|
Cựu Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad (Ảnh: Reuters) |
Theo CNA, cựu Thủ tướng Mahathir Mohamad đưa ra cảnh báo trên tại cuộc họp của ban lãnh đạo đảng Parti Pribumi Bersatu Malaysia (PPBM), nơi ông giữ vai trò chủ tịch.
Ông Mahathir cũng cảnh báo rằng chủ quyền của Malaysia có thể sẽ gặp nguy hiểm trong bối cảnh Trung Quốc muốn giải quyết vấn đề yêu sách chủ quyền phi lý của nước này trên Biển Đông bằng các cuộc đàm phán riêng lẻ với từng nước liên quan hơn là với cả khối ASEAN dù đây là tổ chức đại diện cho cả khu vực Đông Nam Á.
“Dường như chúng ta (Malaysia) đang xa rời con đường đi của chính mình. Chúng ta đã không tính đến các chính sách của những quốc gia khác trong khu vực”, ông Mahathir nói.
Cũng theo cựu lãnh đạo Malaysia, động thái của Trung Quốc có thể làm tổn hại đến vai trò trung tâm truyền thống của ASEAN trong việc giải quyết các vấn đề chung trong khu vực. “Chúng ta lập nên ASEAN để giải quyết những xung đột trong khu vực. Nhưng nếu chúng ta không tính đến quan điểm của những nước xung quanh, những mâu thuẫn trong việc giải quyết các vấn đề này sẽ từ đó nảy sinh”, ông Mahathir nói thêm.
Lời cảnh báo được cựu Thủ tướng Mahathir đưa ra sau khi Malaysia vừa ký kết 14 thỏa thuận hợp tác với Trung Quốc nhân chuyến thăm chính thức từ 1/11 của Thủ tướng đương nhiệm Najib Razak tới thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc). Trong các thỏa thuận này, đáng chú ý là khoản vay với lãi suất ưu đãi trị giá 13 tỷ USD mà Trung Quốc dự định rót cho Malaysia để thực hiện dự án Đường sắt Ven biển phía Đông (ECRL), dài khoảng 600km, nối Kuala Lumpur và Tumpat - khu vực ven biển Đông Bắc của Malaysia.
Trong khi đó, nhà kinh tế học khu vực PK Basu nói với CNA rằng việc Malaysia thúc đẩy quan hệ với Trung Quốc có thể mang lại những lợi ích kinh tế cho nước này, song cũng có thể đẩy Kuala Lumpur vào tình thế phải đứng về một phía trong các vấn đề khu vực.
Trước đó, Bộ Quốc phòng Malaysia ngày 28/10 đã đăng tải nội dung bài phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Hishammuddin Hussein lên mạng xã hội Facebook, trong đó đề cập đến việc nước này sẽ mua các tàu tác chiến ven biển (LMS) với Cơ quan Quản lý Khoa học, Công nghệ và Công nghiệp quốc phòng Trung Quốc (SASTIND) trong chuyến thăm của Thủ tướng Najib Razak tới Bắc Kinh. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì mà thông tin này đã bị gỡ bỏ ngay sau đó. Nhiều ý kiến nhận định đây là những bước đi quan trọng của Trung Quốc trong việc mở rộng ảnh hưởng của nước này tại khu vực Đông Nam Á.
Theo Dân Trí