác có hình cây thánh giá khắc trên bề mặt.

Các công nhân di dời phiến đá cẩm thạch che phủ ngôi mộ hôm 26-10. Ảnh: AP

Chỉ vài giờ trước khi ngôi mộ được đóng trở lại hôm 28-10, các nhà nghiên cứu còn tìm thấy giường chôn nguyên thủy, nơi đặt thi hài Chúa Jesus, vẫn nguyên vẹn đến ngày nay.

Theo truyền thống của Thiên Chúa giáo, giường chôn được đẽo từ mặt bên của hang động đá vôi sau khi Chúa Jesus bị đóng đinh. Kinh Thánh cho hay Chúa Jesus được đặt trên "giường chôn" trong ngôi mộ sau khi qua đời vì bị đóng đinh vào khoảng năm 33 sau Công nguyên. Ba ngày sau, thi thể Chúa biến mất và Chúa phục sinh hơn 40 ngày trước khi lên thiên đường.

Các chuyên gia cũng xác nhận sự tồn tại của bức vách hang động đá vôi ban đầu bên trong Edicule (nghĩa là "ngôi nhà nhỏ", nơi đặt ngôi mộ tại nhà thờ Mộ Thánh. “Đây chính là Phiến đá thánh được tôn sùng hàng thế kỷ qua nhưng nay mới được tận mắt nhìn thấy" - GS Antonia Moropoulou, cố vấn khoa học cấp cao của dự án, nói với National Geographic.

Các nhà khoa học có 60 ngày để tìm hiểu. Ảnh: Reuters

“Tôi hoàn toàn bất ngờ và run lên vì chưa từng nghĩ tới điều này. Mặc dù không thể chắc chắn 100% nhưng có lẽ đó là bằng chứng trực quan cho thấy vị trí của ngôi mộ không thay đổi qua thời gian. Đây là điều các nhà khoa học và sử học đã thắc mắc trong nhiều thập kỷ” – ông Fredrik Hiebert, một trong những nhà khảo cổ của dự án, nói.

Nhà khảo cổ Martin Biddle, một chuyên gia về nhà thờ Mộ Thánh, cho biết các dữ liệu về giường chôn và thành hang động đá vôi nên được phân tích kỹ lưỡng bởi bất kỳ họa tiết nào cũng có thể cung cấp những chi tiết quan trọng về lịch sử của ngôi mộ.

Đây là lần đầu tiên mà bất cứ ai còn đang sống hiện nay được nhìn thấy mộ Chúa. Chưa từng có tấm hình hay tranh vẽ nào về nơi linh thiêng này.

Nhà thờ Mộ Thánh được hoàng đế La Mã Constantine xây từ thế kỷ thứ tư sau Công nguyên (năm 325) tại nơi được cho là đặt mộ Chúa.

Theo NLĐ

Các tin cũ hơn