Việc đánh đuổi lực lượng khủng bố và phe đối lập khỏi thành phố này được cho là thắng lợi lớn nhất của chính quyền Tổng thống al-Assad trong cuộc nội chiến kéo dài hơn 5 năm qua.
Vượt ra ngoài ý nghĩa của một trận đánh thông thường, trận chiến ở Aleppo giữa quân đội chính phủ Syria và các phần tử nổi dậy mang ý nghĩa quyết chiến chiến lược, bởi Aleppo có thể coi là thành trì chiến lược cuối cùng của phe đối lập nên việc giành thắng lợi tại “tử huyệt” này có thể mở ra cơ hội giành thắng lợi toàn cục cho phía chính phủ ở Syria.
Là một trong những thành phố và trung tâm kinh tế lớn nhất của Syria, Aleppo có ý nghĩa biểu tượng rất quan trọng. Trong bối cảnh nội chiến đẫm máu, phe nào giành được quyền kiểm soát thành phố chiến lược này sẽ củng cố vị thế chính trị, quân sự, kinh tế mà còn mang biểu tượng khích lệ tinh thần rất lớn.
Aleppo đang được biết đến là chiến trường ác liệt nhất trong tiến trình nội chiến ở Syria. |
Chính vì thế, việc giành lại Aleppo tạo nguồn cổ vũ to lớn và củng cố quyết tâm với chính quyền của Tổng thống Syria al-Assad trong nỗ lực giành lại các vùng lãnh thổ từ tay quân nổi dậy, tiến tới giải phóng toàn bộ đất nước.
Ở chiều ngược lại, nó cũng có thể tạo ra hiệu ứng domino đối với phe nổi dậy vì để mất địa bàn chiến lược Aleppo đồng nghĩa với việc đánh mất một phần đáng kể vị thế chính trị và sức mạnh quân sự. Lực lượng đối lập sẽ bị cắt đứt toàn bộ nguồn cung cấp tài chính, vũ khí... vì Aleppo khá gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, vốn được xem là tuyến tiếp viện chủ chốt từ bên ngoài.
Cục diện trên “bàn cờ Syria” cũng có những chuyển biến cơ bản. Giờ đây, những thế lực muốn loại bỏ Tổng thống al-Assad khỏi chính trường Syria sẽ không dễ gì thực hiện được tham vọng của mình.
Thảm bại ở Aleppo đã giáng đòn đau vào tham vọng lật đổ chính quyền của phe đối lập và buộc họ phải nghĩ đến giải pháp đàm phán như một lựa chọn cuối cùng nếu không muốn “trắng tay” trong “canh bạc quyền lực”. Các thế lực hậu thuẫn phe đối lập cũng không còn nắm con át chủ bài để có thể tiếp tục mạo hiểm trong cuộc chơi này. Phe đối lập ở Syria đang đứng trước khả năng lớn bị các nước từng hậu thuẫn bỏ rơi.
Washington từ lâu đã cho thấy không còn mặn mà với vấn đề Syria trong bối cảnh phải đương đầu với một loạt vấn đề nóng bỏng đối nội, đối ngoại khác, cũng không muốn bị sa lầy vào cuộc chiến hao người tốn của này.
Về phía chính phủ Syria, chiến thắng ở Aleppo giúp ông al-Assad củng cố đáng kể quyền lực và có thêm lợi thế trong các cuộc dàn xếp hòa bình tương lai. Những đồng minh ủng hộ chính quyền Syria cũng khẳng định được vai trò quyết định và nổi trội ở quốc gia mà nhiều nước muốn tranh giành ảnh hưởng tại khu vực Trung Đông này.
Tuy nhiên, vẫn còn quá sớm để lạc quan về triển vọng kết thúc cuộc chiến ở Syria sau khi Aleppo được giải phóng bởi ngoài lực lượng đối lập, tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng vẫn là mối đe dọa tiềm tàng.
Việc IS nhanh chóng tái chiếm thành phố Palmyra sau khi để mất vào tay quân chính phủ đã phủ bóng lên triển vọng chấm dứt bạo lực ở Syria sau chiến thắng ở Aleppo. IS hiện vẫn là một thế lực nguy hiểm buộc chính quyền Syria và các đồng minh phải hao tâm tổn sức đương đầu trong một thời gian nữa.
Thách thức cần tính tới nữa là khả năng những tay súng nổi dậy sau khi bị đánh bật khỏi một số vị trí sẽ tập hợp lại và mở chiến dịch điên cuồng hơn nhằm tái chiếm các khu vực ở Syria.
Một trong những lý do khiến cuộc nội chiến ở Syria chuẩn bị bước sang năm thứ 6 vẫn chưa giải quyết bất chấp những nỗ lực không mệt mỏi của cộng đồng quốc tế là do xung đột lợi ích giữa các cường quốc liên quan. Nhưng giờ đây, khi các quốc gia đều đã quá mệt mỏi với toan tính của mình ở Syria và cục diện chiến trường đang chuyển biến mạnh mẽ, hơn bao giờ hết, đất nước và nhân dân Syria đang tiến gần tới cơ hội hòa bình và ổn định.
Chiến thắng ở Aleppo thực sự đã tạo ra cơ hội lớn, không chỉ cho đất nước và nhân dân Syria mà còn cho tất cả các bên liên quan để khỏi bị lún sâu thêm vào cuộc xung đột đẫm máu ở quốc gia này.
Theo QĐND