Bày tỏ quan điểm về tuyến buýt nhanh Hà Nội, tiến sĩ khoa học, thiếu tướng Nguyễn Quang Bắc, nguyên Phó chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật, nguyên Giám đốc Viện Khoa học Công nghệ quân sự (Bộ Quốc phòng), cho rằng từ rất lâu, các chuyên gia đã nhìn thấy sự lãng phí và thiếu hiệu quả của dự án này.
Thiếu tướng Nguyễn Quang Bắc. Ảnh: Báo điện tử Đảng Cộng sản |
- Thưa thiếu tướng, ông đánh giá như thế nào về tuyến buýt nhanh Hà Nội sẽ hoạt động cuối tháng 12?
- Từ lâu, tôi và các chuyên gia giao thông đã góp ý rất nhiều về tính hiệu quả của dự án. Nhưng dường như Sở GTVT Hà Nội và các cơ quan hữu quan không tiếp thu, ghi nhận.
Số tiền vay để thực hiện dự án quá lớn trong khi tính hiệu quả thì thấp. Nhìn vào đường sá, cơ sở vật chất của Hà Nội, ai cũng đoán được việc triển khai buýt nhanh sẽ đi đến đâu.
Tôi cho rằng, các cơ quan thực hiện dự án đang triển khai buýt nhanh theo kiểu “đâm lao phải theo lao”, bất chấp hiệu quả. Bởi số tiền đã đầu tư vào quá lớn.
- Là người nghiên cứu kỹ về dự án, ông có thể nói rõ hơn về buýt nhanh Hà Nội?
- Trên báo chí, các cơ quan hữu quan nói rằng dự án này chậm tiến độ một năm. Nhưng tôi được biết, BRT Hà Nội được phê duyệt để vay vốn từ Ngân hàng Thế giới năm 2006.
Dự kiến, dự án sẽ chính thức vận hành vào năm 2008. Đến năm 2010, công suất vận chuyển sẽ đạt được 500 triệu lượt khách/năm, tức là 1,4 triệu lượt khách/ngày. Nhưng thực tế, sau ngày 31/12 tới đây, xe buýt nhanh mới chính thức hoạt động.
Như vậy, dự án đã xin lùi tiến độ 3 lần và chậm gần 10 năm chứ không phải một năm.
- Ông hình dung hoạt động của tuyến buýt nhanh như thế nào khi đi vào hoạt động?
- Tôi xin khẳng định đây sẽ không còn là buýt nhanh nữa. Bởi với đường sá chật chội, lượng phương tiện giao thông lớn, xe buýt khó có thể chạy với tốc độ, thời gian kỳ vọng. Đó là tôi còn chưa nói đến việc gặp sự cố dọc đường.
Mấy ngày qua, Sở GTVT Hà Nội và các cơ quan trực tiếp vận hành buýt nhanh nói rằng chưa hoàn thành việc phân tuyến, tổ chức giao thông nên chỉ chạy khớp nối trong bến, không vận hành ngoài đường. Nhưng thực ra họ biết rằng nếu chạy thử ngoài đường sẽ thất bại luôn.
Thiếu tướng Bắc cho rằng buýt nhanh Hà Nội sẽ khó hiệu quả. Ảnh: Như Ngọc. |
- Dự án này có tổng vốn đầu tư 55 triệu USD, ông đánh giá thế nào về con số này?
- Theo tôi, thực hiện dự án này không cần tốn kém đến 55 triệu USD, tuyến buýt không phải BRT theo chuẩn quốc tế.
Các hạng mục kỹ thuật thiết kế không đạt chuẩn và không chọn những cái tốt nhất. Ngay cả hệ thống điều khiển, tương tác giữa các xe, giữa xe với nhà chờ… đến nay đơn vị thi công vẫn chưa làm xong.
Tôi nghĩ rằng, Sở GTVT Hà Nội “không còn đường lùi” nên phải tiếp tục triển khai dự án.
Trước đây, họ nói với tôi rằng đang cùng Đại học Giao thông Vận tải Hà Nội tính toán phân tuyến phần luồng. Nhưng đường sá Hà Nội chỉ có thế thôi, phân luồng tuyến cũng chẳng giải quyết được gì nhiều.
- Vậy còn giải pháp cấm xe, cấm đường ưu tiên cho buýt nhanh?
- Cố gắng ưu tiên tối đa cho buýt nhanh, Hà Nội đã ra quyết định chặn chỗ này, cấm chỗ kia. Nhưng họ cấm tuyến đường này sẽ đẩy ùn tắc đến tuyến khác.
Ví dụ, họ cấm phương tiện đi trên đường Tố Hữu - Lê Văn Lương thì người dân phải chuyển sang tuyến đường Quang Trung - Nguyễn Trãi để đi. Người dân đã khốn khổ với cảnh tắc đường ở Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân) rồi. Trong thời gian tới, khi cấm đường, tuyến này sẽ tắc kinh hoàng hơn.
Bên cạnh đó, tốc độ xây nhà cao tầng trong thành phố hiện nay quá nhanh. Khu đô thị, chung cư cao tầng mọc lên như nấm. Tuyến Tố Hữu – Lê Văn Lương bây giờ chung cư xây dựng lên rất nhiều. Sau này để ưu tiên cho buýt nhanh, người ta cấm xe, hàng ngàn người sinh sống dọc tuyến đường này sẽ đi kiểu gì.
- Vậy Hà Nội nên thí điểm buýt nhanh ở những tuyến nào thì hợp lý?
- Tôi được biết sắp tới Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ làm việc với Hà Nội về việc xây dựng một tuyến xe buýt nhanh Hà Nội - Hòa Lạc.
Theo quan điểm cá nhân, tôi cho rằng buýt nhanh Hà Nội – Hòa Lạc sẽ hiệu quả vì đường thoáng và dễ đi. Buýt nhanh ở tuyến này sẽ góp phần đẩy nhanh việc giãn dân nội thành. Nó sẽ giúp phát triển khu công nghệ cao Hòa Lạc và các huyện ngoại thành.
Tuyến buýt nhanh Kim Mã - Yên Nghĩa dài 14,7km, gồm 21 nhà chờ. Ảnh: Google Maps |
Theo Zing