Phát biểu trước Quốc hội chiều 15/11, đại biểu Phạm Đình Cúc (Bà Rịa – Vũng Tàu) thẳng thắn chất vấn Bộ trưởng Trần Hồng Hà về việc không ai đứng ra chịu trách nhiệm sau khi xảy ra sự cố môi trường.
Trả lời câu hỏi, Bộ trưởng TN&MT dẫn ra nhiều quy định cho thấy sự chồng chéo trong quản lý các vấn đề liên quan đến môi trường, cấp phép đầu tư dự án. Ông Hà thừa nhận hiện nay các cơ quan trung ương chưa đảm đương hết được việc kiểm tra giám sát.
Cũng đề cập đến cơ chế quản lý, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) đề cập đến trách nhiệm cá nhân của Bộ trưởng Trần Hồng Hà trước tình trạng “quản lý kiểu thả gà ra đuổi” như hiện nay.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa. Ảnh: Ngọc Ý. |
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) nêu câu hỏi: “Sau sự cố Formosa, bộ trưởng đã xin lỗi người dân. Tuy nhiên, với tư cách là người quản lý, bộ trưởng thấy lỗi của cá nhân và lỗi của bộ mình là gì. Bộ trưởng thấy đã sửa lỗi với nhân dân trọn vẹn chưa?”.
Luật sư Trương Trọng Nghĩa, chất vấn: “Xét về yếu tố con người, Bộ trưởng thấy bộ máy có đủ sức, đủ liêm khiết, trình độ năng lực đáp ứng công việc hay không?”.
Đại biểu Nghĩa đặt giả thiết nếu có dự án xung đột lợi ích giữa Bộ TN&MT với các bộ khác, thậm chí là với Phó Thủ tướng, nhưng Bộ trưởng thấy có nguy cơ về môi trường. “Trong tình thế đó, Bộ trưởng có đủ dũng khí bảo vệ quan điểm hay thoả hiệp?”.
Gọi các cụm công nghiệp mọc lên dọc hai bên bờ sông Hậu là các “quả bom môi trường nổ chậm”, đại biểu Hoàng Thanh Tùng kiến nghị Bộ TN&MT cần có các biện pháp để cứu vãn sự sống của dòng sông có ảnh hướng lớn đến đời sống người dân Đồng bằng sông Cửu Long. Các vấn đề ô nhiễm sông Nhuệ, sông Đáy, sông Tô Lịch ở Bắc Bộ cũng lần lượt được các đại biểu đề cập.
Bộ trưởng Trần hồng Hà cho biết đã có chương trình giai đoạn 211-2015 xử lý ô nhiễm tại các làng nghề và lưu vực sông. Do kinh phí mới bố trí được 1/5 nên kết quả chỉ giải quyết được 9/34 làng nghề.
Theo ông Hà, do thời gian thẩm định dự án ODA kéo dài nên hiện nay, bộ khuyến khích các dự án hợp tác công tư PPP. Bộ trưởng TN&MT dự báo nếu làm tốt, vấn đề ô nhiễm tại các dòng sông sẽ được xử lý trong khoảng 5 năm tới.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà trả lời chất vấn chiều 12/11. Ảnh: Tiến Tuấn. |
Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà (Hà Nội) chất vấn về các hệ luỵ của nhiệt điện than. Đại biểu Hà cho biết 20 nhà máy nhiệt điện than hiện nay đang tiêu thụ 45 triệu tấn than và thải ra 60 tấn tro xỉ than. Theo quy hoạch đến 2020, cả nước có thêm 20 nhà máy nhiệt điện than nữa.
“Nguồn tài nguyên than đang dần cạn kiệt, môi trường của các nhà mày lại rất phực tạp khiến cử tri lo ngại. Bộ trưởng đánh giá mức độ ô nhiễm và tính khả thi của các dự án này như thế nào”, ông Hà hỏi.
Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, nguồn thải của nhiệt điện than hiện nay có ba nhóm chính: khí và bụi, nước làm lạnh chưa hoá chất, tro và xỉ thải. Ông Hà khẳng định hiện nay vẫn còn dư địa để chọn công nghệ tốt hơn nhằm hạn chế lượng chất thải. Bộ TN&MT cũng đang đề xuất nghiên cứu việc sử dụng chất thải từ các nhà máy này làm vật liệu xây dựng.
Sáng 16/11, Bộ trưởng Trần Hồng Hà tiếp tục trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Theo Zing