Chọn mức “cảnh cáo” thì đủ quy định để kỷ luật ông Vũ Huy Hoàng

Thứ năm, 17/11/2016, 08:28
Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp - Nguyên Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Đình Quyền cho rằng, vận dụng quy định về thời hiệu xử lý kỷ luật trong luật Cán bộ công chức thì có đủ căn cứ xử lý ông Vũ Huy Hoàng nhưng vẫn “vướng” nếu chọn hình thức cách chức.

Ông Nguyễn Đình Quyền hiện là Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp của UB Thường vụ Quốc hội.

Trao đổi với báo giới bên hành lang Quốc hội chiều 16/11, ông Nguyễn Đình Quyền cho biết ông vừa ký công văn trả lời cấp có thẩm quyền việc nghiên cứu quy trình kỷ luật hành chính cựu Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng.

Theo ông Quyền, qua nghiên cứu cho thấy hệ thống pháp luật có lỗ hổng về việc xử lý cán bộ, công chức, viên chức vi phạm khi không còn trên cương vị công tác. Tuy nhiên, vận dụng khoản 1 Điều 80 của Luật Cán bộ, công chức 2008 về “thời hiệu xử lý kỷ luật” thì vẫn có cơ sở pháp lý để kỷ luật hành chính ông Vũ Huy Hoàng.

“Luật quy định thời hiệu xử lý kỷ luật là 24 tháng, kể từ thời điểm cán bộ công chức có hành vi vi phạm. Như vậy, đây chính là cơ sở pháp lý để áp dụng biện pháp kỷ luật hành chính cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng” – ông Quyền nói.

Tuy nhiên, một vấn đề là có 4 hình thức kỷ luật được đưa ra trong luật là “khiển trách”, “cảnh cáo”, “cách chức”, “bãi nhiệm” cần tính kỹ để lựa chọn vì chọn hình thức “cách chức”, “bãi nhiệm” thì không hợp lý vì hiện ông Hoàng đã không còn giữ chức vụ nào trong bộ máy nữa.

“Theo tôi, nếu vận dụng hành lang pháp lý, quy định pháp luật trong trường hợp này thì chỉ nên sử dụng mức hình thức kỷ luật là cảnh cáo thôi” – Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp nói.

Nguyên Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp gợi ý: “Có thể tuyên bố cảnh cáo trước Quốc hội, vận dụng quy định tại điều luật này. Chọn hình thức “cảnh cáo” hợp lý vì luật có quy định về việc xử lý kỷ luật với cán bộ công chức nhưng không quy định là xử lý khi còn đương chức hay đã nghỉ nên chỉ cần trong thời hiệu quy định thì người vi phạm dù đã nghri công tác vẫn có thể kỷ luật”.

Ông Quyền cũng phân tích về “một khoảng trống” khác trong pháp luật về cán bộ công chức vì chưa phân định ranh giới cụ thể giữa “hành chính” và “hình sự” trong việc xử lý kỷ luật. Vì vậy, với các cán bộ lãnh đạo cấp cao, thuộc diện Ban Bí thư, Bộ Chính trị quản lý, nói về vi phạm kỷ luật thường hay được nhìn từ góc độ kỷ luật hành chính.

“Lâu nay, mối quan hệ giữa lĩnh vực xử phạt vi phạm hành chính và xử lý hình sự đã có quy định, nếu cơ quan thanh tra phát hiện có dấu hiệu tội phạm thì chuyển cơ quan điều tra nhưng lại chưa có quy định nào trong luật cán bộ công chức là trong quá trình xử lý kỷ luật mà thấy dấu hiệu hình sự thì cơ quan xử lý kỷ luật phải có trách nhiệm chuyển ngay cho cơ quan điều tra. Đó chính là một lỗ hổng” – ông Quyền phân tích.

Trước câu hỏi việc kỷ luật cảnh cáo một người không chức vụ sẽ ít ý nghĩa, ông Nguyễn Đình Quyền cho rằng, cán bộ, công chức khi rời nhiệm sở vẫn còn nhiều vấn đề liên đới về danh dự, về lý lịch, hồ sơ tư pháp. Ví dụ ai đó sau khi nghỉ hưu một thời gian, muốn thành lập doanh nghiệp, các cơ quan chức năng sẽ kiểm tra hồ sơ tư pháp và biết người này từng bị xử lý kỷ luật và sẽ cân nhắc về chi tiết đó.

Theo Dân Trí

Các tin cũ hơn