|
Thi thể một thiếu nữ được vớt lên từ "hồ tử thần" |
Hồ đá hay được biết đến với cái tên "hồ tử thần" nằm trong khuôn viên làng đại học Quốc gia (phường Đông Hoà, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương) từ lâu đã trở thành nỗi bất an của nhiều người bởi sự u ám và sự nguy hiểm của lòng hồ. Chỉ những người từng tham gia cứu hộ, cứu nạn mới hiểu hết được những mối ẩn họa rình rập dưới làn nước trong xanh kia.
Mới đây, chiều 14/11, thi thể một thanh niên được lực lượng chức năng vớt lên từ "hồ tử thần", đây là người xấu số thứ 3 được tìm thấy tại đây trong 2 tuần qua. Nạn nhân là nam giới từ 25 - 30 tuổi, mặc áo sơ mi đỏ đen, quần ngắn đỏ, trên người không có giấy tờ tùy thân.
Một vụ việc tương tự xảy ra vào sáng 6/11, người dân đang câu cá tại khu vực hồ đá nghe tiếng hô hoán kêu cứu. Nhìn xuống hồ, mọi người phát hiện một cô gái đang chới với dưới lòng hồ. Ngay lập tức, một người đàn ông lao ra ứng cứu nhưng khi bơi gần tới vị trí nạn nhân thì cô gái đã chìm hẳn. Mặc dù nạn nhân nhanh chóng được tìm thấy và đưa lên bờ nhưng đã tử vong.
Cũng tại "hồ tử thần", chiều 31/10, tại hồ đá, một nhóm 5 người rủ nhau ra thi bơi. Sau đó, 1 người bị nước cuốn mất tích, 4 người còn lại bơi được đến mỏm đá giữa long hồ và kẹt lại ở đó. Khi lực lượng chức năng đến hiện trường, 2 người tự bơi được vào bờ, 2 người còn lại vẫn ở mỏm đá và được lính cứu hộ giải cứu an toàn. Đến 16h15, thi thể nạn nhân đã được thợ lặn tìm thấy và đưa lên bờ.
|
Lực lượng chức năng đang đưa thi thể một thanh niên chết đuối khi bơi lên bờ |
"Hồ tử thần" từng xảy ra hàng chục vụ chết đuối mà nạn nhân hầu hết là sinh viên đang theo học tại đây và người lao động từ nơi khác đến. Dù lực lượng chức năng đã gắn biển bảo nguy hiểm, có hàng rào nhưng nhiều người phớt lờ, đánh cược tính mạng của mình để tắm, bơi ở đây.
|
"Hồ tử thần" có cảnh đẹp nhưng tiềm ẩn nhiều mối hiểm hoạ |
Theo ông Phạm Văn Đoàn (cư ngụ hơn 30 năm gần hồ đá) cho biết, khu vực này trước đây là trung tâm khai thác đá có từ thời Pháp, thời Mỹ. Sau năm 1975, công việc khai thác tiếp diễn cho tới năm 1997, khi làng đại học quốc gia được xây dựng thì việc khai thác mới chính thức ngừng hoạt động. Quá trình khai thác đá đã hình thành bốn hố sâu theo hình xoắn ốc. Qua thời gian, nước mưa tích tụ cùng với nước ngầm đã lấp đầy các hố sâu này, tạo thành bốn hồ nước lớn nên mọi người gọi các hồ này là hồ đá.
Ông Nguyễn Tấn Tài (54 tuổi), một thợ lặn từng tham gia nhiều vụ tìm nạn nhân dưới "hồ tử thần" kể: "Nhìn hồ đá có vẻ yên bình nhưng lại rất nguy hiểm, khu sát bờ nước chỉ tới ngang đầu gối nhưng chỉ cần ra tiếp 2, 3 bước là một hố sâu hàng chục mét. Nước dưới lòng hồ lạnh buốt, khi thay đổi nhiệt độ đột ngột, cơ thể rất dễ bị chuột rút, co cứng lại thêm tâm lý hoảng loạn, càng vẫy vùng lại càng nhanh chìm sâu. Địa hình dưới hồ rất nhiều đá lởm chởm, những nhóm người ở nơi xa tới chơi, bất cẩn bị trượt chân rớt xuống trúng những mỏm đá thì khó thoát khỏi cái chết”.
|
Dù biển cảnh báo được dựng lên nhưng nhiều người vẫn bất chấp nguy hiểm tìm đến hồ đá vui chơi, bơi lội. |
Ông Nguyễn Đức Chinh, Phó phòng Quản lý an ninh trật tự Trung tâm Quản lý và Phát triển khu đô thị ĐHQG TP.HCM cho biết, mặc dù Đại học Quốc gia đã cắm biển báo, nhiều lần tuyên truyền nhưng các sự việc đáng tiếc vẫn xảy ra.
“Sắp tới ĐHQG sẽ vá dặm lại những hàng rào thép bị gỡ, tăng cường các biển báo tuyên truyền đồng thời trong tuần này, công an thị xã Dĩ An sẽ phối hợp ĐHQG TP.HCM tuyên truyền cho sinh viên và người dân khu vực biết về độ nguy hiểm của Hồ Đá”, ông Chinh thông tin.
Đại diện Công an phường Đông Hòa (thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương) cũng khẳng định sẽ cho công an khu vực và lực lượng dân phòng tăng cường tuần tra, nhắc nhở những người đi vào khu vực nguy hiểm trong hồ đá để tránh những rủi ro có thể xảy ra.
Theo Dân Trí