Tại Hội nghị trực tuyến với các địa phương 29/12, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh chủ yếu tập trung báo cáo các “điểm tích cực” ngành đã đạt được trong năm 2016.
Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh. Ảnh: Tiến Tuấn. |
Đơn cử, kim ngạch xuất khẩu năm 2016 tăng trưởng 8,6% và thặng dư thương mại đạt 2,68 tỷ USD. Ông Trần Tuấn Anh cho rằng kết quả này rất tích cực nếu xét trong bối cảnh chung của toàn thế giới cũng như thị trường giá cả thế giới, đặc biệt là khi giá dầu giảm tác động tiêu cực tới xuất khẩu.
Không chỉ thế, tổng mức luân chuyển hàng hóa cũng như giá trị tiêu dùng của toàn xã hội tăng khoảng 10,4% cũng là mức cao so với năm ngoái, trong khi giá trị sản xuất công nghiệp tăng trưởng 7,4%... góp phần vào sự tăng trưởng chung của GDP.
Liên quan đến việc đảm bảo cung cấp điện, trong năm 2016, tăng trưởng điện khoảng 11,28%. Tuy vậy, ông Tuấn Anh thừa nhận trong những năm tới việc đảm bảo cân đối năng lượng sẽ rất căng thẳng.
“Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng cho cơ chế đặc thù để đảm bảo cho các dự án trọng điểm trong lĩnh vực năng lượng, các dự án cung cấp vùng nguyên liệu phục vụ cho các dự án điện qua đó đảm bảo cho việc tăng trưởng của đất nước”, ông Trần Tuấn Anh đề xuất.
Bộ cũng kiến nghị Chính phủ đẩy nhanh việc xây dựng những quy chuẩn liên quan đến vật liệu xây dựng từ hệ thống tro xỉ thải của những nhà máy nhiệt điện than để phòng ngừa nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Trong lĩnh vực thương mại, ông Trần Tuấn Anh đánh giá năm 2016 chứng kiến sự tăng trưởng cao của thị trường bán lẻ. Mức độ tăng trưởng đóng góp vào GDP là 28,6%/năm, tạo công ăn việc làm cho khoảng 7 triệu lao động. Việt Nam đã thực hiện các dự án lớn và cũng như đã thực hiện các cam kết như mở cửa cho các nhà đầu tư nước ngoài, đồng thời điều chỉnh, điều hành một cách phù hợp cho các doanh nghiệp bán lẻ trong nước.
“Tuy nhiên, các địa phương có xu hướng thu hút đầu tư và tạo điều kiện cho doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài về đất đai, mặt bằng, các cơ chế khác dẫn đến nhiều lĩnh vực nước ngoài chiếm 100% trong khi hệ thống chợ nông thôn, chưa có sự quan tâm đầy đủ về chính sách, phát huy nguồn lực, chưa được đưa vào các khu vực tín dụng, chưa được hưởng các ưu đãi đầu tư…”, Bộ trưởng nêu thực tế.
Trước thực trạng này, Bộ Công Thương đề nghị đưa vào danh mục kêu gọi đầu tư, được hưởng các cơ chế ưu đãi đầu tư để phát triển, đặc biệt hệ thống thương mại tại vùng xa, sâu, nơi những nhu cầu người tiêu dùng lớn và hệ thống phân phối nước ngoài chưa tới được.
“Các bộ, ngành cần tiếp tục tạo điều kiện cho doanh nghiệp nội địa. Khẩn trương xây dựng hệ thống hàng rào kỹ thuật để bảo vệ sản phẩm nội địa và thị trường trong nước cho phù hợp với những cam kết”, ông nhấn mạnh.
Trong số 12 dự án thua lỗ nặng nề, kém hiệu quả thì có 4 dự án của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) 5 dự án, 2 dự án có “bóng dáng” Tổng công ty Thép Việt Nam (Vnsteel). Ảnh minh họa. |
Ghi nhận những kết quả ngành Công Thương đã đạt được, tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc nhở đây là Bộ lớn với nhiều vấn đề đặt ra như việc sắp xếp bộ máy, tái cơ cấu nội bộ, các dự án thua lỗ…
Thủ tướng đánh giá đến nay bộ máy của Bộ Công Thương đã gọn hơn, làm việc tốt hơn giúp tiết kiệm hàng trăm, nghìn tỷ đồng. Các bộ khác cần nghiên cứu theo Bộ Công Thương trong việc cải cách thủ tục hành chính, giảm chi phí không chính thức cho doanh nghiệp và người dân.
“Tuy vậy, Bộ Công Thương còn chưa bãi bỏ các thủ tục về hoá chất, năng lượng. Đối với 12 dự án thua lỗ, tôi yêu cầu Bộ giải quyết kịp thời, giao cho Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng hỗ trợ Bộ để xử lý các bất cập hiện nay”, Thủ tướng chỉ đạo.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Công Thương rà soát, điều chỉnh quy hoạch điện 7; tái cấu trúc lại các lĩnh vực sản phẩm công nghiệp. Bộ cũng lựa chọn các sản phẩm chủ lực để ưu tiên phát triển như: Ôtô, may mặc, da giầy, đồ gia dụng, điện tử, xây dựng.
Ngoài ra, việc đổi mới quan điểm về công nghiệp hỗ trợ (đáp ứng thị trường trong nước, thị trường toàn cầu); mở rộng thị trường sản phẩm có lợi thế của Việt Nam, đặc biệt là gạo, nông, thủy sản cũng được ông đề cập. Bộ Công Thương cũng cần rà soát lại các dự án đầu tư để điều chỉnh những yếu tố chưa phù hợp, khắc phục tình trạng thất thoát, lãng phí, thua lỗ như vừa qua.
Nhấn mạnh vấn đề môi trường đang được xã hội hết sức quan tâm, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên Môi trường chỉ cho phép những dự án hoạt động khi đảm bảo vấn đề môi trường. Nếu có vấn đề về môi trường thì Bộ phải chịu trách nhiệm.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cũng yêu cầu tiếp tục thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra làm rõ vi phạm của các tổ chức, cá nhân trong các doanh nghiệp làm ăn thua lỗ; trong lĩnh vực khai thác tài nguyên (nhất là nạn cát tặc, khai thác vàng trái phép, phá rừng); đề nghị đẩy mạnh tấn công trấn áp các loại tội phạm thường xảy ra trong dịp Tết (đánh bạc, buôn lậu, hàng giả...), không để xảy ra trọng án lớn gây bức xúc dư luận xã hội.
Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường đề nghị năm 2017 phải tập trung tháo bằng được 4 nút thắt trong sản xuất nông nghiệp gồm: Tích tụ ruộng đất trong sản xuất nông nghiệp; chuyển 500.000-700.000 ha đất lúa sang trồng cây ăn quả, nuôi trồng thủy sản; chính sách huy động doanh nghiệp vào khu vực nông nghiệp, triển khai hiệu quả gói tín dụng 60.000 tỷ phát triển nông nghiệp công nghệ cao;...
Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đề nghị cần quyết liệt hơn, mạnh mẽ hơn trong cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước; xử lý các dự án thua lỗ, yếu kém; nâng cao hiệu quả hoạt động của Tổng công ty quản lý vốn nhà nước (SCIC; tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, xử lý nợ xấu...
Theo Zing