Vì sao Thủ tướng Nhật Bản hối hả gặp Tổng thống đắc cử Donald Trump?

Thứ ba, 15/11/2016, 13:01
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe không mất nhiều thời gian để hết bất ngờ trước chiến thắng của ông Donald Trump. Ông Abe sẽ là một trong những nhà lãnh đạo thế giới đầu tiên gặp ông Trump kể từ sau cuộc bầu cử.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (trái) và Tổng thống đắc cử Donald Trump (Ảnh: AP)

Thủ tướng Nhật Bản sẽ gặp Tổng thống đắc cử Donald Trump tại New York ngày 17/11, trước khi tham dự thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương tại Peru.

Hãng tin Reuters dẫn lời cố vấn an ninh giấu tên của ông Trump cho biết cuộc họp này “có thể đánh dấu bước đầu các cuộc thảo luận để huy động sự hậu thuẫn của Nhật Bản nhằm đẩy lùi ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc tại châu Á”.

Trong khi đó, theo New York Times, ông Abe đang tìm cách để đánh giá thực hư tuyên bố tranh cử của ông Trump liên quan đến Nhật Bản - vốn khiến Tokyo quan ngại về sự rạn nứt trong đồng minh an ninh với Washington trước một Trung Quốc trỗi dậy và một Triều Tiên khó lường.

Trong khi đó, tờ Financial Times cho rằng động thái hối hả cho cuộc gặp của ông Abe là “để sửa chữa những phỏng đoán và sách lược lệch hướng mà Tokyo đưa ra trước ngày 8/11”.

Nhật Bản được cho là đã dự đoán bà Hillary Clinton sẽ là chủ nhân tiếp theo của Nhà Trắng. Bằng chứng là chỉ một hai ngày trước bầu cử Mỹ, các quan chức chính phủ tiết lộ cho giới truyền thông Nhật Bản rằng ông Abe đã kế hoạch thăm Washington trong tháng 2/2017, để hội đàm với bà Clinton.

Và cũng với dự đoán là bà Hilary Clinton sẽ thắng cử, chính phủ Nhật Bản đã nhanh chóng thông qua Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vì lo ngại rằng bà Clinton sẽ mở lại các cuộc đàm phán. TPP đã được Hạ viện Nhật Bản thông qua hôm 10/11 và giờ đây được đưa lên Thượng viện Nhật Bản, nơi nhiều khả năng sẽ được thông qua.

Giới chuyên gia chờ đợi

Trong khi nhiều thành viên chính phủ của ông Abe chưa hết bàng hoàng về kết quả bầu cử Mỹ, ông Abe đã kịp thời chúc mừng tỷ phú Trump, ca ngợi ông là không chỉ thành công trong kinh doanh với những tài năng phi thường của mình và đóng góp cho nền kinh tế Mỹ, mà bây giờ, ông đang cố gắng để lãnh đạo đất nước.

Trong cuộc điện đàm cuối tuần trước, ông Abe nói với ông Trump rằng "một liên minh Nhật-Hàn mạnh mẽ sẽ có lợi cho hòa bình và ổn định ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương".

Jeffrey Kingston, giám đốc nghiên cứu châu Á tại Đại học Temple ở Tokyo, cho rằng Thủ tướng Nhật Bản sẽ tìm cách phát triển mối quan hệ cá nhân với Tổng thống mới đắc cử Mỹ - một mối quan hệ có thể không tự nhiên, do ông Trump là người nổi tiếng với tính khí “bất quy tắc” và kinh nghiệm ngoại giao mờ nhạt, trong khi ông Abe là chính trị gia kỳ cựu.

Đối với Nhật Bản, có nhiều điều cần dựa vào quan hệ với Mỹ. Dù Nhật Bản có lực lượng an ninh riêng, nhưng vẫn phụ thuộc vào lực lượng Mỹ - đã đóng quân ở đây kể từ khi sau Chiến tranh Thế giới II - để giúp bảo vệ Nhật Bản khỏi các mối đe dọa từ các nước xung quanh theo như cam kết ghi trong hiệp ước an ninh giữa hai nước. Căng thẳng trong khu vực châu Á khiến quan hệ đồng minh này càng trở nên quan trọng sống còn với Nhật Bản.

Vậy ông Abe Shinzo sẽ trao đổi những gì khi gặp ông Donald Trump?

Mối quan tâm lớn nhất là ông Trump sẽ xử lý những cam kết của Mỹ như thế nào? Bà Clinton là Ngoại trưởng Mỹ đầu tiên thông báo rằng Khoản 5 trong Hiệp ước An ninh Nhật-Mỹ được áp dụng đối với quần đảo Senkaku mà Nhật Bản quản lý và Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền và gọi là Điếu Ngư. Động thái này đã được ông Obama xác nhận lại.

"Chưa rõ liệu ông Trump có lặp lại điều này hay không," Fumiaki Kubo, một giáo sư về chính trị Mỹ tại Đại học Tokyo nói. "Mỹ phản đối quân sự hóa các đảo ở Biển Đông và ủng hộ quyền tự do hoạt động hàng hải trong khu vực. Cũng không rõ liệu ông Trump cũng sẽ hành động như vậy không?"

Ông trùm bất động sản cũng đã khiến Nhật Bản và Hàn Quốc sửng sốt khi cáo buộc hai nước này “dựa dẫm” chiếc ô hạt nhân của Mỹ; rằng hai nước này phải trả nhiều hơn để đổi lấy sự bảo vệ của Mỹ. Ngân sách của Nhật Bản cho quân Mỹ trong năm 2016 là 192 tỷ USD - cao nhất trong 7 năm qua.

Trả lời phỏng vấn đài NHK, Tướng Bert K. Mizusawa, một trong những cố vấn của ông Trump trước đây cho rằng, là một doanh nhân, ông Trump coi hiệp ước với các nước khác như hợp đồng mà cần phải được xem xem liệu có mang lại lợi ích cho người Mỹ hay không. Ông Mizusawa nói thêm rằng cái gọi là “chiếc ô hạt nhân” mà Mỹ cung cấp cho Nhật Bản và Hàn Quốc rất tốn kém, và mối đe dọa ngày càng tăng trong khu vực sẽ làm cho nó thậm chí còn đắt đỏ hơn.

Không rõ ông Trump thực sự sẽ yêu cầu Nhật Bản phải trả thêm tiền không, và nếu không trả, sẽ rút lực lượng quân sự của Mỹ ra khỏi Nhật Bản hay không?

New York Times cho rằng ông Abe cũng sẽ có thể muốn thảo luận về TPP mà ông Trump từng nói “sẽ vứt vào thùng rác nếu đắc cử”. Đây là điều duy nhất mà New York Times chắc chắn: TPP gần như “đã chết” dưới thời Tổng thống Trump, người phản đối toàn cầu hóa.

Theo Dân Trí

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích