|
Dự án thuỷ điện Thượng Kon Tum chậm thi công vì nhà thầu Trung Quốc thiếu thiện chí. |
Dự án được thiết kế xây dựng trên sông Đắk Nghé (nhánh chính thượng nguồn sông Sê San) với quy mô công suất lắp máy 220 MW, được xác định là công trình kết cấu hạ tầng và công nghiệp quan trọng của tỉnh Kon Tum.
Để triển khai thực hiện dự án, Công ty VSH đã tổ chức đấu thầu lựa chọn các nhà thầu thi công. Trong đó, gói thầu tuyến năng lượng và nhà máy tổ chức đấu thầu quốc tế theo hình thức EC, Tổ hợp nhà thầu (Nhà thầu Trung Quốc) gồm Viện Thiết kế Hoa Đông thuộc Tập đoàn thủy điện Trung Quốc và Công ty TNHH Cục Đường sắt số 18) trúng thầu.
Trong quá trình thực hiện thi công dự án, do tình hình tiến độ thi công tuyến năng lượng và nhà máy trên chậm trễ nghiêm trọng và thái độ thiếu thiện chí hợp tác của Nhà thầu Trung Quốc (NTTQ), Công ty VSH đã có Nghị quyết chấm dứt hợp đồng với NTTQ và ra Thông báo chấm dứt hợp đồng ngày 14/7/2014).
Sau khi Công ty VSH chính thức thông báo chấm dứt hợp đồng với NTTQ và thu hồi toàn bộ giá trị bảo lãnh thực hiện Hợp đồng và bảo lãnh tạm ứng, ngày 23/8/2014, NTTQ đã gửi Đơn kiện Công ty VSH lên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), đề nghị phân xử các nội dung liên quan đến việc chấm dứt Hợp đồng. Công ty VSH cũng đã có Hồ sơ tự bảo vệ và Đơn gửi VIAC đề nghị phân xử về việc NTTQ vi phạm Hợp đồng.
Đến tháng 10/2016, song song với việc xử lý chấm dứt hợp đồng với NTTQ, Công ty VSH đã rà soát, đánh giá lại khối lượng công việc cần thi công còn lại của tuyến năng lượng và nhà máy, phân chia thành 3 gói thầu và tiến hành các thủ tục lựa chọn 3 nhà thầu mới có năng lực cùng tham gia để tiếp tục triển khai thi công.
Sau khi NTTQ gửi Đơn kiện Công ty VSH lên VIAC đề nghị phân xử các nội dung liên quan đến việc chấm dứt Hợp đồng, Công ty VSH cũng đã có Hồ sơ tự bảo vệ và Đơn gửi VIAC đề nghị phân xử về việc NTTQ vi phạm Hợp đồng.
Để chuẩn bị tranh tụng trong vụ kiện, Công ty VSH đã ký hợp đồng dịch vụ tư vấn pháp lý với các công ty Tư vấn luật của Việt Nam và quốc tế. Theo thời gian biểu tranh tụng đã thống nhất với VIAC, phiên tranh tụng đã được VIAC thống nhất lùi đến ngày 20/4/2017, dự kiến giữa năm 2017 mới có kết quả phán quyết của Hội đồng Trọng tài.
Theo đánh giá chung của Chính phủ, việc xử lý vụ kiện về chấm dứt Hợp đồng với NTTQ là phức tạp và còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Theo thời gian biểu tranh tụng đã thống nhất với VIAC, vấn đề này có thể sẽ ảnh hưởng đến tiến độ, hiệu quả của dự án.
Theo những thông tin trước đó, dự án Thủy điện Thượng Kon Tum là dự án được khởi công cuối tháng 9/2009 với giá trị phê duyệt 5.744 tỷ đồng nhưng đã chậm tiến độ so với tiến độ được phê duyệt và phải điều chỉnh tổng mức đầu tư.
ĐHCĐ thường niên 2015 của VSH đã thông qua chủ trương điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án từ mức 5.744 tỷ đồng lên 7.104 tỷ đồng. Chi phí phụ trội trực tiếp do Hoa Đông chậm tiến độ là 139,4 tỷ đồng. Chi phí xây dựng được điều chỉnh tăng mạnh nhất (gần 1.332 tỷ đồng) do thay đổi biện pháp thi công, hậu quả gián tiếp của việc nhà thầu Trung Quốc ngừng thi công. VSH đã chọn các nhà thầu Việt thay thế nhà thầu Hoa Đông theo hình thức chỉ định thầu.
Trả lời trên báo chí hồi giữa năm nay, ông Võ Thành Trung, Chủ tịch HĐQT VSH cho biết nguyên nhân chính của việc chậm tiến độ thi công công trình là do nhà thầu thi công chậm trễ nghiêm trọng.
Trước đây, để thắng thầu gói thầu tuyến năng lượng tại Dự án Thủy điện Thượng Kon Tum, nhà thầu Trung Quốc đã bỏ giá 1.615 tỷ đồng (sau quy đổi) - chỉ bằng 44,7% giá dự thầu của nhà thầu xếp thứ 2. Nhưng trong quá trình thực hiện, công tác tổ chức điều hành thi công của nhà thầu này không tốt, thiết bị phụ tùng dự phòng cho thi công thiếu, đội ngũ công nhân quản lý vận hành máy móc thiếu kinh nghiệm… đã dẫn đến hậu quả nói trên.
Không chỉ vậy, trong quá trình thi công, nhà thầu đã lợi dụng một số khó khăn xảy ra trên công trường như sự cố điện, tắc đường mùa mưa bão, nước ngầm trong đường hầm… để nâng khống giá trị khối lượng bổ sung, phát sinh (gọi là bồi thường) lên đến hơn 800 tỷ đồng.
Trên thực tế, liên quan tới dự án này, nửa cuối tháng 11/2014, VSH đã có đơn phản tố gửi VIAC đòi nhà thầu bồi thường thiệt hại do thi công chậm tiến độ với số tiền là 1.327 tỷ đồng. Sau thời gian dài căng thẳng, nhà thầu không chịu hợp tác, đến 17/9/2015 Hoa Đông đã rút hết lực lượng lao động ra khỏi công trường.
Theo Dân Trí