Muốn khởi nghiệp trước tiên phải hiểu đúng khởi nghiệp như thế nào? Ở Việt Nam, khởi nghiệp vẫn thường được nhắc đến như việc người trẻ bắt tay vào kinh doanh một điều gì đó, trước mắt là vì mục tiêu kiếm được một khoản tài chính kha khá lo cho bản thân. Những mô hình khởi nghiệp như mở chuỗi cà phê hay thương mại điện tử được nhân rộng quá nhiều, ý tưởng na ná nhau cũng nhiều nhưng giá trị cho cộng đồng vẫn còn hạn chế.
Công nghiệp phụ trợ là bệ phóng tốt cho khởi nghiệp. Ảnh minh họa: DNSG |
Đại diện một doanh nghiệp trẻ cho rằng: “Khái niệm khởi nghiệp cần phải có những tiêu chí nhất định. Doanh nghiệp phải có mô hình mới, mà cụ thể là sản phẩm mới, dịch vụ mới có giá trị gia tăng chứ loanh quanh với các hình thức chuỗi cà phê, quán ăn thì chỉ tốn nguồn lực đầu tư mà giá trị không nhiều. Điều tiếp theo chính là tính phù hợp và tính bền vững. Nếu có ý tưởng mà không đủ lực nên bán lại cho các doanh nghiệp lớn phát triển, cho đỡ lãng phí.”
Tuy nhiên cũng có doanh nghiệp cho rằng, khởi nghiệp không hẳn là tạo ra những cái mới hoàn toàn. Điển hình như khởi nghiệp cách đây 20 năm đa phần từ sản xuất, mà thời điểm đó nhu cầu hàng tiêu dùng lớn nên hầu hết là thành công. Hoặc những cái cũ của nước ngoài có thể trở thành cái mới của Việt Nam. Đặc biệt, trong bối cảnh công nghiệp hóa hiện nay, công nghiệp phụ trợ là lực đẩy tốt cho khởi nghiệp.
Ông Trần Việt Anh, Hội viên vàng của Hiệp hội Doanh nhân trẻ TP.HCM kiến nghị: “Các bạn trẻ khởi nghiệp nên được định hướng khởi nghiệp gắn liền công nghiệp phụ trợ. Đã có rất nhiều doanh nghiệp thành công từ những sản phẩm chi tiết. Hãy xem khởi nghiệp và công nghiệp phụ trợ như một cánh cửa để tất cả các cá nhân khởi nghiệp bước vào và khám phá”.
Ông Việt Anh khuyến cáo, thực tế, cứ 100 doanh nhân trẻ thì chỉ có một vài doanh nghiệp thật sự thành công. Do đó, các Hiệp hội doanh nghiệp nên tổng hợp các thất bại của doanh nghiệp để các người trẻ ý thức được những gì mình nên và không nên làm khi khởi nghiệp... Từ đó tránh để các bạn trẻ phấn khích quá mức, tạo nên một “phong trào khởi nghiệp” phi thực tế, thiếu giá trị gia tăng cho cộng đồng.
Sau khi lắng nghe các ý kiến đề xuất của cộng đồng doanh nhân trẻ, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho rằng, mục tiêu 500.000 doanh nghiệp khởi nghiệp đến 2020 của thành phố phụ thuộc rất nhiều vào tính bền vững của các doanh nghiệp khởi nghiệp.
Theo ông Phong, thành phố sẽ còn nhiều vấn đề phải giải quyết và các doanh nghiệp cần cải thiện sức cạnh tranh trong tương lai. Trong quá trình phát triển cộng đồng doanh nghiệp, thành phố sẽ phải tính đến những doanh nghiệp có sức cạnh tranh mạnh, thương hiệu mạnh chứ không chỉ nghĩ đến con số 500.000 doanh nghiệp là đủ. Một ví dụ là mới chỉ có 40 doanh nghiệp được một tạp chí xếp hạng là hàng đầu Việt Nam là quá ít.
“Thành phố cũng sẽ nỗ lực để có một quỹ phát triển công nghệ và thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo. Lãnh đạo thành phố đã tiếp nhận các kiến nghị của Hiệp hội Doanh nhân trẻ TP.HCM để hỗ trợ doanh nghiệp, đồng thời tiếp tục có những buổi gặp gỡ doanh nhân trẻ thường niên để đón nhận ý kiến đóng góp cải thiện môi trường kinh doanh”, Chủ tịch UBND TP.HCM nhấn mạnh.
Theo Zing