|
Các cơ sở nhỏ lo lắng trước thông tin phải di dời do không phù hợp với quy hoạch đô thị. Trong ảnh: cơ sở kinh doanh của anh Phương (Q.11) với diện tích chỉ 12m2 |
Các cơ sở sản xuất này hoạt động ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp trên địa bàn TP. Không chỉ không phù hợp với quy hoạch, các cơ sở này gây ô nhiễm rất lớn, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ trong khu dân cư.
Khói bụi vào cả mâm cơm
Đoạn đường Nguyễn Đình Kiên, P.Tân Tạo A (Q.Bình Tân) dài chưa đến 2km nhưng có hơn 10 cơ sở sản xuất mút xốp, giặt nhuộm, xay nhựa, ó keo... Trên đoạn đường này lúc nào các cơ sở cũng sản xuất rầm rộ, khói đen vần vũ trên trời, nồng nặc mùi nhựa, hóa chất.
Xe tải ra vào nhận hàng liên tục, bụi bay mù mịt. Nhiều nhà dân quanh đó lúc nào cũng đóng cửa bít bùng, quanh năm sống với khói, bụi, tiếng ồn.
Ông B.Q.T., một người dân sinh sống tại khu vực này, cho biết tình trạng cơ sở sản xuất gây ô nhiễm diễn ra hơn hai năm nay. Nhiều bữa cơm khói bụi bay bám vào thức ăn đen kịt.
“Nhà tui có con mới 14 tháng nên rất lo lắng. Dân kiến nghị nhiều lần, chưa thấy chính quyền di dời” - ông T. cho biết.
Khu phố 4 và 5, P.Đông Hưng Thuận (Q.12) cũng là một điểm nóng mà TP đã có kế hoạch di dời 15 năm nhưng chưa thực hiện được. Khu vực này tập trung đông cơ sở dệt nhuộm, sản xuất giấy, bao bì... xen cài trong khu dân cư.
UBND TP vừa chỉ đạo Sở Tài nguyên - môi trường, UBND Q.12 cùng các đơn vị có liên quan tiến hành di dời gấp các cơ sở gây ô nhiễm môi trường khu vực này vào Khu công nghiệp Lê Minh Xuân 3 (H.Bình Chánh).
Chủ cơ sở sản xuất nhỏ lo lắng
Cơ sở cơ khí của ông Lê Thanh Phương tại số 21 đường 100 Bình Thới (Q.11) rộng chưa đầy 6m2. Ông Phương tận dụng khoảng sân trước, đầu tư máy móc nhỏ để làm nghề tiện, khoan, mài máy.
Thông tin TP di dời các cơ sở sản xuất không phù hợp với quy hoạch khiến ông và nhiều chủ cơ sở nhỏ và vừa lo lắng.
Ông Phương cho biết đã làm nghề 30 năm nay. Cơ sở sản xuất của ông có đăng ký giấy phép kinh doanh, quy mô hộ gia đình.
“Trước giờ cơ sở của tui chỉ gia công nhỏ, không hề sản xuất, nếu di dời chắc phải nghỉ làm luôn chứ sản xuất nhỏ lẻ biết đi đâu” - ông Phương nói.
Tương tự, cơ sở gia công cắt may của ông Tô Minh Hôn, số 166/1 Bình Thới (Q.11) cũng nằm ngay trong nhà, chỉ có bốn thợ, chuyên cắt vải cho các xưởng may cặp sách học sinh. Ông Hôn cho hay xưởng đăng ký kinh doanh 10 năm nay. Ông nói nếu phải di dời, ông sẽ nghỉ làm.
Trong số các cơ sở không phù hợp quy hoạch, có rất nhiều cơ sở kinh doanh nhỏ. Theo thống kê của UBND Q.Bình Tân, trên địa bàn quận có hơn 36.000 cơ sở sản xuất xen cài trong khu dân cư, bao gồm khoảng 17.000 doanh nghiệp và 19.000 hộ sản xuất, kinh doanh.
Trong đó, 80% cơ sở sản xuất không phù hợp với quy hoạch.
Một đại diện UBND Q.Bình Tân đề xuất TP nên tập trung di dời các cơ sở lớn, gây ô nhiễm môi trường, dễ có sự cố cháy nổ. Riêng đối với những cơ sở gia công như may mặc, trang trí nội thất... nhỏ phải cân nhắc và có lộ trình di dời sau.
|
Các cơ sở sản xuất xả khói gây ô nhiễm môi trường ở P.Đông Hưng Thuận, Q.12, TP.HCM |
Doanh nghiệp cần hỗ trợ
Theo kế hoạch, đợt 1 TP sẽ di dời 22 cơ sở không phù hợp quy hoạch xây dựng đô thị thuộc sự quản lý của ba đơn vị là Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn TNHH MTV, Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu nông lâm hải sản và Công ty TNHH dệt may thương mại Tấn Minh.
Trong đó có 16 cơ sở sản xuất thuộc quản lý của Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn. Hiện tại, công ty đã di dời hai cơ sở, ngừng sản xuất ba cơ sở và tiếp tục thực hiện việc di dời các cơ sở còn lại. Tuy nhiên, việc di dời có thể chậm hơn kế hoạch vì gặp khó khăn trong thủ tục đầu tư cơ sở mới.
Ông Nguyễn Thành Mỹ, phó trưởng phòng đầu tư - phát triển Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn TNHH MTV, cho biết có dự án đã vạch ra 10 năm nay nhưng công ty không di dời được.
Như dự án di dời cơ sở chăn nuôi heo giống cấp 1 từ P.Linh Trung (Q.Thủ Đức) đến xã Phạm Văn Cội (H.Củ Chi), được giao đất từ năm 2004 nhưng không thể di dời vì cộng đồng dân cư nơi đến không đồng ý. Đến nay, công ty phải tìm một địa điểm mới tại H.Củ Chi và lập phương án đầu tư mới.
“Các sở, ngành cần hỗ trợ làm thủ tục nhanh hơn để tạo điều kiện cho doanh nghiệp di dời” - ông Mỹ kiến nghị.
Ông Hoàng Minh Trí, phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, cho hay TP trải qua bao đời di dời nhưng kết quả còn hạn chế.
Khó khăn hiện nay của các doanh nghiệp là việc đầu tư xây dựng lại để tái sản xuất cần nhiều kinh phí. Chưa kể do di dời xa nên nhiều lao động nghỉ phải đào tạo lại, xây nhà lưu trú công nhân. Gia đình chủ cơ sở cũng phải chuyển đến nơi ở mới...
“Khả thi hay không tùy thuộc vào cơ chế chính sách, không thể áp đặt, cưỡng chế di dời được. Nếu họ ra chỗ mới bắt họ đóng tiền sử dụng đất như cơ sở mới đầu tư kinh doanh, họ sẽ không đủ năng lực mà di dời” - ông Trí nói.
Do đó theo ông Trí, TP cần có cơ chế chính sách hỗ trợ tiền thuê đất, giảm tiền chuyển mục đích sử dụng đất ở vị trí mới, các chính sách thuế cho những năm đầu để khuyến khích doanh nghiệp di dời.
|
Theo TTO