Dù vậy, những hình ảnh chụp từ vệ tinh vừa được Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS - Mỹ) công bố cho thấy bất kỳ sự nhượng bộ nào, nếu có, cũng không nhiều như kỳ vọng của ngư dân Philippines và có thể là cả ông Duterte. “Ngư dân Philippines dường như vẫn không được đánh cá bên trong Scarborough” - AMTI nhận định hôm 2-11.
Theo AMTI, hình ảnh chụp ngày 29-10 cho thấy một tàu hải cảnh Trung Quốc án ngữ ngay cửa ngõ bãi cạn. Trong khi đó, ít nhất 17 tàu cá Philippines hiện diện ngay bên ngoài Scarborough trong lúc 2 tàu dân sự Trung Quốc ở gần đó. Hình ảnh này phù hợp với thông tin ngư dân Philippines chỉ được phép hoạt động bên ngoài vùng đầm phá của Scarborough vào tuần rồi, chứ không có chuyện ra vào bãi cạn thoải mái như trước khi nó rơi vào tay Trung Quốc năm 2012.
Ngư dân Philippines khoe số cá đánh bắt được tại bãi cạn Scarborough sau khi về đến tỉnh Zambales hôm 1-11 Ảnh: Reuters |
AMTI nhận định Trung Quốc có lẽ chỉ mới đồng ý nới lỏng bãi cạn Scarborough chút ít nhằm “lôi kéo” ông Duterte. “Đây có thể chỉ là cành ô liu tạm thời mà Bắc Kinh chìa ra trong lúc đàm phán với chính quyền ông Duterte về một thỏa thuận lâu dài - điều có thể không bao giờ đạt được” - ông Gregory Poling, Giám đốc AMTI, nói với trang Business Insider.
Điều này phần nào thấy được qua sự thừa nhận mới đây của cố vấn an ninh quốc gia Philippines Hermogenes Esperon: Giới chức Philippines và Trung Quốc không đạt được thỏa thuận bằng văn bản về Scarborough nhân chuyến thăm Bắc Kinh của ông Duterte. Thay vào đó, hai bên chỉ nhất trí cho phép ngư dân Philippines đánh bắt quanh bãi cạn này.
Ông Jay Batongbacal, Giám đốc Viện Các vấn đề hàng hải và Luật biển của Trường ĐH Philippines, không chắc ngư dân Philippines có thể đánh bắt thoải mái mà không bị Trung Quốc cản trở tại Scarborough trong bao lâu.
Một diễn biến mới tác động đến cục diện Biển Đông là chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Malaysia Najib Razak trong tuần này. Theo thỏa thuận được ký kết hôm 1-11, hải quân 2 nước sẽ hợp tác nhiều hơn “để bảo đảm hòa bình, ổn định ở Biển Đông”.
Thủ tướng Razak muốn sử dụng chuyến thăm để tăng cường hợp tác với Bắc Kinh và cải thiện hình ảnh sau khi bị các nhà lãnh đạo phương Tây “xa lánh” vì vụ bê bối tham nhũng liên quan Quỹ Phát triển Quốc gia 1 Malaysia Development Bhd (1MDB). Vì thế, không có gì khó hiểu khi nhà lãnh đạo này kêu gọi những cựu cường quốc thực dân không nên “lên lớp” các quốc gia từng bị họ cai trị về các vấn đề nội bộ - một lời lẽ được xem là công kích phương Tây.
Một sự kiện dự kiến cũng thu hút nhiều quan tâm là chuyến thăm Úc từ ngày 6 đến 8-11 của Tổng thống Indonesia Joko Widodo, vớitình hình Biển Đông là nội dung nghị sự hàng đầu.
Các nguồn tin nói với tờ The Australian Financial Review rằng Úc đang xem đánh giá Indonesia đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì cân bằng ở khu vực, giữa lúc Trung Quốc tìm cách lôi kéo các nước thành viên ASEAN để phục vụ tham vọng độc chiếm Biển Đông.
Theo NLĐ