Yêu cầu giảm lãi suất, siết thị trường vàng, ngoại tệ

Thứ tư, 28/12/2016, 13:01
Trong năm 2017, Chính phủ đặt mục tiêu giảm lãi suất trung dài hạn, quản lý thị trường ngoại tệ, vàng hiệu quả hơn.

Tại hội nghị trực tuyến của Chính phủ với lãnh đạo các tỉnh, thành phố đang diễn ra sáng nay (28/12), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ ra những vấn đề lớn của nền kinh tế. Các vấn đề này có ngành công nghiệp khai khoáng giảm mạnh, trong đó sản lượng dầu thô giảm 13%; thiên tai, hạn hán kéo giảm 0,5% GDP, sự cố môi trường biển miền Trung kéo giảm 0,3% GDP…

Thủ tướng cũng nhắc tới các dự án nghìn tỷ thua lỗ, mất vốn (như đã báo cáo trước Quốc hội), các ngân hàng thương mại yếu kém, mất vốn, rủi ro cao, trong đó có những ngân hàng bị mua lại 0 đồng và xếp hạng quốc tế về năng lực cạnh tranh, đổi mới sáng tạo của Việt Nam giảm 4 bậc (xếp thứ 59/158).

“Tôi đề nghị các đồng chí dự họp đánh giá kỹ kết quả năm 2016, phân tích giải pháp năm 2017. Đề nghị  phát biểu ngắn gọn, không cần đi sâu vào báo cáo thành tích, kết quả đạt được mà cần đề cập đến những khó khăn, vướng mắc, những vấn đề có tính chất liên ngành, liên vùng”, Thủ tướng phát biểu.

Đồng thời, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các địa phương thảo luận sâu về giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

GDP chỉ tăng 6,21%, thấp hơn mục tiêu

Hội nghị diễn ra trong 2 ngày (28-29/12). Chính phủ sẽ thảo luận và ban hành nghị quyết triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017. Ảnh: VGP.

Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) Nguyễn Chí Dũng cho hay trong năm 2016, tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) ước tính tăng 6,21%. Con số này thấp hơn mục tiêu đặt ra là 6,7% và thấp hơn con số báo cáo với Quốc hội (6,3-6,5%).

Nguyên nhân chủ yếu là tăng trưởng âm của khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản trong những tháng đầu năm và do sự sụt giảm của ngành khai khoáng, giá dầu thô giảm sâu.

Tính đến ngày 20/12, tổng phương tiện thanh toán tăng 16,47% so với cuối năm 2015; huy động vốn tăng 16,88%, tín dụng tăng 16,46%.

Cũng trong năm nay, cả nước đã có 110.100 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 891.094 tỷ đồng, tăng 16,2% về số lượng doanh nghiệp và tăng 48,1% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ 2015. Tính đến ngày 15/12, tổng thu cân đối ngân sách nhà nước đạt 93% dự toán, trong khi tổng chi ngân sách đạt 89,2% dự toán.

Tổng vốn FDI thực hiện đến ngày 26/12 ước 15,8 tỷ USD, tăng 9% so với năm 2015, trong khi tổng vốn đăng ký đạt 24,4 tỷ USD, tăng 7,1% trong khi tổng số vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài ký kết đạt khoảng 5,38 triệu USD, tăng 1,4 lần so với năm 2015. Ước cả năm giải ngân đạt 3.700 triệu USD, bằng 80,4% mức giải ngân năm 2015.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá trong năm 2016 đã có 12/13 chỉ tiêu cao hơn số báo cáo Quốc hội, kể cả xuất nhập khẩu. Chỉ có 1 mục tiêu xấp xỉ số báo cáo Quốc hội, thiếu hụt 0,09% đó là GDP.

“Con số này phải cập nhật để cuối năm có được con số chốt lại một cách chính xác”, Thủ tướng yêu cầu đồng thời khẳng định trong bối cảnh khó khăn, Chính phủ, Thủ tướng, các cấp các ngành đã tập trung xây dựng thể chế, cải cách hành chính, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy khởi nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Giảm lãi suất, quản lý hiệu quả thị trường vàng, ngoại tệ

Sau phần phát biểu của Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã trình bày tóm tắt dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2017.

Số doanh nghiệp thành lập mới năm 2016 đạt kỷ lục. Đồ hoạ: Kiều Vui.

Dự thảo nhấn mạnh yêu cầu bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô làm nền tảng cho sự phát triển; đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế gắn với tăng trưởng gắn với 3 đột phá chiến lược; bảo đảm phát triển nhanh, bền vững, đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường phòng, chống tham nhũng lãng phí, xây dựng nền hành chính hiện đại phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nêu ba chỉ tiêu quan trọng nhất là GDP 6,7%, lạm phát bình quân 4% và ngân sách phải bảo đảm cả trung ương và địa phương.

Để làm được điều này, ông yêu cầu các bộ trong tổ điều hành vĩ mô phải theo dõi sát diễn biến, cập nhật tình hình các đối tác kinh tế lớn để có phản ứng chính sách phù hợp.

Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách chủ động linh hoạt, tăng trưởng tín dụng gắn với chất lượng, lưu ý kết cấu tín dụng, ổn định lãi suất 2017, phấn đấu giảm lãi suất trung dài hạn, quản lý thị trường ngoại tệ, vàng hiệu quả.

Phó Thủ tướng cho biết năm tới dự kiến tổng mức phát hành TPCP năm 2017 là 250.000 tỷ so với 280.000 tỷ của năm 2016. Cơ cấu TPCP có sự thay đổi tích cực khi nguồn vốn từ ngân hàng giảm, các tổ chức tài chính khác tăng, kỳ hạn tăng.

“Điều hành ngân sách cần chủ động chặt chẽ, hạn chế tối đa ban hành chính sách giảm thu trừ cam kết quốc tế, hạn chế ban hành chính sách tăng chi trừ trường hợp đặc biệt. Tiết kiệm chi tiêu ngân sách là quốc sách, tăng cường kỷ luật kỷ cương, kỷ luật ngân sách, thu trong nền kinh tế, chi theo khả năng, vay trong năng trả nợ. Triển khai quyết liệt giải ngân vốn đầu tư ngân sách ngay từ đầu năm 2017”, Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu rà soát đồng bộ các quy định cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trong đó tập trung hỗ trợ tiếp cận vốn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ, các hộ kinh doanh cá thể chuyển thành doanh nghiệp, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; Các bộ ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia tiếp cận trình độ ASEAN-4.

“Quyết tâm của Chính phủ là tất cả các đề án liên quan đến tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu và đổi mới DNNN, tái cơ cấu tổ chức tín dụng gắn xử lý nợ xấu… đều phải được trình các cơ quan liên quan trong quý 1/2017”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo Zing

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích
  • Chợ Giá - Thị trường ngoại tệ, tài chính, ngân hàng