|
Bạn Nguyễn Hòa Văn, 19 tuổi, luyện khắc chữ thư pháp lên trái dưa hấu |
Giữa trưa, trong con hẻm nhỏ tại TP.Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang, một nhóm bạn trẻ vẫn miệt mài lia những mũi dao sắc lẹm vào những trái dưa hấu, tạo thành các đường nét uốn lượn; hình những con vật, nét chữ thư pháp dần hiện lên trên nền xanh của lớp vỏ trái dưa đầy tài hoa.
Trong dịp Tết Nguyên đán 2016 vừa rồi, những trái dưa như thế này không đủ hàng để bán dù có giá cao ngất ngưởng: 500.000 - 700.000 đồng/cặp.
Nghề “hot”
Bổ một trái dưa ra mời khách, bạn Nguyễn Hòa Văn, 19 tuổi, tươi cười nói: “Đây là đạo cụ của buổi học. Do khắc chưa quen tay nên mũi dao bị phạm vào thịt trái dưa, không thể khắc được nữa đành để ăn luôn.
Từ những hình khắc đơn giản như chữ “tài”, “lộc” đến hình phức tạp như các con giáp, nếu không tuân thủ những kiến thức sơ đẳng về điêu khắc sẽ không bao giờ làm được”.
Văn theo học nghề khắc hình nghệ thuật lên trái dưa được vài tháng nay nên đã khá lành nghề. Tuy nhiên, không phải trái nào cũng được như ý muốn. Nhiều trái bị mũi dao phạm vào thịt dưa, có những trái hình không được nổi hoặc chưa sắc nét.
Tuy nhiên, so với những thành viên trong nhóm, Văn là thành viên khá nhất vì có vốn kiến thức về nghệ thuật đồng thời rất đam mê viết thư pháp.
Dự định Tết này Văn sẽ mở một điểm bán dưa hấu tại thị xã Cai Lậy, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, đồng thời khắc hình nghệ thuật lên dưa cho khách có nhu cầu.
Theo Văn, mỗi trái dưa có giá khoảng 50.000 đồng nhưng sau khi khắc chữ thì giá bán ít nhất từ 150.000 - 250.000 đồng tùy độ phức tạp của hình. Nếu làm đều, những ngày cận Tết có thể kiếm được 1 triệu đến vài triệu đồng mỗi ngày.
Theo bà Phan Thị Kim Thoa, 55 tuổi, người hướng dẫn các bạn trong nhóm, bước đầu cần chọn những trái dưa có lớp vỏ đẹp, cân đối để hình khắc được nổi bật hơn.
Mới học khắc, cần in hình vẽ ra giấy sau đó dán lên trái dưa, dùng mũi dao chích nhẹ qua lớp giấy để hình cần khắc in vào vỏ dưa. Sau khi lột bỏ lớp giấy ra mới tiến hành khắc.
Ở những người mới học khắc, các đường nét nhỏ sẽ gặp rất nhiều khó khăn, đường khắc không được sắc nét.
“Nhưng hầu như ai khắc đủ 10 trái thì sẽ bắt đầu lành nghề và kiếm tiền được”, bà Thoa nói. Đỉnh điểm nhóm của bà có đến 50 - 60 người theo học.
Tại một quán cà phê bên giếng nước Mỹ Tho, TP.Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang, anh Đinh Quang Hùng, phục vụ cho một quán nhậu gần đó, cũng đang cặm cụi khắc hình hoa sen lên một trái dưa nặng trên 5kg.
Chỉ trong khoảng 30 phút, trái dưa đã nổi lên những hoa văn đẹp mắt. Hùng cho biết dù là nghề tay trái nhưng có thể kiếm trên chục triệu đồng trong mỗi dịp Tết.
“Từ ba năm nay, năm nào tôi cũng kiếm đủ tiền tiêu xài trong Tết. Tết nào ít nhất cũng được dăm bảy triệu bạc khỏe re. Còn như năm rồi tôi cùng một người bạn kiếm trên 20 triệu đồng” - anh Hùng nói và cho biết thêm do lâu rồi không khắc nên giờ làm hơi chậm.
Sợ mất khách nên những ngày cuối năm, tranh thủ quán chưa mở cửa, Hùng mua vài trái dưa để luyện tay.
Lia dao để thỏa đam mê
Không phải ai học khắc hình nghệ thuật lên trái dưa mục đích cũng để kiếm tiền. Bà Bảo Châu (55 tuổi - huấn luyện viên môn yoga tại Tiền Giang) lại tìm đến bộ môn này như một cách thư giãn sau những buổi dạy trên lớp.
“Không biết nghề này có hái ra tiền hay không nhưng Tết này tôi sẽ tự tay trang trí một cặp dưa cho chính gia đình mình là được rồi. Ngoài ra, tôi cũng muốn thử sức ở một lĩnh vực mới” - bà Châu cười nói.
Ngoài nhóm của bà Thoa, trong Trường đại học Tiền Giang (TP.Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) cũng đã thành lập một nhóm khắc chữ nghệ thuật lên trái dưa và hoạt động từ năm năm nay.
Những ngày này, anh Trương Trần Phương - trưởng nhóm - cùng một số bạn trẻ xuôi ngược đến những cánh đồng dưa để tìm nguồn cung. Nhóm có khoảng 10 người, phần lớn là sinh viên khoa mỹ thuật cùng một số bạn trẻ yêu thư pháp tập hợp lại.
Tuy nhiên, theo anh Phương, điều quan trọng nhất để anh em gắn bó với nhóm là thỏa mãn được sáng tạo qua từng chữ viết theo phong cách riêng của mình.
“Danh tiếng của nhóm nay đã trở thành thương hiệu, được nhiều khách hàng thân quen ghé lại mua hằng năm” - Hùng, một thành viên trong nhóm, tự hào khoe.
Cũng theo anh Phương, do năm nay mưa nhiều nên dưa đang khan hiếm, anh em trong nhóm phải tỏa đi tìm khắp các ruộng dưa ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long như Vĩnh Long, Long An, Sóc Trăng... nhưng vẫn chưa tìm được nguồn hàng chắc ăn, phần lớn nhà vườn chỉ hứa có thì bán chứ không đảm bảo 100% như mọi năm.
“Nếu đến cận ngày mà không tìm được hàng thì anh em vẫn làm nhưng chuyển sang khắc chữ thư pháp trên trái dưa ăn thông thường. Vấn đề ở đây là tạo sân chơi để thỏa mãn niềm say mê, yêu thích của anh em” - anh Phương nói.
Anh Phương cho biết thêm: “Nhóm bắt đầu hoạt động từ 24-25 Tết đến gần giao thừa. Trung bình mỗi cái Tết nhóm làm được 5-6 tấn dưa, tương đương 500 trái. Tiền thu nhập chia ra mỗi anh em cũng được 2-3 triệu đồng, đủ để sinh viên như tụi em ăn Tết".
Xem như môn nghệ thuật Bà Phan Thị Kim Thoa cho biết ngoài việc hướng dẫn những người trong nhóm tại TP.Mỹ Tho, trên đường đi công tác gặp bất cứ người nào bán dưa hấu lề đường, “máu nghề nghiệp” nổi lên, bà cầm dao xuống hướng dẫn cho họ cách khắc chữ lên trái dưa. Theo bà, một phần là để người trồng dưa, bán dưa có thêm thu nhập nhưng cái chính và điều làm bà vui nhất là ngày càng nhiều bạn trẻ yêu mến và xem việc khắc chữ lên dưa như một bộ môn nghệ thuật. |
Theo TTO