|
Máy bay J-10 sử dụng động cơ AL-31FN của Nga. |
Truyền thông Trung Quốc cho rằng nguyên nhân khiến nữ phi công tiêm kích J-10 đầu tiên của nước này tử nạn gần đây là do những trục trặc xuất phát từ động cơ được Nga sản xuất lắp trên chiếc chiến đấu cơ nội địa này, theo IDRW.
Nữ phi công quân sự Yu Xu thiệt mạng trong một vụ rơi tiêm kích J-10 hôm 12/11. Tuy nhiên, đây chỉ là một trong số nhiều vụ tai nạn liên quan tới loại tiêm kích này. Kể từ khi chiếc tiêm kích ra mắt vào năm 2005, Trung Quốc đã chứng kiến ít nhất 11 vụ rơi máy bay J-10.
Trong năm 2015, đã có ít nhất 3 vụ tai nạn liên quan đến tiêm kích J-10. Chỉ một tháng trước khi Yu Xu gặp nạn, một chiếc tiêm kích J-10 khác cũng gặp sự cố trong quá trình huấn luyện.
Truyền thông Trung Quốc cho rằng nguyên nhân chính của các vụ tai nạn tiêm kích J-10 là do động cơ Saturn AL-31FN được Nga sản xuất và trang bị trên dòng chiến đấu cơ này. Tiêm kích J-10 được gắn một động cơ Saturn AL-31FN với lực đẩy tối đa 12.500 kgf, do Nga phát triển dựa trên nền tảng động cơ AL-31F của tiêm kích Su-27.
Để có thể gắn vừa vào khoang động cơ trên J-10, nhà sản xuất Nga phải thiết kế lại động cơ để thu nhỏ kích thước của AL-31FN. Một số chuyên gia quân sự Trung Quốc cho rằng đây là lý do dẫn tới hàng loạt lỗi phát sinh khiến động cơ ngừng hoạt động trong quá trình bay.
Các chuyên gia này cho rằng AL-31FN được thiết kế cho tiêm kích hai động cơ như Su-27, không dành cho tiêm kích một động cơ như J-10. Việc chỉ gắn một động cơ khiến J-10 thường xuyên phải chịu tải trọng và áp lực lớn hơn nhiều so với thiết kế động cơ. Việc hoạt động quá tải liên tục khiến AL-31FN gặp nhiều sự cố hơn, dẫn tới hàng loạt vụ tai nạn máy bay J-10.
Truyền thông Trung Quốc nhận định nhà sản xuất động cơ Saturn của Nga đã không tìm cách cải thiện tính năng an toàn cho dòng AL-31FN. Tuy nhiên, Nga luôn khẳng định nó là mẫu động cơ đáng tin cậy, nhờ lịch sử hoạt động ổn định trên các dòng tiêm kích hai động cơ Su-27 và Su-30.
Trung Quốc từng thử lắp động cơ Taihang WS-10, bản sao chép của AL-31F, lên tiêm kích J-10. Tuy nhiên, mẫu động cơ nội địa này tỏ ra kém tin cậy và gặp rất nhiều lỗi kỹ thuật, buộc Trung Quốc phải mua 400 động cơ AL-31FN của Nga để trang bị cho phi đội J-10 của mình.
Theo VNE