Ngày 18/11, ông Nguyễn Ngọc Hòa – Phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM - cho biết, thành phố đã tổ chức nhiều đợt tập huấn cho người chăn nuôi, điểm bán lẻ, cơ sở giết mổ, người tiêu dùng... để chuẩn bị triển khai Đề án quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo vào đầu tháng 12.
Tem dán lên thịt heo trước khi người tiêu dùng soi kiểm tra nguồn gốc. |
Theo ông Hòa, việc 80% người dân TP.HCM đang sử dụng smartphone sẽ thuận lợi trong việc truy xuất nguồn gốc cũng như tìm các điểm cung cấp thịt sạch thuộc chương trình. Người tiêu dùng chỉ việc cài đặt ứng dụng TE – FOOD cung cấp cho 3 hệ điều hành IOS, Windows, Android.
Khi mở ứng dụng, những cửa hàng bán thịt sạch trong bán kính 1,5km cũng được tìm thấy. Người dân cũng dùng phần mềm này soi tem dán trên thịt để biết nguồn gốc xuất xứ, kiểm dịch...
Trước lo lắng của các chủ sạp bán thịt về việc mua tem, gắn vòng định vị sẽ tốn thêm chi phí, ông Hòa cho rằng chi phí phát sinh không quá 200 đồng/kg.
"Sở có khảo sát trên 1.000 người thì bà con sẵn sàng trả thêm 200-2.000 đồng cho mỗi kg thịt nếu an toàn. Người dân giờ cần lắm niềm tin về thịt sạch", phó giám đốc Sở Công thương nói.
Tuy nhiên, ông Hòa nhìn nhận đề án còn gặp nhiều khó khăn, những cơ sở đăng ký tham dự chủ yếu sản xuất kinh doanh lớn, có thương hiệu trong khi họ chăn nuôi nhỏ vẫn chần chừ chưa muốn tham gia. Ngay như chợ đầu mối Bình Điền cũng chỉ 60% tiểu thương đồng ý tham gia dự án, còn lại chưa quyết.
"Các thương lái thì hầu hết chưa tham gia đề án. Do họ hoạt động không cần đăng ký kinh doanh nên việc vận động gặp khó khăn. Những lò giết mổ lậu vẫn hoạt động, cung cấp hàng trăm con heo ra thị trường cũng ảnh hưởng đến việc triển khai đề án", ông Hòa chia sẻ.
Ứng dụng cài trên điện thoại của đơn vị kiểm dịch, thú y. |
Có 338 điểm bán lẻ thuộc hệ thống phân phối hiện đại (siêu thị, cửa hàng) cùng 76 sạp tại 4 chợ Bến Thành, Thái Bình, An Đông, Hòa Bình và 2 chợ đầu mối Hóc Môn, Bình Điền tham dự đề án.
Để ngăn chặn tiểu thương mang thịt không rõ nguồn gốc, trà trộn với thịt có truy xuất, cơ quan quản lý sẽ gắn camera tại các quầy và tăng cường lực lượng giám sát tại cổng chợ.
Căn cứ trên số tem bán ra và số lượt thịt tương ứng, cơ quan quản lý sẽ khoanh vùng và kiểm tra, kết hợp với việc theo dõi từ camera sẽ loại những cá nhân gian dối khỏi chương trình và cho vào danh sách "đen".
Hội Công nghệ cao TP.HCM cho biết, các con tem đều có mã code, áp dụng quy trình in ấn đặc biệt kết hợp với khắc laser nên việc bảo mật rất cao. Hiện, tem được đặt hàng ở nước ngoài vì Việt Nam chưa thể sản xuất.
Đề án trong giai đoạn 1 sẽ kiểm soát thịt heo từ cổng trang trại đến bàn ăn. |
Theo đề án, heo tại các trại chăn nuôi được đeo một vòng nhận diện vào hai chân sau. Chiếc vòng sẽ kích hoạt chế độ theo dõi cho đến khi con heo xuất chuồng. Nếu đạt chuẩn, heo được cấp giấy chứng nhận kiểm dịch thú y điện tử.
Trong quá trình mổ, người kiểm dịch xác nhận đủ tiêu chuẩn bằng cách đóng mộc lên heo, đóng tem vệ sinh thú y điện tử.
Khi thịt đến chợ, ban quản lý, nhân viên kiểm dịch dùng máy chuyên dụng để kiểm tra nguồn gốc. Họ chỉ chấp nhận heo có mã xác nhận nhập hàng, số thịt đúng mã sẽ được niêm phong trong các thùng rồi giao tiểu thương bán. Tiểu thương dùng smartphone kích hoạt “tem tiểu thương” lên tờ in mã vạch, sau đó dán tem có mã vạch lên miếng thịt cân cho khách.
Mỗi con tem có giá 25 đồng; một bảng tem có 50 con. Chi phí truy xuất nguồn gốc cho một con heo từ trang trại đến bàn ăn mất 9.800 đồng. Thông tin được lưu trữ đến 10 năm bằng cơ sở dữ liệu.
Theo VNE