Trung Quốc nói tàu sân bay Liêu Ninh đã sẵn sàng chiến đấu

Thứ tư, 16/11/2016, 14:16
Truyền thông Trung Quốc ngày 15/11 đưa tin tàu sân bay Liêu Ninh của lực lượng Hải quân nước này đã sẵn sàng để đưa vào trực chiến trong thời gian tới.

Tàu sân bay Liêu Ninh. (Ảnh: AFP)

Tờ Thời báo Hoàn cầu dẫn lời ông Li Dongyo, chính uỷ trên tàu Liêu Ninh, rằng tàu sân bay đầu tiên của Hải quân Trung Quốc đã sẵn sàng "tham gia chiến đấu". Ông này nói: "Vào thời điểm hiện tại, chúng tôi đang nỗ lực tăng cường các năng lực cho tàu sân bay Liêu Ninh và chuẩn bị cho các chiến dịch trong thời gian thực".

Bình luận trên được giới quan sát đánh giá nhằm khẳng định rằng tàu Liêu Ninh đã hoàn thiện về mặt thiết kế. Trước đây, tàu này do Liên Xô đóng với tên ban đầu là Varyag và vào năm 1998, Trung Quốc đã mua lại phần thân tàu không hoàn chỉnh từ Ukraine.

Đến năm 2012, Hải quân Trung Quốc đã đưa tàu sân bay Liêu Ninh vào hoạt động như một tàu huấn luyện và phục vụ như nền tảng thử nghiệm cho các hoạt động của Không quân ở trên biển.

Theo các thông tin được Trung Quốc công bố, tàu Liêu Ninh có khả năng chở 24 mẫu chiến đấu cơ đa nhiệm Shenyang J-15, cũng như 10 mẫu trực thăng khác nhau như Changshe Z-18, Ka-31 và Harbin Z-9.

Tàu Liêu Ninh được trang bị hệ thống phóng máy bay hay còn được gọi là hệ thống STOBAR (cất cánh cự ly ngắn và dùng cáp hãm đà khi hạ cánh) cho các chiến đấu cơ. Do vậy, Bộ Quốc phòng Mỹ nhận định rằng các mẫu J-15 được sử dụng trên tàu Liêu Ninh "bị giới hạn về phạm vi hoạt động và vũ khí trang bị".

Theo chuyên gia phân tích hải quân Andrew Erickson, những tính toán cho thấy trong lượng tối đa cho mỗi mẫu J-15 khi cất cánh từ tàu Liêu Ninh bị giới hạn ở mức khoảng 28.000kg, trong khi máy bay cất cánh từ tàu sân bay USS Ronald Reagan của Hải quân Mỹ có trọng lượng tối đa đạt mức khoảng 45.000kg.

Hiện tàu Liêu Ninh chưa thuộc biên chế của bất cứ hạm đội nào của Hải quân Trung Quốc. Theo đánh giá của giới quan sát, bất chấp tuyên bố trên của ông Li Dongyou về khả năng sẵn sàng tham gia các chiến dịch, tàu Liêu Ninh được cho là khó có thể tham gia các hoạt động chiến đấu cường độ cao vì nhiều lý do như thiếu phi công được đào tạo đầy đủ, thiếu tàu hộ tống và các loại năng lực bảo vệ tầm xa khác.

Do vậy, có ý kiến nhận định rằng tàu Liêu Ninh vẫn sẽ chỉ tham gia các sứ mệnh trong khu vực như hỗ trợ nhân đạo, ứng phó với các thảm hoạ thiên nhiên, huấn luyện hay là các hoạt động mang tính biểu tượng như có thể được đưa tới Biển Đông để "giương oai".

Theo Dân Trí

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích