|
Toàn cảnh buổi làm việc giữa tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ với lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh vào chiều ngày 16/12. |
Báo cáo với Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng (Tổ trưởng tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về việc chấp hành nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao cho tỉnh thực hiện từ ngày 1/1/2016 đến 5/12/2016), Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Ngọc Sơn báo cáo, qua hai trận lũ lịch sử năm 2010 và 2016 vừa qua, thủy điện Hố Hô đã gây nhiều thiệt hại nặng nề cho nhân dân, địa phương.
Nguyên nhân chính theo vị Phó Chủ tịch tỉnh này là hàng loạt yếu kém vẫn chưa được chủ đầu tư nhà máy khắc phục, bao gồm thiếu hệ thống quan trắc tự động từ ngay ở vùng thượng lưu để bảo đảm việc điều tiết nước một cách chủ động, đặc biệt quá trình vận hành, điều tiết xả lũ không chấp hành nghiêm quy trình được cấp phép, không thông báo kịp thời khiến người dân không kịp trở tay.
Ông Sơn đề nghị Bộ Công thương đánh giá lại toàn diện hiệu quả của dự án thủy điện này; trước mắt khi thủy điện Hố Hô chưa hoàn thiện được các vấn đề, bộ ngành trung ương, tỉnh yêu cầu, thì Chính phủ xem xét cấp kinh phí triển khai dự án tái định cư cho bà con bị ngập sâu.
|
Thủy điện Hố Hô nhiều lần bị lên án là xả lũ không tuân thủ quy trình, khiến người dân rốn lũ Hương Khê không kịp trở tay. |
Là người nhiều lần trực tiếp thị sát việc xả lũ của nhà máy thủy điện Hố Hô, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Lê Đình Sơn gay gắt chỉ ra những tồn tại không dễ khắc phục của nhà máy thủy điện Hố Hô, như không có tràn chảy nước tự do, hồ không có ổ bụng tích trữ được nhiều nước, không có quan trắc trên thượng lưu, không có báo động ở dưới hạ du. Đấy là lý do theo ông Sơn, thủy điện Hố Hô luôn bị động khi có mưa lũ.
“Báo cáo với Bộ trưởng và các đồng chí trong đoàn, thủy điện Hố Hô toàn "nóng tay bắt lỗ tai". Nước đổ vô phải xả gấp, vì không xả thì vỡ hồ" - ông Sơn nói.
Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Công thương yêu cầu chủ đầu tư nhà máy Hố Hô phải có quan trắc thượng lưu, hạ du, phải có bản đồ ngập lụt và phải có báo động, có diễn tập. Vận hành hồ này một cách thận trọng, phải rút kinh nghiệm ngay việc điều hành xả lũ.
Thậm chí, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh đặt ra câu hỏi về sự tồn tại của thủy điện Hố Hô và đề nghị đại diện Bộ Công Thương tính toán kỹ vấn đề này. “Thủy điện Hố Hô dù đã xây ra rồi thì vẫn phải xem có để tồn tại hay không và điều này Bộ Công Thương nên tính, vì cái khó cho Hà Tĩnh là Nhà máy thủy điện Hố Hô nằm trên đất Quảng Bình, nhưng nước thì đổ về Hà Tĩnh”- ông Sơn kiến nghị.
|
Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh kiến nghị Bộ Công Thương xem xét, tính toán kỹ có nên để thủy điện Hố Hô tồn tại hay không? |
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cùng đại diện Bộ Công Thương ghi nhận những ý kiến phản ánh của lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh, đồng thời cho biết, những vấn đề mà tỉnh Hà Tĩnh nêu ra sẽ được tổ công tác báo cáo đầy đủ trong cuộc làm việc trực tiếp tới đây với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Trước đó, trong tháng 11/2016, Thanh tra Bộ TN&MT ra quyết định xử phạt Nhà máy thủy điện Hố Hô với tổng số tiền 115,5 triệu đồng. Lý do, Nhà máy thủy điện Hố Hô có năm vi phạm là: không xây dựng kế hoạch điều tiết nước hàng năm của hồ chứa theo quy định; không thực hiện chế độ thông báo, báo cáo liên quan đến vận hành công trình; thực hiện không đúng quy định về quan trắc, giám sát tài nguyên nước; không thực hiện vận hành hồ đảm bảo dòng chảy tối thiểu sau công trình; không thực hiện chế độ báo cáo về kết quả khai thác, sử dụng tài nguyên nước cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Theo Dân Trí