Là 1 trong số khoảng 30 người được chính quyền huyện Ia Pa vận động, đưa đến vùng an toàn sau khi “cố thủ” tại chòi rẫy để canh tài sản, vợ chồng ông Lê Văn Lệ là người cuối cùng chịu rời đi trong sự thấp thỏm lo âu bị mất trộm tài sản. Ông Lệ cho biết, từ tối 2/11, nước lũ đổ về dâng cao gần tới chỗ ngủ của vợ chồng ông, lúc này vợ chồng rất lo sợ nhưng vẫn ở lại với hy vọng nước sẽ rút.
Đến sáng 3/11, thời tiết tuy vẫn còn mưa nhưng nước không còn dâng cao nhanh như hôm trước, vì vậy vợ chồng ông Lệ không dám tìm đường rời đi đến vùng an toàn hơn vì sợ tài sản sẽ bị mất trộm. Trước khi rời khỏi khu vực chòi rẫy đang bị lũ cô lập, ông Lệ bày tỏ mong được chính quyền bảo vệ tài sản của vợ chồng mình là những bao phân bón và dụng cụ để làm rẫy.
Vì sợ mất những tài sản này mà ông Lên không muốn rời đi |
Cũng như ông Lệ, ông Trần Văn Lên cho biết, ngày 2/11, ông có nghe phong phanh là lũ sẽ về nhưng không chắc chắn, vì vậy ông đã không kịp di dời đồ đạc đến nơi an toàn. Sau khi lũ về, do sợ mất tài sản ông cũng muốn ở lại chòi rẫy để giữ tài sản…
Đến chiều ngày 3/11, chính quyền huyện Ia Pa đã đưa tất cả khoảng 30 người tại 12 chòi rẫy đang bị nước bao vây đến nơi an toàn. Hầu hết trong số họ vì sợ bị mất phân bón và vật tư làm rẫy nên đã “cố thủ” tại chòi, không muốn đi. Chỉ đến khi chính quyền địa phương vận động thì họ mới chấp nhận lấy một số tài sản, di chuyển đến nơi an toàn hơn.
Nước tràn ngập chân nhà sàn của người dân |
Trước tình hình mưa lớn cộng với việc các hồ thủy lợi, thủy điện cùng xả lũ, chính quyền huyện Ia Pa đã vận động người dân di tản hầu hết trâu, bò đến khu vực cao hơn. Người già và trẻ em ở xã Ia Broái cũng được đưa đi di tản đến trường học để tránh lũ.
Anh Siu Miên cho biết, nước đã lên quá nhanh, mới sáng sớm anh chưa thấy nước nhưng đến trưa thì nước đã ngập đến chân nhà sàn. Anh đã đưa mẹ và các con mình đến trường để lánh nạn.
Người dân được đưa ra khỏi những chòi rẫy đang bị nước bao vây |
Theo Dân Trí