‘Có người lập hàng chục doanh nghiệp chỉ để bán hóa đơn’

Thứ năm, 29/12/2016, 11:40
Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết có người lập hàng chục doanh nghiệp nhưng không kinh doanh mà chỉ buôn bán hóa đơn.

Sáng 29/12, phát biểu tại Hội nghị trực tuyến với các địa phương, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết thu ngân sách đến thời điểm này đạt 100,7% dự toán. Riêng ngân sách địa phương vượt 15%. Dự tính đến hết năm, ngân sách thu được vượt khoảng 70.000 tỷ đồng.

Về nguyên nhân ảnh hưởng đến thu ngân sách, theo Bộ trưởng là GDP không đạt. Giá dầu giảm làm thất thu ngân sách trên 2.000 tỷ đồng (dự kiến 60 USD một thùng, thực tế chỉ được 44 USD một thùng). Khí làm giảm thu 1.000 tỷ đồng. Khối ngân hàng thương mại giảm nộp ngân sách 20% do trích lập dự phòng, đặc biệt do thua lỗ ở các dự án lớn thuộc các doanh nghiệp Nhà nước.

“Nhìn tổng thể, thu ngân sách Nhà nước sẽ vượt mức Quốc hội đề ra, phần lớn nhờ các địa phương đều đạt, vượt dự toán. Điều này thể hiện nỗ lực, quyết tâm chung của các bộ, ngành, địa phương”, ông Đinh Tiến Dũng đánh giá đồng thời thông tin các chỉ tiêu bội chi, nợ công có khả năng giữ được như báo cáo với Quốc hội.

Gian lận về xăng dầu trong nước rất lớn

Bộ trưởng Tài chính cho hay gian lận về xăng dầu trong nước rất lớn. Ảnh: V.D.

Trong chống thất thu, nợ đọng thuế, chuyển giá trốn thuế…, Bộ trưởng Tài chính cho hay đã  thực hiện nhiều biện pháp như phong tỏa tài khoản, thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng, công khai doanh nghiệp nợ thuế, tăng cường kiểm tra chống thất thu thuế ở gần 82.000 doanh nghiệp.

Qua quá trình thanh kiểm tra, cơ quan thuế kiến nghị tăng thu 14.500 tỷ đồng, đến nay đã thu được 9.200 tỷ. Trong đó, thanh tra, kiểm tra chống chuyển giá ở 329 doanh nghiệp có hoạt động giao dịch, liên kết, truy thu, hoàn thuế và phạt 607 tỷ đồng góp phần tăng thu khoảng 2.121 tỷ đồng; thu 6.600 tỷ đồng theo kết luận của kiểm toán Nhà nước…

Ngoài ra, trong đấu tranh chống gian lận, thất thoát thuế với mặt hàng xăng dầu, Bộ đã phối hợp với Tập đoàn Xăng dầu thực hiện giải pháp dán tem, niêm phong đồng hồ, công tơ tổng với cơ sở kinh doanh xăng dầu. Sau 3 tháng thực hiện, kết quả rất rõ nét, sản lượng tiêu thụ tăng, số thuế họ phải nộp tăng 15-30%.

“Điều đó cho thấy gian lận về xăng dầu trong nước rất lớn. Chúng tôi kiến nghị Chính phủ tới đây sửa Nghị định 83, tiến tới kiểm soát được đầu nhập vào của xăng dầu nội địa”, Bộ trưởng Tài chính nhận định.

Hụt thu nghìn tỷ, ngành Hải quan vẫn được khen

Người đứng đầu ngành Tài chính cho hay đang chỉ đạo đẩy mạnh việc sử dụng hóa đơn điện tử để tránh tình trạng hoàn thuế giá trị gia tăng gian lận, mua bán hóa đơn lằng nhằng. Ảnh minh họa.

Về thu hồi nợ đọng thuế, người đứng đầu Bộ Tài chính cho biết đến hết tháng 11/2016, số thu hồi được là 42.000 tỷ đồng. Số còn nợ đọng thấp hơn thời điểm năm 2015.

Trong năm 2016, cơ quan hải quan đã thực hiện gần 9.000 cuộc thanh kiểm tra sau thông quan, xử lý tăng thu thêm 3.300 tỷ đồng. Số nợ thuế hải quan hiện chỉ còn rất thấp, khoảng 1%.

“Bộ Tài chính luôn chỉ đạo thu đủ, đúng, kịp thời các khoản phát sinh để đảm bảo về nghĩa vụ thuế, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng. Tuy nhiên, chúng tôi cũng nhận thấy rằng công tác thuế, hải quan còn phải cố gắng nhiều khi mà số nợ đọng thuế còn lớn, còn tình trạng thất thu với hàng triệu hộ kinh doanh cá thể không sử dụng hệ thống kế toán, hóa đơn điện tử”, Bộ trưởng phát biểu.

Người đứng đầu ngành Tài chính cho hay đang chỉ đạo đẩy mạnh việc sử dụng hóa đơn điện tử để tránh tình trạng hoàn thuế giá trị gia tăng gian lận, mua bán hóa đơn lằng nhằng. Ông cho hay thậm chí có người lập hàng chục doanh nghiệp không kinh doanh mà chỉ buôn bán hóa đơn.

Bộ Tài chính đã rà soát, bãi bỏ 92 thủ tục hành chính về thuế, hải quan; triển khai khai thuế điện tử đến 100% chi cục thuế. Trong thời gian thông quan thì thủ tục của hải quan chiếm 28%, kiểm tra chuyên ngành chiếm 72%. Vì vậy, khâu đột phá, theo ông, là kiểm tra chuyên ngành.

Hiện việc kiểm tra chuyên ngành thực hiện theo 22 luật, 253 thông tư, quy định của các bộ. Để rút ngắn thời gian kiểm tra chuyên ngành, Bộ Tài chính kiến nghị sửa đổi, bổ sung 87 văn bản nhưng mới làm được 24 văn bản.

“Không sửa đổi quy định về kiểm tra chuyên ngành sẽ rất vướng trong vấn đề thông quan hàng hóa. Chưa kể, phương thức kiểm tra chuyên ngành đang nặng về hành chính, chậm đổi mới, xã hội hóa, phương tiện, nhân lực thiếu và yếu”, ông Dũng đánh giá đồng thời đề nghị Thủ tướng tiếp tục tập trung chỉ đạo mạnh mẽ cho công tác kiểm tra chuyên ngành.

Sau phần phát biểu của Bộ trưởng Tài chính, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng việc thu ngân sách đạt 100,7% dự toán là rất ấn tượng. “Phải biểu dương các địa phương, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, nhất là các địa phương trọng điểm”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Trước đó, Tổng cục Hải quan cho biết tính đến ngày 25/12, ngành đã thu được 261.490 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với dự toán thu ngân sách đề ra (270.000 tỷ đồng).

Bộ trưởng Công an Tô Lâm thông tin trong năm 2016 đã triệt phá hơn 1.000 các băng ổ nhóm tội phạm núp bóng các công ty, doanh nghiệp (siết nợ, đòi nợ thuê, khai thác khoáng sản, kinh doanh vận tải, can thiệp vào công tác đấu thầu, hoạt động của doanh nghiệp,...).

Ngành Công an cũng đã phát hiện hơn 16.000 vụ vi phạm trật tự về quản lý kinh tế; 224 vụ phạm tội tham nhũng, xử lý nhiều vụ tham nhũng lớn; gian lận thuế VAT; chống buôn lậu, gian lận thương mại

Và đây là lần đầu tiên Bộ trưởng Tô Lâm đề xuất Bộ Chính trị ban hành văn bản về đảm bảo an ninh kinh tế; liên tục mở các đợt cao điểm về đấu tranh phòng chống tội phạm.

Theo Zing

Các tin cũ hơn