|
Xe chạy ngang dọc, hỗn loạn tại giao lộ Lê Quang Định - Phạm Văn Đồng (Q.Gò Vấp, TP.HCM) |
Kẹt xe vẫn xảy ra ở những con đường mới đưa vào sử dụng, nơi mới xây cầu vượt bằng thép nhằm giảm ùn tắc giao thông...
Có cầu vượt vẫn kẹt xe
Những ngày gần đây, đường Phạm Văn Đồng (đoạn qua Q.Gò Vấp) luôn bị kẹt xe vào giờ cao điểm, nhất là buổi tối, ở hai ngã tư giao với đường Lê Quang Định và Phan Văn Trị. Con đường 12 làn xe này mới đưa vào sử dụng toàn tuyến cách nay chưa lâu thì bây giờ đã rơi vào tình trạng kẹt xe, mà nguyên nhân chính là dòng người đông đúc đang đi trên con đường rộng lớn này phải dừng lại ở hai ngã tư để chờ đèn đỏ.
Trong khi đúng ra, trên đường lớn như vậy, khi có giao nhau với đường nhỏ thì về nguyên lý giao thông phải có cầu vượt hoặc hầm chui.
Kẹt xe giờ cao điểm vẫn xảy ra. Sở dĩ xảy ra tình trạng này là cầu vượt choán hết phần đường Cộng Hòa ở ngã tư, trong khi đường Hoàng Hoa Thám đến bây giờ vẫn chưa được mở rộng dù đã được tính đến nhiều năm.
Các vòng xoay lại càng lâm vào vấn nạn kẹt xe trầm trọng hơn. Vòng xoay Phạm Văn Đồng - Nguyễn Thái Sơn - Hoàng Minh Giám là một “bài toán hóc búa” kéo dài nhiều năm qua và được “giải” bằng cách lúc thì thu hẹp đảo giữa vòng xoay, lúc thì mở rộng ra như hiện nay, sắp tới là một cầu vượt hình chữ X được xây tại đây.
Kẹt xe vẫn liên tục xảy ra suốt nhiều năm qua vì tất cả xe cộ ùa đến từ các hướng chen chúc trên một mặt đường ở vòng xoay. Tình trạng tương tự cũng đang xảy ra tại “điểm đen” giao thông khác là nút giao thông ngã sáu Gò Vấp (Quang Trung - Nguyễn Oanh - Nguyễn Kiệm). Cầu vượt bằng thép hình chữ Y kinh phí 400 tỉ đồng, một tầng, cũng đang được xây ở đây nhằm giải quyết vấn nạn kẹt xe.
Đừng làm rồi sửa
Vấn đề đặt ra là “bài toán giao thông” cần được “giải” bằng những dự án lớn, căn cơ thay vì những dự án nhỏ, tạm thời và ít hiệu quả. Cầu vượt bằng thép, còn gọi là cầu vượt tạm, chỉ là phương án tạm thời, có ưu điểm là vốn ít, thời gian xây dựng nhanh.
Nhưng khuyết điểm của loại cầu vượt này là nhỏ, không giải quyết được lưu lượng xe cộ lớn và đặc biệt là nếu xảy ra tai nạn giao thông trên cầu thì sẽ kẹt cứng do không có lối thoát. Ví như cầu vượt một chiều tại Lăng Cha Cả, từng có nhiều xe bị chết máy trên cầu là dẫn tới tình trạng cả cầu bị tắc nghẽn.
Ở vòng xoay Phạm Văn Đồng - Nguyễn Thái Sơn - Hoàng Minh Giám, nếu ngay từ đầu cơ quan chức năng nhìn xa trông rộng cho giải tỏa khu vực này để xây một cầu vượt lớn quy mô nhiều tầng (khác mức) thì người dân không phải khổ sở do kẹt xe tại đây nhiều năm qua.
Nhưng rất tiếc là cầu vượt lớn không được thực hiện, sắp tới cũng chỉ là cầu vượt hình chữ X một tầng, nếu giải tỏa được kẹt xe như kỳ vọng của cơ quan chức năng thì e rằng cũng chỉ trong thời gian ngắn vì lưu lượng xe cộ qua đây ngày càng đông.
Cơ quan chức năng thường cho rằng làm những dự án lớn tốn kém, nhất là tiền giải tỏa mặt bằng, trong khi ngân sách không có đủ. Nếu làm cầu vượt tạm thì dễ thực thi, thực hiện nhanh, đáp ứng nhu cầu cấp bách.
Nhưng điều đáng nói là tình trạng làm rồi sửa, kẹt xe chỉ giải quyết thời gian ngắn không chỉ làm người dân hao tốn thời gian và sức lực, cơ quan chức năng không chỉ phải bố trí các cảnh sát giao thông thường trực mà còn tốn rất nhiều tiền để sửa lui sửa tới nút giao thông, gây ra lãng phí rất lớn cho xã hội.
Đặc biệt là nhà cửa cần giải tỏa ở khu vực kẹt xe nếu không thực hiện sớm thì càng ngày giá càng cao, chi phí đền bù không kham nổi và từ đó việc giải tỏa là bất khả thi. Trong khi đó, ngay từ đầu nếu làm luôn công trình lớn, một lần, dù chi tiền lớn nhưng sử dụng nhiều năm thì lợi ích mang lại sẽ lớn hơn nhiều.
Kinh nghiệm ở ngã ba Huế Vòng xoay Phạm Văn Đồng - Nguyễn Thái Sơn - Hoàng Minh Giám (TP.HCM) có diện tích và thực trạng kẹt xe tương tự như nút giao thông ngã ba Huế tại Đà Nẵng. Mấy chục năm qua, ngã ba Huế là “điểm quá đen” về giao thông vì đây là tuyến quốc lộ 1 và đường sắt Bắc - Nam đi qua Đà Nẵng. Thành phố đã quyết định giải tỏa khu vực này để làm một cầu vượt nhiều tầng (khác mức) có số vốn 2.000 tỉ đồng với kiến trúc rất đẹp, khánh thành vào năm 2015. Bây giờ nơi đây giao thông thông thoáng và là một điểm nhấn về cảnh quan mới của thành phố Đà Nẵng. |
Theo TTO