|
Sân đậu sân bay Tân Sơn Nhất đang trong tình trạng quá tải |
Trong khi các biện pháp giải cứu Tân Sơn Nhất (TSN) dù đã “bàn nát nước” vẫn chưa thể triển khai trong thực tế.
Lên máy bay... vẫn phải chờ
Chị Thanh Hằng, ngụ tại TP.HCM, bực bội kể chiều 28.10, sau khi làm các thủ tục bay theo quy định, chị và một số người bạn lên máy bay chuẩn bị hành trình TP.HCM - Đà Nẵng trên chuyến bay VN122 của Vietnam Ailines. Tuy nhiên, khi đã an tọa trên máy bay, chị và hành khách phải ngồi đợi hơn 45 phút với 2 lần nhận thông báo từ tổ bay.
Lần thông báo đầu là do một số trục trặc về xếp dỡ hàng hóa. Lần thông báo thứ 2 là do máy bay đông, phải chờ 5 máy bay khác cất cánh. Chị Thanh Hằng bức xúc: “Chưa kể trước đó, lúc chưa đến sân bay, hãng hàng không đã thông báo qua tin nhắn nội dung chuyến bay chuyển từ 15 giờ đến 16 giờ”. Chuyến về chặng Đà Nẵng - TP.HCM ngày 30.10 cũng không thoát, khi máy bay đến không phận TP.HCM lúc 11 giờ 15 nhưng hành khách cũng phải ngồi chờ khoảng 20 phút sau mới được rời khỏi máy bay.
Giải tỏa ùn tắc Tân Sơn Nhất khả thi nhất vẫn là thêm đường lăn, sân đỗ, nhà ga. Những chủ trương lớn này Bộ GTVT đã thông qua và tính toán cùng với các phương án của TP.HCM nhưng đang chờ phê duyệt để thực hiện. Ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không |
Bản thân những người trong ngành hàng không cũng chịu chung cảnh ngộ. Lãnh đạo Vietnam Airlines cho biết ngày 10.8, máy bay chở ông phải bay vòng vòng trên trời cả tiếng mới đáp xuống TSN, do quá tải.
Lý giải tình trạng này, đại diện Cục Hàng không VN cho biết sân bay TSN hiện có 51 vị trí đỗ máy bay nhưng nhu cầu thực tế lên tới 82 vị trí đỗ. Nên vào một số khung giờ cao điểm khi số lượng máy bay tập trung quá đông, rất nhiều chuyến bay đi và đến TSN bị kéo dài thời gian lăn ra hoặc lăn vào do quá tải.
Trả lời PV, ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không, giải thích cụ thể hơn, sân bay TSN quá tải đã là câu chuyện nóng vài năm trở lại đây. Tuy nhiên, tình trạng này càng trở nên căng thẳng hơn khi năm 2016 lượng khách đi/đến TSN tăng trưởng nóng. Dự kiến năm 2016, lượng khách lên tới 31 - 32 triệu lượt, tăng cao hơn nhiều so với 2015. Nếu năm 2015 chỉ có 35 chuyến bay vào giờ cao điểm thì con số này đã tăng lên đến 40 - 42 chuyến. Vì vậy, thay vì các chuyến bay thông thường phải chờ từ 10 - 15 phút đã phải kéo dài lên 20 - 30 phút, thậm chí nhiều chuyến thời gian chờ lên tới 60 phút.
Lãnh đạo Cục Hàng không kết luận, mấu chốt câu chuyện tắc nghẽn của TSN là tắc nghẽn dưới đất dẫn tới tắc nghẽn trên bầu trời và tắc nghẽn dây chuyền. Dưới mặt đất thiếu sân đỗ, đường lăn để cất hạ cánh nên máy bay phải chờ rất lâu mới cất cánh được. Máy bay trên trời không có đường hạ cánh và vị trí đỗ nên cũng phải bay lòng vòng. Hậu quả không chỉ dịch vụ bay kém, hiệu quả kinh tế giảm mà khách hàng phải gánh chịu bức xúc này.
|
Hành khách xếp hàng làm thủ tục trong sân bay |
Cần thêm đường lăn, sân đỗ, nhà ga
Theo ông Đinh Việt Thắng - Tổng giám đốc Tổng công ty quản lý bay VN (VATM), năng lực sân đỗ quá hạn chế của TSN đang ảnh hưởng chung đến năng lực toàn sân bay. Trong một số thời điểm do thời tiết xấu hoặc số lượng máy bay về đông, đơn vị quản lý bay phải thực hiện phương án điều hành bay vòng, bay chờ, kéo giãn mật độ máy bay, sắp xếp thứ tự ưu tiên để đảm bảo tiêu chuẩn phân cách giữa các tàu bay theo quy định. Giải pháp này nhằm đảm bảo an toàn cho các hoạt động bay, cũng làm gia tăng cường độ làm việc của các kiểm soát viên không lưu.
Để giải quyết tình thế trước mắt, VATM đã triển khai kế hoạch thực hiện vị trí cấp huấn lệnh không lưu tại Đài kiểm soát không lưu TSN. Trong những tình huống phức tạp khi máy bay về quá đông phải điều phối thời gian và số lượng máy bay cất cánh từ các sân bay khác trong cả nước đến TSN. Cụ thể, từ ngày 10.11 sẽ thay đổi phương thức điều hành bay.
Theo đó, VATM đưa vào khai thác phương thức lập thể, không giao cắt tại TSN để tách vị trí kiểm soát vùng tiếp cận khu vực này từ 1 vị trí hiện nay thành 2 vị trí nhằm giảm tải cho các kiểm soát viên không lưu; rút phân cách giữa các tàu bay từ 5 dặm như hiện nay xuống còn 3 dặm (Tiêu chuẩn cao nhất của ICAO). Bên cạnh đó, VATM cùng Tổng công ty cảng hàng không VN, các hãng hàng không và cơ quan liên quan áp dụng mô hình “Phối hợp ra quyết định tại sân bay” để giải tỏa nhanh ùn tắc dưới đất cũng như trên trời TSN.
Tuy nhiên, theo ông Lại Xuân Thanh, các biện pháp tình thế như điều phối không lưu, rà soát để tăng hiệu quả tại nhà ga... chỉ giải quyết được tình trạng trước mắt. Để giải bài toán quá tải cho TSN phải xử lý thêm được đường lăn, sân đỗ và nhà ga lưỡng dụng phục vụ cả ga nội địa và quốc tế.
“Bộ Quốc phòng đã trình Chính phủ phương án bàn giao gần 22 ha đất quốc phòng trong khu vực TSN cho Bộ GTVT để mở rộng thêm 50 vị trí sân đỗ và 1 đường lăn để giải tỏa đường cất hạ cánh. Nhưng hiện vẫn đang chờ Chính phủ phê duyệt”, ông Thanh cho hay và nói thêm, nếu được Chính phủ phê duyệt, sẽ mất 1 năm để cải tạo sân đỗ, đường lăn và 18 tháng cho quá trình xây dựng nhà ga lưỡng dụng. Khi đó sẽ nâng được năng lực khai thác của TSN lên công suất 40 triệu lượt hành khách/năm, giải phóng được mặt đất thì bầu trời không phải bay chờ, giải phóng được tắc nghẽn bầu trời.
“Giải tỏa ùn tắc TSN khả thi nhất vẫn là thêm đường lăn, sân đỗ, nhà ga. Những chủ trương lớn này Bộ GTVT đã thông qua và tính toán cùng với các phương án của TP.HCM nhưng đang chờ phê duyệt để thực hiện”, ông Thanh nói.
Ông Đặng Tuấn Tú, Giám đốc Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, cho biết: “Vấn đề gấp nhất hiện nay là cần phải có thêm nhà ga nội địa; mở rộng thêm bến đậu cho máy bay vì mức tăng trưởng hành khách năm nay hơn 30% so với năm trước. Bên cạnh đó, tần suất khai thác phải hợp lý; cần sự phối hợp chu đáo của các hãng hàng không, giảm tỷ tệ hủy, hoãn chuyến...”. |
Theo Thanh Niên Online