|
Pháo tự hành Paladin của quân đội Mỹ. |
Chủ lực của quân đội Mỹ tại vùng Tây Thái Bình Dương thường là Hải quân và Không quân, nhưng mới đây, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Harry Harris, cho rằng, Lục quân Mỹ cũng nên đóng một vai trò tích cực hơn bằng cách thành lập những đội có thể gọi là Lục quân hải chiến, đặc trách việc tiêu diệt chiến hạm đối phương. Nguyệt san The Diplomat (trụ sở tại Nhật Bản) trong số tháng 12 có bài nêu bật chiến thuật mới này.
The Diplomat trước hết nhắc lại phát biểu của Đô đốc Harris hôm 15/11 trong một tham luận tại Washington rằng, ông muốn Lục quân Mỹ thành lập các đơn vị mới chuyên trách nhiệm vụ diệt hạm để răn đe các chiến hạm đối thủ của Mỹ tại Thái Bình Dương, gồm biển Hoa Đông và Biển Đông. Theo ông Harris, vai trò của bộ binh cần phải được phát huy, trong đó có việc “tiêu diệt các chiến hạm bằng cách sử dụng các hệ thống tên lửa đối hạm đặt ở trên bờ”.
Ông nhận định, Lục quân sẽ mang đến những thế mạnh của họ là nhân lực, hỏa lực và năng lực. Lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ cũng có thể đóng một vai trò tương tự trong tương lai. Các yếu tố trung tâm của một chiến lược phòng thủ như vậy sẽ được bố trí xung quanh các hòn đảo án ngữ lối ra biển khơi ngoài Thái Bình Dương của các đối thủ tiềm tàng như Hải quân Trung Quốc.
Đô đốc Harris giải thích: “Tôi nghĩ đến một nơi ở vùng Tây Thái Bình Dương mà ta có thể bố trí các hệ thống vũ khí tại nhiều chỗ, các hệ thống này sẽ đặt các đối thủ tiềm tàng ở Biển Đông, biển Hoa Đông vào vòng nguy hiểm... Tôi cho rằng, đây là một khái niệm quan trọng mà chúng ta buộc phải nghĩ đến khi vạch ra cách duy trì ưu thế so với các đối thủ của chúng ta trong khu vực”.
Các hệ thống vũ khí có thể được triển khai bao gồm loại pháo tự hành Paladin M109A7, hệ thống pháo phản lực cơ động cao M142 và hệ thống tên lửa chiến thuật của Lục quân. Hệ thống này sẽ được nâng cấp để có thể tấn công các mục tiêu di động trên đất liền, trên biển...
Bước tiếp theo là phải giúp cho Lục quân Mỹ hiểu rõ địa bàn vùng biển là mục tiêu. Điều này sẽ đòi hỏi những thay đổi trong học thuyết của Lục quân Mỹ.
Chuyên gia Steven Stashwick giải thích, Lục quân đã bắt đầu làm quen với khái niệm “Chiến tranh đa miền - sử dụng lực lượng trên bộ để vừa khai thác vừa cho phép hành động trên không, trên biển, trên mạng, trên không gian”.
Theo Tiền Phong