Startup - Nhà đầu tư: Cần vạch rõ "luật chơi"

Thứ tư, 28/12/2016, 10:21
Các doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) thường phải đối mặt rất nhiều vấn đề về quản trị, trong khi họ chưa có kinh nghiệm để xử lý. Đặc biệt, họ thường chỉ tập trung vào thị trường và doanh số.

Tuy nhiên, để có những bước đi vững chắc, hạn chế rủi ro trước, trong và sau khi huy động vốn từ nhà đầu tư (NĐT), Startup cần nắm những vấn đề pháp lý cơ bản trong “cuộc chơi” này.

Từ kinh nghiệm tư vấn thực tế, theo tôi, những vấn đề pháp lý startup thường gặp phải bao gồm: tư cách pháp lý các bên, quyền sở hữu và điều hành, tiến độ giải ngân, chống pha loãng đầu tư, thứ tự ưu tiên thoái vốn, định giá vào từng thời điểm, cam kết sáng lập viên, giới hạn quyền của NĐT, quyền tiếp cận thông tin, sở hữu trí tuệ, bảo mật thông tin, tranh chấp và xung đột...

“Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”. Các startup phải biết rõ tính pháp lý của những tài sản mà mình chuẩn bị nắm giữ, được sở hữu đến đâu, tỷ lệ sở hữu như thế nào, các quy định được lưu trong sổ cổ đông hay văn bản pháp lý, giấy phép và điều lệ. Startup phải tự hiểu rõ bản chất pháp lý nội bộ của mình, đây là cách bảo vệ tốt nhất trước khi tham gia vào cuộc chơi với các nhà đầu tư.

Một trong những cách nhanh nhất để phát triển nguồn lực là tiếp nhận nguồn vốn đầu tư từ các tổ chức, cá nhân. Những người sáng lập nên rõ ràng ngay từ đầu về các điều khoản hợp tác, phương thức hợp tác. Có như vậy mới có thể giải quyết ổn thỏa khi công ty có sự cố hoặc khi công ty bắt đầu “ăn nên làm ra”.

Có rất nhiều doanh nhân hợp tác kinh doanh mà không thành lập doanh nghiệp (DN), đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ, chờ khi có NĐT rót vốn mới quan tâm đến việc hình thành pháp nhân. Dưới góc độ pháp lý, những giao kết sơ sài ban đầu dưới hình thức thỏa thuận dân sự của các sáng lập viên là lỗ hổng để tranh chấp dễ dàng xảy ra sau này.

Các tranh chấp liên quan đến xung đột cổ đông, chủ sở hữu thường xuất hiện khi dự án đã ổn định, mang lại doanh thu cao, do các bên không kiểm soát các vướng mắc ngay từ đầu. Để tránh tình trạng này, các thành viên sáng lập cần có những thỏa thuận cổ đông hay thỏa thuận thành viên rõ ràng ngay khi thành lập DN và đưa vào điều lệ công ty.

Nghĩa vụ thuế được căn cứ trên ba nguyên tắc: chính xác, đầy đủ và đúng thời hạn. Việc tiếp nhận những khoản vốn đầu tư lớn nhưng không tuân thủ quá trình kê khai, báo cáo, đóng thuế có thể đưa startup vào những rủi ro không đáng có, gây thiệt hại và bị cơ quan nhà nước xử lý.

Liên quan đến pháp lý về quyền sở hữu trí tuệ, các ý tưởng về sản phẩm, dịch vụ độc đáo và khác biệt cần phải được đăng ký bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ ngay khi triển khai dự ánhoặc ngay sau khi thành lập DN. Bảo vệ “đứa con đẻ” của mình là vấn đề được các startup đặc biệt chú trọng, với mong muốn tách bạch giữa sự sáng tạo và vấn đề tài chính.

Về lộ trình nhận vốn đầu tư, cần phải phác thảo, thương thảo ngay từ đầu, phân rất rõ giới hạn của chủ đầu tư đến đâu? Cổ đông sáng lập được giới hạn quyền sở hữu, góp vốn như thế nào? Cũng cần hiểu rõ NĐT của mình để biết nguồn tiền đầu tư là hợp pháp, tránh sự tiếp nhận “dễ dàng”.

Các dự án startup Việt Nam hiện tại thường có quy mô nhỏ hơn so với mặt bằng chung của khu vực, họ thường chấp thuận các cơ chế cấp vốn mà nhà đầu tư đề xuất. Hay nói cách khác, trong quan hệ giao dịch này, thông thường, nhà đầu tư ở “cửa trên” và các startup ở “cửa dưới”. Tuy nhiên, luôn cẩn trọng và đừng để vấn đề “tiền bạc” làm mờ đi sự hiện diện của các rủi ro pháp lý.

Tại Việt Nam chưa có quy định riêng biệt cho việc đầu tư vốn vào các dự án khởi nghiệpnên cơ chế sẽ theo các quy định chung. Trong trường hợp startup chỉ là nhóm cá nhân hoặc cá nhân (không thành lập DN), việc đầu tư theo cơ chế góp vốn và phân chia lợi ích theo quy định của Luật Dân sự. Nếu theo cơ chế hình thành DN thì nhà đầu tư mua phần vốn góp hoặc cổ phần theo Luật Doanh nghiệp, nếu vốn đầu tư từ nước ngoài thì theo cơ chế của Luật Đầu tư.

Để phòng ngừa rủi ro, nguyên tắc chung là những gì chưa rõ thì nhờ chuyên gia. Chuyên gia ở đây không nhất thiết phải là luật sư mà có thể là những cố vấn chiến lược về vốn, những người có kinh nghiệm hay những startup đã từng thất bại. Những cố vấn, luật sư, chuyên gia đều là nguồn hỗ trợ tốt, giúp startup có được sự phát triển bền vững và thiết lập cuộc chơi công bằng hơn với NĐT.

10 Lưu ý pháp lý khi khởi nghiệp

1. Thẩm định nhà đầu tư kỹ. Cần thẩm định nhà đầu tư rất kỹ về năng lực tài chính, uy tín... kể cả điều tra dân sự về nhà đầu tư, người đại diện và thể hiện các cam kết của nhà đầu tư bằng văn bản cụ thể.

2. Điều khoản đầu tư rõ ràng. Quan tâm chi tiết từng điều khoản hợp đồng khi đàm phán.

3. Biết rõ giới hạn sở hữu, điều hành. Cần dự liệu quyền sở hữu và điều hành sau khi nhận vốn cho từng giai đoạn phát triển.

4. Xác lập quyền sở hữu trí tuệ. Cần thực hiện trước khi nhận vốn và thỏa thuận rõ về quyền tài sản này sau khi nhận vốn.

5. Cẩn trọng trong việc công bố thông tin. Công bố rộng rãi thông tin với truyền thông để tránh rắc rối về thuế, đối thủ cạnh tranh, chủ nợ...

6. Định rõ chi phí. Thỏa thuận rõ về số vốn được nhận, đó là số vốn mà những người sáng lập nhận hay vốn để kinh doanh; các khoản chi phí như thuế, phí môi giới, luật sư ... bên nào phải chịu hay trích từ số vốn đầu tư.

7. Biết rõ các quy định về tài chính doanh nghiệp. Việc chuyển tiền ra vào tài khoản, đóng thuế, vốn của nhà đầu tư... cần thực hiện đúng luật.

8. Thoái vốn an toàn. Cần thỏa thuận về việc thoái vốn ngay tại giai đoạn đàm phán, các trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng. Đừng ngại đề cập về các nghĩa vụ của các bên nếu có rủi ro khi thoái vốn.

9. Đầu tư không tranh chấp. Thỏa thuận thống nhất ngay từ giai đoạn đàm phán đến khi có xung đột hoặc thoái vốn, kể cả khi chấm dứt đầu tư/chấm dứt hợp tác thì vẫn bảo vệ uy tín cho nhau.

10. Chuẩn hóa các hồ sơ, thủ tục pháp lý. Các giai đoạn trước-trong-sau khi nhận vốn đầu tư cần phải rõ ràng và chuẩn hóa bằng văn bản pháp lý, bao gồm hồ sơ pháp lý với cơ quan chức năng và nội bộ.

Theo DNSG

Các tin cũ hơn