|
Những chiêu bài marketing
Mới đây, thông tin Điện máy Xanh tuyên bố “dội bom” truyền thông khi tung cả trăm tỷ đồng làm quảng cáo khiến thị trường điện máy cuối năm được dịp trở nên sôi động.
Theo đại diện doanh nghiệp này, năm 2016 dù số lượng cửa hàng tăng nhanh hơn so với các năm trước nhưng doanh thu của Điện máy Xanh vẫn không đạt được con số như kỳ vọng, khiến đơn vị này quyết định mạnh tay chi tiền làm thương hiệu. Trong 4 tháng cuối năm, công ty đã chi cả trăm tỷ đồng để quảng cáo vào các khung giờ vàng, tài trợ cho các gameshow, làm các video viral, "dội bom" hình ảnh.
Và đúng như đã tuyên bố, cuối tháng 11 vừa qua Điện máy Xanh đã phủ kín các phương tiện truyền thông bằng video quảng cáo gây "ám ảnh" người xem. Video này khiến người ta liên tưởng đến cách làm của Kangaroo khi liên tục nhồi nhét vào đầu người xem thông điệp “đến Điện máy Xanh”. Mục tiêu để khiến người tiêu dùng khi cần các sản phẩm điện máy thì nghĩ ngay tới cái tên Điện Máy Xanh.
Dù bị chê là nhạt khi chỉ có một nội dung được lặp đi lặp lại trong cả video, nhưng đoạn quảng cáo của Điện máy Xanh đã nhanh chóng tạo "sóng" và được cộng đồng truyền tay nhau.
Đánh giá về động thái này, các chuyên gia cho rằng, sau nỗ lực mở rộng mạng lưới các siêu thị như năm vừa qua, thời điểm này chính là lúc các siêu thị điện máy tập trung vào quảng bá thương hiệu nhằm gây được ấn tượng trong tâm trí khách hàng.
Không riêng gì Điện máy Xanh, còn nhớ vào hồi giữa năm 2016, cái tên Điện máy Trần Anh cũng từng khiến dư luận dậy sóng khi bất ngờ để rò rỉ hình ảnh các cô gái mặc biniki đứng tiếp khách tại siêu thị. Sự cố bất ngờ này đã tạo ra làn sóng tranh cãi không ngớt trên khắp các phương tiện truyền thông, cũng như mạng xã hội.
Dù liên tục phủ nhận ý đồ marketing trong vụ việc này, nhưng rõ ràng, “sự cố bikini” đã mang lại cho Trần Anh ít nhiều lợi ích. Tên tuổi Trần Anh nhanh chóng lan truyền, trở thành một trong những từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất trong thời điểm bấy giờ. Các chuyên gia nhận định, việc tạo ra một vụ ‘nổ truyền thông” mà không tốn chi phí nhưng lại tạo được viral rộng rãi đến khách hàng thực sự là một chiêu cao tay của "ông lớn" này.
Không thể phủ nhận rằng, dù chiêu bài phản cảm, dội bom người xem có thể gây nhiều tranh cãi, nhưng hiệu quả trong việc quảng bá thương hiệu một cách rộng rãi của nó vẫn đang được các doanh nghiệp điện máy triệt để áp dụng.
Nỗ lực hướng tới khách hàng
Theo nghiên cứu của Nielsen, giá bán là yếu tố hấp dẫn khách hàng nhưng uy tín thương hiệu và chất lượng dịch vụ mới là yếu tố ảnh hưởng lớn tới việc ra quyết định mua hàng cũng như khả năng gắn bó với doanh nghiệp của khách hàng.
Do vậy, dù cùng chung nỗ lực quảng bá thương hiệu đến người tiêu dùng, nhưng các doanh nghiệp điện máy lại đang tính toán những nước cờ riêng cho mình để lấy lòng khách hàng.
Điện máy Xanh tiếp bước thành công của chuỗi Thế giới di động khi lựa chọn mô hình “cửa hàng tiện lợi” là chiến lược phát triển.
Với hướng đi này, các cửa hàng của Điện máy Xanh đều rất nhỏ gọn, len lỏi vào khắp các ngóc ngách, các khu vực nông thôn, ngoại thành, vùng dân cư đông đúc để dễ dàng tiếp cận được với khách hàng. Đi theo hướng tiện lợi nên các mặt hàng bày bán của Điện máy Xanh cũng chỉ tập trung vào các sản phẩm chủ lực, bán tốt nhất nên mất đi sự đa dạng để khách hàng có thể lựa chọn. Cách đi này của Điện máy Xanh hiện đang rất được lòng các cổ đông và nhà đầu tư do tốn ít chi phí, dễ quản trị và thu hồi vốn nhanh.
Trái ngược với Điện máy Xanh, điện máy Trần Anh lấy chất lượng dịch vụ theo tiêu chuẩn Nhật Bản làm yếu tố khác biệt. Do vậy, hướng phát triển của doanh nghiệp này tập trung vào tăng trải nghiệm khách hàng khi đến mua sắm như không gian trưng bày hàng hóa đa dạng và phong phú, khu đỗ xe đáp ứng cho khách hàng đi ô tô, khu vui chơi đặc biệt dành riêng cho trẻ em, … Đặc biệt, thái độ phục vụ theo đúng chuẩn Nhật Bản được kỳ vọng sẽ tạo ra sự khác biệt cho Trần Anh so với các doanh nghiệp khác.
“Hướng đi này của Trần Anh tạm thời có thể chưa thể hiện rõ lợi thế và chưa làm hài lòng các cổ đông, các nhà đầu tư bởi việc đầu tư lớn vào dịch vụ sẽ không đem lại lợi nhuận tức thời cho họ. Tuy nhiên, nó sẽ tạo ra lộ trình phát triển bền vững cho doanh nghiệp khi tạo được sự gắn kết với khách hàng dựa trên việc đem lại lợi ích nhiều nhất tới khách hàng” – Một chuyên gia nhận định
Dù không tạo được sự đột phá nào trong tâm trí người dùng trong năm 2016 nhưng với lợi thế từ nhà đầu tư người Thái cùng chuỗi BigC trên khắp cả nước, nhiều chuyên gia cho rằng chiến lược mà Nguyễn Kim hướng tới sẽ là mô hình shop in shop khi độc quyền bán điện máy trong hệ thống Big C. Và với mạng lưới khách hàng rộng lớn của Big C trên khắp cả nước, năm 2017 rất có thể sẽ là năm đánh dấu sự quay trở lại của Nguyễn Kim trên thị trường điện máy.
Ngoài việc truyền thông tăng nhận diện thương hiệu, các doanh nghiệp điện máy cũng đều đang đặc biệt quan tâm tới bài toán kiểm soát chi phí và tối ưu hiệu quả trên từng điểm bán. Trong đó phải kể đến việc tối ưu nhân sự thông qua chính sách gộp ngành khi một nhân viên có thể bán tất cả các mặt hàng chứ không chia theo từng ngành hàng như trước đây.
“Việc gộp ngành hàng này sẽ giúp giảm chi phí vận hành, tăng năng lực cạnh tranh, nâng cao năng lực phục vụ khách hàng cũng như chấm dứt tình trạng nhân viên chỉ phục vụ khách hàng thuộc ngành hàng mình phụ trách như trước” – Đại diện Trần Anh chia sẻ.
Hiện tại, sau khi gộp ngành, Điện máy Xanh chỉ có từ 25-30 nhân viên/1 shop chuẩn và 10-15 nhân viên/1 shop Điện máy Xanh mini. Trần Anh có từ 35-40 nhân viên/1 siêu thị và Nguyễn Kim mini trong BigC chỉ có 10 nhân viên.
Cuộc đua trong lĩnh vực điện máy vẫn chưa thực sự đi đến hồi kết và rõ ràng với những chiến lược phát triển khác biệt và rõ nét so với các đối thủ cạnh tranh khác, cả Điện Máy Xanh, Trần Anh và Nguyễn Kim vẫn đang là những cái tên gây tò mò và thú vị nhất trên thị trường điện máy. Với những kế hoạch mà các ông lớn này đang ấp ủ, dự báo sẽ tạo ra sự bùng nổ cho thị trường điện máy trong năm 2017 sắp tới.
Theo Tri Thức Trẻ