|
Ông Vũ Quang Hải đã có đơn xin rút khỏi Hội đồng quản trị Sabeco. |
Chia sẻ sau khi chính thức có đơn xin rút khỏi vị trí thành viên Hội đồng quản trị Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), ông Vũ Quang Hải cho hay: "Tôi đã có ý định xin rút từ trước, nhưng thời điểm này mới nộp đơn, vì tôi muốn chứng minh, mình là người làm được việc chứ không phải là con ông nọ ông kia".
“Kế hoạch năm 2016 của Sabeco đã hoàn thành, các công việc cần làm thuộc trách nhiệm của tôi cũng đã xong. Tới thời điểm này, Sabeco đã lên sàn và cổ phiếu SAB đã trở thành một trong những cổ phiếu được săn đón nhất những ngày cuối năm. Sabeco cũng sắp có một năm lịch sử khi lãi kỷ lục, đạt mức cao nhất từ trước đến nay. Tôi xin rút thì ít nhất cũng phải ngẩng cao đầu”, ông Hải nói.
Theo Phó tổng giám đốc Sabeco, dự kiến năm 2016, Sabeco đã vượt kế hoạch cả doanh thu và lợi nhuận. Luỹ kế 9 tháng, Sabeco đạt doanh thu 21.822 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 3.658 tỷ đồng - tăng 24,5% so với cùng kỳ, vượt 11,8% so với kế hoạch cả năm. Lợi nhuận năm nay dự kiến Sabeco đạt gần 4.200 tỷ đồng, vượt kế hoạch khoảng 1.000 tỷ đồng.
Được niêm yết từ 12/12 vừa qua, cổ phiếu SAB đã giúp Sabeco trở thành doanh nghiệp có vốn hóa thị trường lớn thứ hai trên sàn chứng khoán, chỉ sau Vinamilk.
Liên tục được "xin về đúng quy trình"
Ông Vũ Quang Hải sinh năm 1986, được lãnh đạo Bộ Công Thương ký quyết định điều động về Sabeco hồi đầu năm 2015, khi mới 28 tuổi. Ông Hải được bầu vào HĐQT của Sabeco, với tỷ lệ phiếu trên 90% và được giao kiêm nhiệm chức Phó tổng giám đốc.
Là con trai của cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, ông Vũ Quang Hải được bầu làm lãnh đạo doanh nghiệp giải khát lớn ở Việt Nam với lý do "tăng cường nhân sự trẻ làm tiền đề cho việc trẻ hóa nguồn cán bộ lãnh đạo của tổng công ty".
Tại thời điểm những thông tin về vụ việc được phát đi, trả lời báo chí, cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, thời điểm cuối năm 2014, HĐQT của Sabeco mà trực tiếp là Chủ tịch HĐQT (ông Phan Đăng Tuất - PV) có công văn gửi lãnh đạo và ban cán sự Bộ Công Thương nói rằng, tình hình kinh doanh của đơn vị hoạt động bình thường nhưng bộ máy chưa được kiện toàn. Trong khi nguồn tại chỗ chưa đáp ứng được yêu cầu nên tổng công ty đề nghị Bộ cho phép xin đích danh Vũ Quang Hải cùng với một người tại chỗ nữa để kiện toàn bộ máy.
Ông Vũ Quang Hải khẳng định: “Chủ tịch Sabeco khi đó là anh Phan Đăng Tuất đã có văn bản gửi Bộ Công Thương xin tăng cường cán bộ trẻ cho Tổng công ty và chỉ đích danh tên tôi. Sau đó, Bộ Công Thương chấp thuận giới thiệu tôi về Sabeco”.
Nguyên Chủ tịch Sabeco Phan Đăng Tuất thời điểm đó cũng phân trần thêm rằng: "Nói cán bộ trẻ, chưa có kinh nghiệm là cảm tính. Ông Hải, 29 tuổi, từng làm giám đốc 1 công ty 2 năm, học thạc sĩ về kinh doanh và rất phù hợp với nhu cầu lúc bấy giờ. Ông Hải xứng đáng làm Phó Tổng với phong thái đĩnh đạc, có học vấn, tiếng Anh nói tốt, thông thạo về marketing. Thứ 2, ông Hải làm công ty vẫn tốt lên, tốc độ tăng trưởng vẫn cao".
Trước đó, tháng 5/2013, ông Hải chuyển về Trung tâm hỗ trợ xuất khẩu (Cục Xúc tiến thương mại, thuộc Bộ Công Thương) cũng theo đề nghị của đơn vị này. Vì là đơn vị sự nghiệp có thu, ông Hải chuyển ngang từ doanh nghiệp về cơ quan bộ, không qua tuyển dụng. Tuy nhiên, là phó giám đốc trung tâm kiêm nhiệm kiểm soát viên tài chính của Tổng công ty thuốc lá Việt Nam, ông được hưởng chế độ Vụ Phó.
Mặc dù được người trong cuộc khẳng định đúng quy trình nhưng kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương công bố chiều 24/10 đã khẳng định, Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương nhiệm kỳ 2011 - 2016 đã vi phạm Luật Phòng, chống tham nhũng và Luật Doanh nghiệp trong việc bổ nhiệm ông Vũ Quang Hải làm kiểm soát viên Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam; điều động, đề cử tham gia HĐQT và giữ chức Phó Tổng giám đốc Sabeco.
Nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng bị đánh giá là đã thiếu gương mẫu, có biểu hiện vụ lợi trong việc tiếp nhận, bổ nhiệm và điều động con trai làm kiểm soát viên Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam; tham gia HĐQT và giữ chức Phó Tổng giám đốc Sabeco.
TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), Bộ Kế hoạch và Đầu tư bình luận: "Tôi nói bao nhiêu lần, đừng có nói quy trình nữa. Quy trình chỉ là công cụ, chứ không phải là mục tiêu, mục đích chứ không phải cứ lôi quy trình ra để thực hiện. Quy trình đặt ra là để tìm được những con người như thế mà nếu chưa tìm được thì phải làm lại quy trình. Bây giờ phải tìm người tốt nhất, có tâm và tầm chứ không phải tìm người theo quy trình".
Lùm xùm từ câu chuyện thua lỗ của PVFI
Trước khi về Trung tâm hỗ trợ xuất khẩu, từ năm 2007, ông bắt đầu công tác ở Tổng công ty Tài chính dầu khí với vai trò chuyên viên ban đầu tư. Sau 4 năm, từ vị trí chuyên viên của một ban trực thuộc, ông được điều chuyển làm tổng giám đốc Công ty Đầu tư tài chính Công đoàn Dầu khí (PVFI).
Ông Vũ Quang Hải được bổ nhiệm vào vị trí Tổng giám đốc từ ngày 25/1/2011 thay cho người tiền nhiệm là ông Chu Xuân Lai. Đến tháng 2/2011,nhân sự cấp cao của PVFI lại có sự thay đổi khi ông Đàm Minh Đức được bầu làm Chủ tịch HĐQT thay ông Vũ Xuân Tiên.
Ông Hải từng cho biết, mục đích của việc bổ nhiệm ông Hải khi đó, cùng với vị Chủ tịch HĐQT là "tái cơ cấu toàn diện PVFI vì phát sinh những khoản nợ xấu". Tháng 1/2011, khi ông Hải nắm quyền ở đơn vị này, doanh nghiệp báo cáo là vừa mất vốn, và mất thêm khoảng 600 tỷ đồng nữa.
Ông Vũ Quang Hải khi đó cũng khẳng định: “Tôi có thể tự tin nói là các khoản lỗ đó không phải do tôi gây ra mà tôi chỉ kế thừa và xử lý các khoản lỗ đó. Chúng tôi làm tất cả mọi thứ, đến năm 2012 số lỗ đã ít đi rất nhiều, còn khoảng 70 tỷ đồng, chứ không phải như VAFI nói là “hai năm lỗ hơn 200 tỷ đồng”. Như vậy làm giảm lỗ chứ không phải là tăng thêm lỗ. Và khi tôi đi thì gần như PVFI không còn các khoản nợ xấu nữa, thanh toán toàn bộ công nợ tồn tại”.
Theo báo cáo tài chính đã được kiểm toán của PVFI thì năm 2010 công ty bắt đầu lỗ với mức lỗ 43 tỷ đồng, năm 2011 lỗ 155 tỷ và năm 2012 lỗ 68 tỷ đồng – tức PVFI phát sinh lỗ hơn 220 tỷ trong thời kỳ ông Hải làm Tổng giám đốc.
Tuy nhiên, cũng phải nói thêm rằng, khi nhìn vào các thông tin chi tiết trong báo cáo tài chính của PVFI có thể nhận thấy một điều là các khoản lỗ lớn của PVFI đều có nguồn gốc từ năm 2010 trở về trước, chủ yếu liên quan đến trích lập dự phòng cho các khoản hợp tác đầu tư chứng khoán niêm yết tại 2 công ty chứng khoán SMES (khoảng 313 tỷ) và Phố Wall (73 tỷ đồng).
Theo báo cáo tài chính kiểm toán năm 2010 của PVFI, nhiều khoản ủy thác và hợp tác đầu tư nói trên đã bị quá hạn ngay từ cuối năm 2010 nhưng khi đó ban lãnh đạo trước của PVFI đã không trích lập dự phòng đầy đủ vào năm 2010 do “Ban Giám đốc công ty tin tưởng rằng Công ty có khả năng thu hồi được khoản ủy thác quản lý vốn này trong ngắn hạn”. Và chỉ đến khi vẫn không thu hồi được trong năm 2011 thì PVFI mới chính thức trích lập dự phòng.
Theo Dân Trí