Theo Reuters, Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) hôm 6/11 đã tiến hành một chiến dịch ở Raqqa (Syria), nơi được coi là "Thủ đô" của nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Tại buổi họp báo ở Ain Issa, cách thành trì Raqqa khoảng 50km về phía Bắc, một chỉ huy SDF thông báo: "Cuộc chiến lớn nhằm giải phóng Raqqa và các khu vực xung quanh đã bắt đầu."
Một quan chức cấp cao Mỹ cho biết, Washington chính thức đã mong ngóng cuộc tấn công này từ lâu và đã tổ chức các cuộc hội đàm để xác định những thành phần tham gia cuộc tiến công lớn này.
Binh lính Mỹ ở phía Bắc Raqqa hôm 6/11. Ảnh: Reuters |
Reuters cho biết, chiến dịch ở Raqqa lần này có sự tham gia của Lực lượng SDF gồm các tay súng người Kurd và Ả-rập do Mỹ hậu thuẫn. Song trên thực địa, xung quanh Raqqa và Mosul đều có lực lượng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ.
Mỹ hiện nay cần cân đối lực lượng liên minh tham gia vào chiến dịch Raqqa khi có cả hai lực lượng đối địch là SDF và quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cùng tham gia trong một mặt trận.
Trong một thông báo, phát ngôn của lực lượng SDF Talal Sello ngày 6/11 cũng cho biết Washington đã nhất trí rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không đóng vai trò trong cuộc chiến chiếm Raqqa.
Song cùng hôm 6/11, Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về liên quân do Mỹ đứng đầu trong cuộc chiến chống IS, Brett McGurk nói trong cuộc họp báo ở Thủ đô Amman của Jordan: "Chúng tôi đang liên lạc chặt chẽ với đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ và đó là lý do tại sao Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Joseph Dunford có mặt ở Ankara ngày hôm nay".
Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cũng xác nhận thông tin này. Tổng Tham mưu trưởng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar và người đồng cấp Mỹ Joseph Dunford đang ở thăm Thổ Nhĩ Kỳ đã thảo luận về những chiến lược chung chống IS ở Syria và Iraq.
Tuyên bố của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ nêu rõ: "Các biện pháp chiến đấu chung chống IS ở Syria và Iraq, cụ thể al-Bab và Raqqa, đã được thảo luận cho những ngày tới".
Việc Mỹ bắt đầu thảo luận để thực hiện cuộc tiến công mới ở Raqqa được đưa ra ngay khi cuộc chiến chống khủng bố IS ở Mosul vẫn còn gặp các rào cản khó khăn và lực lượng quân đội Iraq còn thực sự chưa tới được thành trì Mosul.
Phụ nữ và trẻ em được di cư khỏi thị trấn Hammam al-Alil. Ảnh: Reuters |
Những ngày qua, chiến thắng ở Mosul ngập tràn các tờ báo Mỹ và phương Tây. Những chiến thắng vang dội, những ngôi làng đã giành được, những tên khủng bố và chỉ huy của chúng bị giết chết, bị bắt làm tù binh... thậm chí quân đội chính phủ còn tới được ngôi làng cuối cùng để tới sát thành trì Mosul, nhưng trên thực địa quân IS chống trả điên cuồng cũng như giành giật quyền kiểm soát các ngôi làng.
Không những vậy, những "tên khủng bố" bị quân đội Iraq bắn chết hoặc bắt sống được xác định là quân nổi dậy địa phương trấn giữ các khu vực làng.
Sau khi quân đội Iraq chiếm tới thị trấn Hammam al-Alil, khu vực cuối cùng cách thành phố Mosul khoảng 15km về phía Nam, chưa có thông tin tiếp tục cập nhật về sự tiến công tiếp theo của lực lượng này, mà đa phần là về việc quân đội Iraq phải chống trả những bẫy mìn và một số tay súng địa phương trấn giữ khu vực.
Điều này khiến khó ai không khỏi nghi ngờ về quyết tâm và đặt dấu hỏi cho cuộc thương thảo của Mỹ với quân đội Iraq về phạm vi các vùng chiếm đóng của họ quanh Mosul, cũng như ý đồ thực sự của Mỹ vào thời điểm bắt đầu đàm phán về cuộc tiến công mới vào Raqqa này.
Theo Dân Trí