9 người chết do mưa lũ ở Nam Trung Bộ, Tây Nguyên

Thứ bảy, 05/11/2016, 19:16
Mưa lớn những ngày qua kết hợp việc xả lũ của nhiều nhà máy thủy điện khiến các tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung Bộ bị chìm trong nước, 9 người chết, 2 mất tích.

Chiều 5/11, áp thấp nhiệt đới đổ bộ vào đất liền qua địa bàn Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Thuận rồi suy yếu thành một vùng áp thấp. Sau khi vào đất liền, vùng áp thấp có gió dưới cấp 6, gây mưa to ở một số khu vực Đông Nam Bộ rồi tan dần, không gây thiệt hại lớn.

Nhiều nhà ở Phú Yên bị nước lũ đánh sập hoàn toàn. đồ đạc bị cuốn trôi.

Mưa lũ đi qua, song một số xã của huyện Đồng Xuân, Phú Yên vẫn còn bị cô lập. Đây được xem là tỉnh bị thiệt hại nặng nề nhất.

Mưa lớn bắt đầu trút xuống hôm 1/11 đã làm nước sông Kỳ Lộ lên nhanh, khiến người dân ở huyện Tuy An và Đồng Xuân không trở tay kịp. Nhiều nhà bị nước lũ đánh sập, cuốn trôi, một số xã nằm ven sông bị cô lập. Phía Bắc Phú Yên, thủy điện sông Ba Hạ xả lũ với lưu lượng lớn khiến huyện Phú Hòa, TP.Tuy Hòa... ngập nặng.

Theo ông Trần Hữu Thế, Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, đến ngày 5/11, toàn tỉnh này đã có 7 người chết, một người mất tích vì mưa lũ. Ngoài ra, còn có 9 căn nhà bị sập hoàn toàn, 15 nhà tốc mái, 9.679 nhà bị ngập… Ước tính thiệt hại 247,5 tỷ đồng. Tại thị xã Sông Cầu, từ đêm qua đến sáng nay, tôm hùm nuôi ở ven đầm Cù Mông bất ngờ chết hàng loạt, trong đó có nhiều lồng tôm đang vào kỳ thu hoạch trị giá hàng trăm triệu đồng, khiến người dân thiệt hại nặng nề.

Tại Bình Định, mưa lớn liên tục đổ xuống chiều 2/11 đã làm mực nước các sông dâng cao, gây ngập sâu ở một số xã của huyện An Lão, Tuy Phước, Vĩnh Thạnh, Hoài Nhơn và TP.Quy Nhơn... Hàng nghìn nhà dân bị nhấn chìm, nhiều đoạn đường giao thông bị chia cắt do nước tràn, một số công trình thủy lợi hư hỏng nặng.

Đến chiều 5/11, toàn tỉnh có một người chết, 34 nhà sập, 34 nhà tốc mái, 1.450 nhà ngập nước, 217 hộ dân phải di dời đến nơi an toàn, 230 hộ khác bị cô lập.

Chợ Vĩnh Thạnh, TP.Nha Trang ngập nặng do mưa lũ.

Khánh Hòa, hai hôm nay TP.Nha Trang, Cam Ranh, Cam Lâm, thị xã Ninh Hòa... cũng chìm trong lũ. Nhiều xã vùng ven thành phố Nha Trang ngập sâu, có nơi cao đến 2m, khiến hàng chục hộ dân bị cô lập. Các chợ, trung tâm thương mại, trường học, cơ quan nhà nước bị xáo trộn, không thể hoạt động.

Ở huyện miền núi Khánh Vĩnh, quốc lộ 27C qua đèo Khánh Lê bị sạt lở nhiều điểm, khiến tuyến huyết mạch Nha Trang - Đà Lạt tê liệt. Hàng nghìn hecta hoa màu nguời dân bị hư hại. Đến chiều nay, tỉnh có một cháu bé 2 tuổi mất tích, do trượt chân xuống sông ở xã Phước Đồng, TP.Nha Trang.

Tây Nguyên, mưa lớn nhiều ngày khiến nước thượng nguồn đổ về quá lớn buộc nhà máy thủy điện Đa Nhim (Lâm Đồng) phải xả lũ điều tiết với lưu lượng 800m3/s. Việc xả lũ đã khiến nhiều địa phương nằm hai bên sông Đa Nhim ở huyện Đơn Dương ngập nặng, có nơi sâu 2m. Nhiều nhà dân bị cô lập, phải di tản đồ đạc và người lên cao. Nhiều trang trại rau sạch công nghệ cao cũng thiệt hại nặng nề.

Chủ tịch UBND huyện Đơn Dương Đinh Ngọc Hùng cho biết, đã có 2.500 hecta rau bị ngập, trong đó trên 1.000 hecta đang vào thời kỳ thu hoạch.

Nước từ thủy điện Đa Nhim xả lũ gây ngập hàng nghìn hecta rau ở huyện Đơn Dương.

Mưa lớn kéo dài đã khiến một số khu vực thấp trũng, đường liên xã của huyện Ea Kar, Đăk Lăk ngập sâu. Đặc biệt là xã Chư Ea Lang bị cô lập, cơ quan chức năng phải di dời hơn 2.000 dân lên vị trí cao trú ẩn. Tỉnh đã có một người chết do nước lũ cuốn trôi trong khi đi đánh cá; hơn 500 căn nhà ở huyện Ea Kar bị ngập; hàng trăm hecta hoa màu, lúa mất trắng; nhiều gia súc, gia cầm bị nước cuốn trôi...

Theo VNE

Các tin cũ hơn