Trao đổi với phóng viên Tiền Phong về hoạt động của loại hình xổ số Vietlott đang gây xôn xao dư luận về mức trả thưởng “khủng” nhất từ trước đến nay, đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội, cho rằng, đánh giá toàn diện về hình thức xổ số này để pháp luật hóa cho phù hợp.
Giải thưởng làm choáng ngợp hết cả
- Theo ông, vì sao Vietlott vừa ra đời, vừa xuất hiện tại Hà Nội lại thu hút sự chú ý, lôi kéo được đông đảo người dân tham gia như vậy?
- Có lẽ nguyên nhân cũng là do giải thưởng quá cao, đến mức độ làm choáng ngợp hết cả. Tôi ví dụ ngay trong trường hợp ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), khi người ta trúng giải đặc biệt, báo chí tuyên truyền quá mạnh và trở thành một tâm điểm về sự may rủi. Người ta thấy đó là một sự may mắn khủng khiếp, cho nên nó trở thành một trào lưu.
Điều đó cũng bình thường và tự nhiên thôi. Điều quan trọng là từ sự việc đó, Nhà nước cần phải có sự nhìn nhận đánh giá, cần phải nhạy cảm trước những vấn đề đó. Khi báo chí nêu lên, lập tức anh phải nhạy cảm, nhưng hiện nay chúng ta lại đang thiếu đi sự nhạy cảm này.
- Một trong những mối băn khoăn của không ít người là tính pháp lý của loại hình xổ số này. Theo ông, cần phải làm rõ khía cạnh nào?
Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng. |
- Tôi cũng băn khoăn Vietlott về Việt Nam được coi là một dạng xổ số hay không? Tính may rủi ở đây rất cao, có những người thậm chí không hiểu biết gì vẫn cứ lao vào cuộc với một hy vọng rất mỏng manh.
Bên cạnh đó cũng có một số người mong muốn tham gia kinh doanh loại hình này. Điều này có khả năng tạo ra những rủi ro trong xã hội.
Theo tôi cần phải giao cho Bộ Tài chính tham mưu cho Chính phủ, tổ chức đánh giá một cách toàn diện hình thức này để rồi văn bản hóa, pháp luật hóa cho cụ thể, phù hợp.
Từ đó để chúng ta có sự điều chỉnh, nếu thực sự đó là một mô hình tốt cho hoạt động kinh tế xã hội thì ta duy trì, bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng cũng như những người tham gia đầu tư. Còn nếu nó chỉ đơn giản mang yếu tố may rủi, thì cần phải đánh giá xem cái nào cần hạn chế, cái nào phải loại bỏ, không được phép cho tiến hành nữa.
Chơi theo kiểu trào lưu, a dua…
- Ông vừa nhắc đến những rủi ro trong xã hội có thể xảy ra, đó là những rủi ro gì, thưa ông?
- Phải thấy rằng, bản thân cả người chơi và người đầu tư đều nhận thức không sâu sắc. Đầu tư thì theo trào lưu, chơi cũng theo trào lưu kiểu a dua bạn bè, cứ rỉ tai nhau, thậm chí có những người còn thực hiện như những canh bạc cuộc đời. Như vậy nó không có một kế hoạch, thậm chí những người tham gia chơi có thể bị ảnh hưởng đến tình cảm gia đình, vợ chồng, con cái…
"Cũng giống như trước đây chúng ta nói đa cấp tốt, nhưng đến thời điểm này có ai đánh giá nó tốt đâu. Người ta rất khiếp đa cấp, người chơi rồi mới thấy sự đau đớn về đa cấp. Bởi vậy tôi vẫn nhấn mạnh đến sự cần thiết phải có một kết quả đánh giá chính thức, toàn diện hơn", Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng. |
Thế rồi trong cán bộ đảng viên tham gia vào loại hình này thì nên nhìn nhận như thế nào? Bởi vì anh đi làm công ăn lương, anh tham gia vào những vấn đề đó thì tiền bạc ở đâu? Thậm chí còn dẫn đến chỗ anh đi kiếm chác ở những chỗ khác, tiêu cực, tham ô, tham nhũng để có tiền chơi.
Cán bộ công chức nhà nước - hình ảnh của họ sẽ như thế nào đối với người dân, rồi tranh chấp, kiện tụng cũng có thể xảy ra…
Nhìn chung nó có thể tạo ra nhiều hậu quả xã hội. Những vấn đề này cần phải được đánh giá một cách chi tiết hơn. Nghĩa là phải đánh giá tác động của những người trong cuộc, các nhà khoa học, các nhà kinh tế, xã hội học, còn ý kiến của một người nào đó cũng chưa hẳn là đúng.
Cái này có thể tạo ra được một hiệu ứng tốt, cũng có thể gây hiệu ứng ngược lại. Cũng giống như trước đây chúng ta nói đa cấp tốt, nhưng đến thời điểm này có ai đánh giá nó tốt đâu. Người ta rất khiếp đa cấp, người chơi rồi mới thấy sự đau đớn về đa cấp. Bởi vậy tôi vẫn nhấn mạnh đến sự cần thiết phải có một kết quả đánh giá chính thức, toàn diện hơn.
- Thế còn ở khía cạnh người trúng giải đặc biệt (Jackpot), hình như cũng phải đối mặt với không ít những rắc rối xung quanh câu chuyện tiền bạc?
- Tôi được biết, thậm chí có những gia đình trúng giải đặc biệt với số tiền lớn phải bỏ trốn đi nhiều ngày, bởi vì họ sợ người ta quấy rầy, thậm chí sợ cướp. Vì thế đây không còn là một hoạt động kinh tế thông thường nữa. Nó là một thứ tạo ra cho con người một cái gì đó rất hồ hởi nhưng lại rất chui lủi, không làm cho xã hội cảm thấy hưng phấn.
Tôi cho rằng điều này rất nguy hiểm, giải thưởng quá lớn so với thu nhập của một người bình thường ở Việt Nam.
Đừng đổ lỗi cho dân nếu…
- Thưa ông, liệu có xảy ra nguy cơ bần cùng hóa người lao động, đã nghèo sẽ lại càng nghèo hơn vì mông muội theo đuổi giấc mơ Vietlott?
- Điều này cũng có thể xảy ra nếu như anh không biết cân đối, thỏa thuận tốt ở trong gia đình, rồi thậm chí đi kiếm những nguồn tiền khác bất minh, thậm chí có thể đi vay đi mượn, rồi biết đâu có những người trộm cắp và cả tham nhũng để có tiền chơi như vừa đề cập.
Đặc biệt khi nó đổ vỡ sẽ kéo theo một loạt các vấn đề cũng tương tự như như loại hình đa cấp vừa qua. Các cụ nói “cháy nhà mới ra mặt chuột”. Tốt nhất, lúc này chúng ta đừng nên để tình trạng đó xảy ra, xã hội cần phải dùng kỷ cương pháp luật, dây cương để kìm hãm, không cẩn thận nó sẽ trở thành môt con ngựa bất kham thì rất khó xử lý.
- Cũng có lo ngại nhiều người lao động sống phụ thuộc vào bán vé số, giờ có khả năng thất nghiệp vì Vietlott có thể khai tử loại hình xổ số truyền thống?
- Đúng thế, điều này có thể làm mất rất nhiều công ăn việc làm từ những người bán vé số. Nhiều người tật nguyền, không may mắn trong xã hội phải dựa vào bán vé số để mưu sinh.
Tôi đi công tác miền Nam nhiều, thấy những người kiếm được đồng tiền từ vé số, rất thú vị. Tôi đã từng tham gia, mua giúp họ và nhận ra xổ số truyền thống có cái gì đó rất nhân văn, mang ý nghĩa xã hội lớn. Nhưng Vietlott đã chuyển sang một vấn đề khác, có thể để lại những hậu quả xã hội.
Nếu đến lúc nào đó vỡ lở thì lỗi thuộc về nhà quản lý chứ đừng đổ lỗi cho người dân. Họ không được quy định, không được hạn chế, thậm chí những hành vi cấm đoán cũng không thì làm sao mà định hướng được.
Cảm ơn ông.
Ngày 5/12, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng về hoạt động của Công ty Xổ số điện toán Việt Nam (Vietlott).
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính báo cáo về hoạt động của Công ty Vietlott, trong đó có việc các địa phương chưa đồng tình với khẳng định của Bộ Tài chính rằng hoạt động của Vietlott không ảnh hưởng đến xổ số kiến thiết, lo ngại việc đầu tư cơ sở vật chất cho các địa phương sẽ bị ảnh hưởng do doanh thu xổ số kiến thiết giảm và kiến nghị Bộ Tài chính kịp thời chấn chỉnh một số hoạt động kinh doanh không đúng quy định của Vietlott.
Theo Tiền Phong