Theo Reuters, phát biểu trước đông đảo người dân tại thành phố Fayetteville, bang Bắc Carolina ngày 6-12, ông Trump tuyên bố thời gian tới, Mỹ không nên can thiệp vào công việc của nước khác mà nên tập trung vào việc đánh bại chủ nghĩa khủng bố và tiêu diệt IS.
"Chúng ta sẽ dừng cuộc rượt đuổi nhằm lật đổ các chế độ nước ngoài mà chúng ta không biết đến và không nên dính dáng đến. Thay vào đó, trọng tâm của chúng ta phải là đánh bại chủ nghĩa khủng bố và hủy diệt IS. Chúng ta sẽ làm được như vậy".
Các binh sĩ của Mỹ được triển khai tại khu vực phía Bắc Iraq. Ảnh: Reuters |
Trước đó, trong suốt chiến dịch tranh cử Tổng thống vừa qua, ông Trump cũng đã nhiều lần đề cập đến những kế hoạch mới nhằm tiêu diệt hoàn toàn IS. Ông Trump từng tuyên bố nếu bước chân vào Nhà Trắng, ông sẽ hợp tác chặt chẽ với các đồng minh NATO để đánh bại IS.
Ông cũng “úp mở” về những kế hoạch mà mình sẽ thực hiện, chẳng hạn như phát động một cuộc chiến tranh đa diện từ “quân sự, điện tử cho đến tài chính” nhằm vào IS, hay kêu gọi ngừng cung cấp dịch vụ internet và mạng xã hội đối với những ai đứng cùng hàng ngũ với IS, đặc biệt là những người đang sống trong lãnh thổ Syria và Iraq. Ngoài ra, cũng có lần vị tỷ phú này tuyên bố chiến lược chống IS của ông là đánh bom các mỏ dầu bị IS kiểm soát tại Iraq.
Theo nhận định của Đặc phái viên Liên hợp quốc về Syria, ông Staffan de Mistura, dựa trên các tuyên bố mà ông Trump từng đưa ra, có thể hiểu rằng Tổng thống đắc cử của Mỹ sẽ đặt ưu tiên hàng đầu đối với cuộc chiến chống IS.
Như dự báo của Chủ tịch Ủy ban An ninh nội địa Hạ viện Mỹ Michael McCaul đưa ra ngày 7-12, trong năm 2017, nước Mỹ vẫn phải đối mặt với nguy cơ xảy ra các vụ tấn công khủng bố, trong bối cảnh liên quân quốc tế chống IS do Washington dẫn đầu tiếp tục thực hiện các chiến dịch tại Iraq và Syria.
Trang mạng Sputniknews dẫn lời ông Michael McCaul cho biết, trong năm nay, IS đã tiến hành 62 vụ tấn công khiến 215 người thiệt mạng và 732 người bị thương ở các nước như Mỹ, Pháp và Bỉ. Tại Mỹ, số người bị tiêm nhiễm các tư tưởng cực đoan và biến thành những kẻ cực đoan đã gia tăng bất thường trong 2 năm vừa qua và xu thế này có thể tái diễn trong năm 2017, do IS ngày càng đẩy mạnh tuyên truyền nhằm tăng cường sự ảnh hưởng của nhóm này.
Còn theo tiết lộ của Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, Tướng Joseph Dunford, hội đồng này đang chuẩn bị một chiến dịch quân sự mới nhằm sớm đánh bại IS. Tướng Dunford cho rằng, cuộc chiến nhằm tiêu diệt IS đã đạt được “những bước tiến đáng kể", song vẫn còn một số vấn đề cần được chính quyền mới của Mỹ đưa ra xem xét.
Trước đó, Tham mưu trưởng Không quân Mỹ David Goldfein cũng cho biết, dựa vào những thách thức mà quân đội Mỹ đang phải đối mặt, giới lãnh đạo quân sự của Mỹ đã xây dựng một chiến lược quân sự mật cho Tổng thống Mỹ sắp tới, trong đó bao gồm cả vấn đề chống chủ nghĩa cực đoan. Tuy nhiên, kế hoạch này sẽ chỉ được đệ trình khi ông Trump nhậm chức và sẽ không được công khai cho đến khi Tổng thống Mỹ thông qua.
Có vẻ như nước Mỹ đang hướng tới một chiến dịch chống IS mạnh mẽ và toàn diện hơn. Nhưng liệu những chính sách mới của ông Trump có chứng tỏ sự khác biệt và mang lại hiệu quả hơn so với kế hoạch chống IS mà chính quyền của Tổng thống Barack Obama đã thực hiện? Đó vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ!
Theo QĐND