Trước đó, trả lời trong cuộc phỏng vấn với báo chí ngày 27/10, bà Choi cho biết không thể về nước vào lúc này vì “tình trạng sức khỏe ốm yếu do suy nhược thần kinh”. Tuy nhiên, chỉ 3 ngày sau, bà Choi đã có mặt tại sân bay Incheon lúc 7h30 sáng.
Động cơ khiến bà Choi trở về có thể là do nỗi lo sợ tất cả những người liên quan sẽ sụp đổ nếu tình hình không được giải quyết, đặc biệt là khi quyền hành tổng thống của bà Park nhanh chóng bị tê liệt sau khi các công tố viên tiến hành khám xét Nhà Xanh.
Từ khi thú nhận đã gửi một số bài phát biểu cho Choi Soon Sil trong thời kỳ đầu nắm quyền, bà Park liên tiếp nhận được những lời cáo buộc, chỉ trích và cả sự phẫn nộ từ phía công luận.
Đảng cầm quyền Saenuri thậm chí đã phải yêu cầu bà chấp thuận việc điều tra của các công tố viên. Cuối tuần qua, hàng chục nghìn người biểu tình ở Seoul, tỉnh Gyeonggi và nhiều nơi khác để yêu cầu Tổng thống từ chức.
Choi Soon Sil chuẩn bị để chụp ảnh sau khi con gái bà, Chung Yoo-ra, giành huy chương trong một cuộc thi cưỡi ngựa ở Incheon, phía Tây Seoul, ngày 20/9/2014. |
Nếu bà Park sụp đổ, gia đình họ Choi có thể đối mặt với nguy cơ đánh mất khối tài sản trong nước trị giá hàng trăm tỷ won, tương đương với hàng chục triệu USD.
Những nỗ lực cứu vãn của Choi có vẻ như có tính hệ thống. Đạo diễn Cha Eun Taek, người bị giới nghệ thuật cáo buộc thường xuyên lạm quyền nhờ mối quan hệ với Choi, tuyên bố sẽ sớm về nước sau 2 tháng làm việc tại Trung Quốc để phục vụ cho quá trình điều tra.
Tâm phúc của bà Choi, Ko Yeong Tae cũng trở về từ Thái Lan vào ngày 27/10 và tự đến văn phòng công tố viên.
“Nếu Choi Soon Sil tiếp tục lẩn trốn ở châu Âu, Tổng thống Park sẽ phải hứng chịu tất cả các cáo buộc. Vì ‘cùng hội cùng thuyền’ với bà Park, Choi Soon Sil có thể đã nghĩ rằng cứu Tổng thống Park lúc này là một cách tự cứu mình”, một nguồn tin pháp lý cho biết.
Động thái bất ngờ phối hợp điều tra của các đối tượng liên quan khiến người ta nghi ngờ có thể họ đã đổi hướng kế hoạch và tìm cách phối hợp lời khai theo một chỉ dẫn nhất định.
Dù trở về sớm hơn dự kiến, Choi Soon Sil vẫn không bị điều tra ngay lập tức. Bên công tố đã quyết định triệu tập bà vào 15h chiều 31/10 thay vì giam giữ và thẩm vấn ngay khi Choi đặt chân đến sân bay quốc tế Incheon lúc 7h30 sáng 30/10 từ sân bay Heathrow ở Anh.
Luật sư của bà Choi, Lee Kyung Jae, cho biết ông đã đề nghị bên công tố hoãn lệnh triệu tập một ngày vì bà Choi cần thời gian nghỉ ngơi sau chuyến bay dài.
Điều này có thể đã cho phép bà Choi có thời gian nhiều hơn một ngày để hủy chứng cứ và phối hợp lời khai của mình với những người liên quan khác.
Các đảng đối lập đã lên tiếng chỉ trích việc trì hoãn thẩm tra của bên công tố và bày tỏ sự nghi ngờ về thái độ làm việc của họ nhằm khám phá sự thật đằng sau vụ bê bối chính trị lớn nhất dưới thời Tổng thống Park.
Bà Choi có thể bị bỏ tù vì vi phạm luật bảo đảm an ninh đối với các tài liệu mật của Tổng thống và có thể bị truy tố vì tội tham ô. Tuy nhiên, nhiều người tin rằng những gì được tiết lộ cho đến nay mới chỉ là bề nổi của tảng băng chìm.
Theo các nguồn tin của Hankyoreh, bà Choi thường ngồi sau xe do Lee Yeong Seon, một quan chức chính phủ làm việc tại dinh Tổng thống lái để đi qua cổng chính của Nhà Xanh mà không bị hỏi han hay khám xét. Những chuyến thăm này kéo dài từ đầu nhiệm kỳ của Tổng thống Park vào năm 2013 cho đến gần đây.
Choi Soon Sil hộ tống bà Park Geun-hye, khi đó đang là đệ nhất phu nhân sau khi mẹ bà bị ám sát, trong một sự kiện chính trị cho sinh viên tại Đại học Hanyang, Seoul, năm 1979. |
"Lối vào mà Choi sử dụng được bộ phận an ninh gọi là Cổng số 11. Đó không phải là Cổng Yeonpung ở phía Đông hoặc Cổng Sihwa ở phía Tây dùng cho các khách bình thường tới Nhà Xanh mà là cổng vào chính", một nguồn tin cho biết.
"Cổng vào chính được sử dụng cho các Bộ trưởng chính phủ và các quan chức có vị thế tương đương trong các cuộc họp nội các. Ngay cả các Bộ trưởng cũng không được phép đi qua cho đến khi họ xuất trình giấy thông hành và khuôn mặt của họ được đối chiếu với ảnh. Nhưng Choi được phép tự do đi qua lối này mà không cần xuất trình giấy tờ".
Theo quy định, khi một công dân cần vào Nhà Xanh nhưng không có giấy phép, thư ký Nhà Xanh phải liên lạc trước với văn phòng an ninh để họ thông báo cho Đội An ninh số 101 canh gác bên ngoài. Tuy nhiên, các thủ tục đều được bỏ qua trong trường hợp của Choi.
Điều này đã dẫn đến một số sự cố vào đầu nhiệm kỳ của Tổng thống Park. Khi đó, các sĩ quan cảnh sát thuộc Đội An ninh số 1 tại lối vào chính của Nhà Xanh phàn nàn rằng họ không được văn phòng an ninh gọi đến và đã cố gắng xác định danh tính của bà Choi.
“Trong lúc tranh cãi, bà Choi đã rất tức giận, kết quả là người phụ trách an ninh đã đột ngột bị giáng chức vào đầu năm 2014”, nguồn tin từ Nhà Xanh cho biết.
Theo xác nhận của Hankyoreh, 2 quan chức cảnh sát cấp cao chịu trách nhiệm về an ninh Nhà Xanh tại thời điểm đó đã bất ngờ bị thay thế vào đầu năm 2014 và chuyển đến vị trí khác tương đương hoặc thấp hơn.
Nếu “người chị em” Choi Soon Sil bị công tố viên buộc tội vi phạm Đạo luật Văn khố Tổng thống và làm lộ bí mật nhà nước, bà Park cũng không tránh khỏi liên can.
Tuy nhiên, điều 84 của Hiến pháp Hàn Quốc quy định: “Tổng thống sẽ không bị buộc tội hình sự trong nhiệm kỳ mà mình đang điều hành ngoại trừ tội nổi loạn hoặc phản quốc”.
Trong phiên điều trần trước quốc hội ngày 26/10, Bộ trưởng Tư pháp Kim Hyun Woong khẳng định điều này có nghĩa Tổng thống không thể là đối tượng của một cuộc điều tra hình sự và bà Park được miễn khỏi một cuộc điều tra như vậy.
Thế nhưng, một số luật sư và học giả cho rằng việc điều tra bà Park là cần thiết. Trong một tuyên bố mới đây, Đoàn Luật sư Seoul nhận định điều 84 của Hiến pháp không thể được coi là căn cứ để loại trừ một cuộc điều tra hình sự với Tổng thống.
Trong cuốn sách “Nguyên tắc nghiên cứu Hiến pháp”, Jeong Jong Seop, nghị sĩ của đảng cầm quyền Saenuri, lập luận: “Thời gian trôi qua, việc thu thập chứng cứ càng trở nên khó khăn, cơ quan điều tra phải được phép tiến hành điều tra hình sự bất cứ lúc nào, kể cả đối với hành vi phạm tội được thực hiện bởi Tổng thống đương nhiệm”.
Đồng tình với quan điểm trên, giáo sư luật Hong Wan Sik của Đại học Konkuk cho rằng việc điều tra cần được tiến hành ngay bây giờ, không phải sau khi các chứng cứ đã bị tiêu hủy.
“Mặc dù có nhiều lập luận khác nhau về cách diễn giải luật pháp, chúng cần được diễn giải vì lợi ích của nhân dân, những người có quyền làm chủ. Người dân muốn rằng sự thật phải được phơi bày và kẻ phạm tội phải chịu trách nhiệm”, giáo sư Hong nhận đinh.
Theo Zing