Bộ Công Thương áp thuế tự vệ để chặn thép giá rẻ Trung Quốc

Thứ ba, 19/07/2016, 10:28
Mức thuế suất tự vệ chính thức được áp dụng trong năm đầu tiên với mặt hàng phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam lần lượt là 23,3% và 15,4%.
Thép giá rẻ Trung Quốc ồ ạt nhập khẩu vào Việt Nam khiến doanh nghiệp sản xuất trong nước bị mất thị phần.

Sau thời gian áp thuế tự vệ tạm thời, Bộ Công Thương đã quyết định chính thức áp dụng biện pháp tự vệ với mặt hàng phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam từ nay tới hết tháng 3/2020.

Cụ thể, mặt hàng nhập khẩu bị áp dụng biện pháp tự vệ gồm phôi thép hợp kim và không hợp kim; các sản phẩm thép dài hợp kim và không hợp kim (gồm thép cuộn và thép thanh) nhập khẩu vào Việt Nam.

Mức thuế xuất nhập khẩu bổ sung đối với phôi thép nhập khẩu vào Việt Nam sẽ là 21,3% trong vòng một năm, từ 22/3/2017 đến 21/3/2018. Mức thuế này sẽ lần lượt giảm về 19,3% và 17,3% vào các năm tiếp theo và từ 22/3/2020 trở đi, thuế suất sẽ là 0%.

Đối với mặt hàng thép dài, thuế tự vệ chính thức năm đầu tiên sẽ là 15,4% kể từ ngày 2/8/2016. Từ 22/3/2017 đến 21/3/2018 mức thuế giảm về 13,9%; các năm tiếp theo thuế suất lần lượt là 12,4% và 10,9%. Nếu cơ quan quản lý không gia hạn thì mức thuế suất sẽ giảm về 0% từ 22/3/2020 trở đi.

Cơ sở để áp dụng biện pháp tự vệ được Bộ Công Thương viện dẫn là khối lượng phôi thép, thép dài nhập khẩu đã tăng mạnh cả về mặt tuyệt đối và tương đối trong thời gian gần đây. Trong khi các doanh nghiệp sản xuất 2 mặt hàng này trong nước hoàn toàn có khả năng đáp ứng một nửa nhu cầu của thị trường.

“Việc gia tăng nhập khẩu là nguyên nhân dẫn đến thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất trong nước, như giảm thị phần, công suất, doanh thu, lợi nhuận, tăng tồn kho… Cùng với đó, sự dư thừa công suất cũng như sản lượng thực tế kết hợp với lượng tồn kho lớn của các sản phẩm thép Trung Quốc được xem là 'những diễn biến khó lường' và là nguyên nhân gây gia tăng đột biến lượng phôi thép và thép dài nhập khẩu vào thị trường Việt Nam”, Bộ Công Thương đánh giá.

Cơ quan này cũng cho hay, sau khi biện pháp tự vệ chính thức có hiệu lực, Tổng cục Hải quan sẽ tiến hành thu thuế nhập khẩu bổ sung đối với hàng hóa thuộc đối tượng áp thuế.

Bắt đầu từ tháng 12/2015, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định 14296 về việc điều tra áp dụng biện pháp tự vệ đối với mặt hàng phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam từ nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ khác nhau. Sau đó 3 tháng, cơ quan này đã ban hành Quyết định 862 áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời đối với phôi thép là 23,3% và thép dài là 14,2% dưới dạng thuế nhập khẩu bổ sung.

Báo cáo từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho hay sản lượng tiêu thụ thép trong tháng 6 đạt hơn một triệu tấn, giảm gần 12% so với tháng 5. Theo ông Nguyễn Văn Sưa, Phó chủ tịch VSA, mức tiêu thụ thép dài xây dựng giảm 8,7% so cùng kỳ năm trước và giảm 18,4% so với tháng 5 do nhu cầu giảm theo vụ mùa và các nhà thương mại giảm tối đa hàng tồn khi để giảm thiểu rủi ro trong xu hướng giá giảm nhanh.

Trong tháng 6, giá nguyên vật liệu cũng đã giảm 15​-20 USD một tấn cho thép phế và phôi, đồng thời, giá bán thép thành phẩm giảm mạnh từ 800.000 đến một triệu đồng mỗi tấn do cạnh tranh về thị phần rất khốc liệt.

Hiện giá bán thực tế tại nguồn (chưa tính VAT, giao tại nhà máy, trừ chiết khấu tối đa) tùy theo quy cách, chủng loại sản phẩm, tùy theo nhà sản xuất với thép cây thông dụng phổ biến ở mức 9,3​-9,7 triệu đồng một tấn; thép cuộn 9,3-9,9 triệu đồng một tấn…

Theo VNE

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích