Chiến lược “xoay trục” từ Mỹ sang Trung Quốc của Tổng thống Rodrigo Duterte bắt đầu đối mặt những phép thử đầu tiên khi ngư dân Philippines vừa trở lại bãi cạn Scarborough sau 4 năm bị Bắc Kinh phong tỏa.
Mơ hồ bao trùm
Đây có thể được xem là “thành quả” từ chuyến công du Trung Quốc gần đây của ông Duterte dù vẫn còn nhiều dấu hỏi về những gì hai bên đã đạt được trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông. Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuần này khẳng định tình hình tại bãi cạn Scarborough vẫn không có gì thay đổi và trong tương lai cũng như thế. Giới chức Philippines cũng nói ngư dân nước này có thể trở lại đó nhưng xác nhận không có thỏa thuận nào đạt được về vấn đề Scarborough trong thời gian ông Duterte thăm Trung Quốc.
Hình ảnh vệ tinh chụp hôm 29-10 và được Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (Mỹ) công bố hôm 2-11 cho thấy tàu cá Philippines không vào được bên trong bãi cạn mà chỉ hoạt động bên ngoài, trong lúc tàu hải cảnh Trung Quốc vẫn hiện diện ở đó.
Ông Joel Banila, thuyền trưởng một tàu cá Philippines vừa trở về từ Scarborough, nói với Reuters rằng ông nhìn thấy 4 tàu Trung Quốc, trong đó 1 chiếc án ngữ ngay cửa ngõ bãi cạn và 3 chiếc neo đậu xung quanh. Nghe lời khuyên của những ngư dân khác, ông Banila chỉ cho tàu của mình đánh bắt bên ngoài bãi cạn.
Ngư dân Philippines trở về TP.Subic hôm 1-11 sau chuyến đánh cá ở ngoài bãi cạn Scarborough |
Ông Laureano Artagame - một quan chức ngư nghiệp tại TP.Subic, tỉnh Zambales - nói việc tàu Trung Quốc vẫn hiện diện tại Scarborough sau phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) hồi tháng 7 là điều không thể chấp nhận được. Quan chức này cho biết nhiều ngư dân không hài lòng với sự mập mờ ngoại giao liên quan đến bãi cạn Scarborough và ông dự định gặp đại diện chính phủ ông Duterte để hỏi cho ra lẽ.
“Một trong những vấn đề chúng tôi sẽ hỏi chính phủ là có thỏa thuận rõ ràng nào về việc mở cửa lại Scarborough hay không? Và tại sao họ (tàu Trung Quốc) vẫn chặn lối ra vào nơi đó?” - ông Artagame nói với Reuters.
Thông điệp của Mỹ
Tâm trạng lo lắng của ngư dân Philippines báo hiệu những thách thức không hề nhỏ đang chờ chính sách đối ngoại của ông Duterte thời gian tới. Chưa đầy 2 tuần sau khi công khai mong muốn “chia tay” đồng minh lâu năm Mỹ, nhà lãnh đạo Philippines có lẽ đang cảm nhận được sức ép ngày một tăng.
Đòn đầu tiên đến từ việc cựu Tổng thống Fidel Ramos từ chức đặc phái viên về Trung Quốc - thông tin được Phủ Tổng thống Philippines xác nhận hôm 2-11. Cùng với quyết định này, ông Ramos tiếp tục chỉ trích những phát ngôn xúc phạm đồng minh của ông Duterte không chỉ gây hại cho bản thân mà còn cả 101,5 triệu người dân Philippines. Trước đó, trong bài viết nhân dịp 100 ngày đầu làm Tổng thống của ông Duterte, ông Ramos bày tỏ sự thất vọng khi chứng kiến ông Duterte phát động chiến dịch trấn áp ma túy đẫm máu và có lời lẽ xúc phạm Mỹ, Liên Hiệp Quốc.
Những chỉ trích này càng thêm sức nặng nếu biết rằng ông Ramos chính là người thuyết phục ông Duterte ra tranh cử Tổng thống. Tờ The Washington Post nhận định sự ra đi của ông Ramos là tổn thất lớn đối với đội ngũ của ông Duterte và dư chấn của nó chắc chắn sẽ lan rộng trong nội bộ chính phủ, quân đội Philippines.
Đòn thứ hai đến từ thông tin Mỹ ngưng bán 26.000 súng trường tấn công M4 cho Cảnh sát Quốc gia Philippines. Reuters hôm 1-11 tiết lộ Bộ Ngoại giao Mỹ ngưng thương vụ này do vấp phải sự phản đối của Thượng nghị sĩ Ben Cardin, nhân vật hàng đầu trong Ủy ban Đối ngoại thượng viện và là người chỉ trích mạnh mẽ cuộc chiến chống ma túy của ông Duterte.
Sự đổ vỡ của thỏa thuận - thông tin này vẫn chưa được chính thức xác nhận - có thể không đáng kể nếu so với khoản tiền 9 triệu USD mà Bộ Ngoại giao Mỹ cam kết tài trợ cho các chương trình thực thi pháp luật ở Philippines trong năm 2017. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry vào cuối tháng 7 cũng hứa hỗ trợ 32 triệu USD cho các chương trình thực thi pháp luật của ông Duterte.
Dù vậy, động thái trên phần nào cho thấy tiền tài trợ của Mỹ có thể và sẽ bị cắt giảm nếu ông Duterte tiếp tục có những hành động bị cáo buộc vi phạm nhân quyền và các phát ngôn chống Washington. Vẫn còn quá sớm để biết ông Duterte tiếp thu thông điệp này đến đâu. Trước mắt, nhà lãnh đạo này tiếp tục luận điệu công kích khi gọi những người đứng sau quyết định trên ở Mỹ là “bọn ngốc”, “bọn nhãi ranh”…
Theo NLĐ