Đây là những quy định đặc biệt ở khu chợ tự phát trên địa bàn phường La Khê, quận Hà Đông, Hà Nội.
Nộp hàng chục triệu đồng để có chỗ ngồi bán hàng
Nhiều năm nay, người dân tổ 4, phường La Khê đã tự thích nghi với sự tồn tại của một khu chợ tạm – nơi trước đây chỉ là một bãi đất trống bỏ không.
Ban đầu, một số người dân dựng lều, lán để bán các mặt hàng thực phẩm, rau quả… Về sau, thấy khu đất có diện tích rộng hàng chục nghìn mét vuông, lại có vị trí nằm gần cầu La Khê nên rất đông tiểu thương, hộ kinh doanh nhỏ lẻ lui tới đây buôn bán.
Chợ chỉ hoạt động từ nửa đêm cho tới khi trời sáng nhìn rõ mặt người thì tan chợ.
Cảnh giết mổ gà, vịt tại khu chợ tự phát La Khê (quận Hà Đông, Hà Nội). Ảnh chụp rạng sáng 17/7. Ảnh T.G |
Theo quan sát của chúng tôi, chợ được thiết kế thành các dãy ki-ốt dài thẳng tắp, nằm so le nhau với hàng trăm gian hàng. Tại đây, được chia làm 3 phân khu riêng biệt: Khu chuyên bán thủy, hải sản; khu bán gia cầm, thủy cầm và khu sơ chế giết mổ gia cầm.
Qua ước tính của các tiểu thương, mỗi ngày chợ tiêu thụ và cung ứng ra thị trường cả trăm tấn thực phẩm tươi sống, số lượng gia cầm được giết thịt cũng lên tới hàng vạn con…
Không thể dẹp bỏ ngay
Trao đổi với PV Báo GĐ&XH, ông Nguyễn Hữu Hiển, Chủ tịch UBND phường La Khê cho biết: “Chúng tôi biết sự hoạt động của chợ tự phát La Khê từ lâu, phương án di dời chợ đã được tính đến, tuy nhiên để dẹp bỏ thì cần phải thực hiện theo lộ trình.
Thực tế cho thấy, chợ La Khê cũng đã giải quyết việc làm và tạo thu nhập cho hàng trăm người dân tại địa phương. Chính vì thế, phường cũng kiến nghị lên UBND quận Hà Đông sớm xem xét để phê duyệt quy hoạch chợ đầu mối Văn Khê. Từ đó, tạo điều kiện để cho các hộ có cơ hội kinh doanh, tiêu thụ nông sản phục vụ người dân”.
“Số tiền này chúng tôi nộp trực tiếp cho tổ quản lý chợ và không có giấy tờ hóa đơn gì. Nếu trường hợp quản lý chợ yêu cầu di chuyển thì tiểu thương lại phải đóng mới số tiền mà không được hoàn trả số tiền trước đó đã nộp. Ngoài ra, mỗi tháng, chúng tôi còn phải đóng khoảng 4 triệu đồng tiền vé chợ, điện nước và trông xe”, anh T. tâm sự(?!).
Cũng theo người đàn ông này, dù đã gắn bó với khu chợ đầu mối gần 4 năm nay, và đã phải nộp “thuế chỗ ngồi” lên tới hàng trăm triệu, cũng từng ba lần “bị chuyển chỗ”, thế nhưng gia đình anh vẫn chấp nhận bám chợ bởi nhu cầu mua bán tại chợ khá mạnh.
Theo nhẩm tính, mỗi ngày anh T. tiêu thụ trực tiếp tại chợ khoảng 5-6 tạ gà lông sống...
Cấm quay phim, chụp ảnh(?!)
Tại khu buôn bán hải sản rộng chừng 100m2 có tới hàng chục thùng xốp đựng mực ống của tiểu thương, mỗi thùng khoảng 40-50kg. Người đàn ông tên C. giới thiệu: “Loại mực to 4-5 con/kg bình thường bán 60.000 - 70.000 đồng/kg, nếu lấy nhiều thì rẻ hơn. Nếu lấy loại mực nhỏ hơn thì 40.000 - 50.000 đồng /kg. Các anh mà mua về cho nhà hàng, quán ăn kinh doanh thì lấy luôn đi, chỉ một lúc sau quay lại là hết hàng đấy”.
Thấy mực ở đây được bán với giá khá rẻ, chúng tôi tỏ ý thắc mắc thì anh C. giải thích: “Tôi có nguồn hàng lấy vào rẻ nên bán với giá mềm như vậy. Còn bình thường chú đi mua loại mực tươi như thế này thì giá cũng trên 180.000 đồng/kg”.
Theo ước tính của các tiểu thương, mỗi ngày chợ tạm La Khê tiêu thụ cả trăm tấn gia cầm với hàng vạn con. |
Đặc biệt, khi phóng viên rút điện thoại ra chụp ảnh thì lập tức một nhân viên trong chợ đi tới và nói: “Xin phép, chợ này không được chụp ảnh, ghi hình”. Theo tiết lộ của một tiểu thương tên H. có thâm niên buôn bán cá ở khu chợ đầu mối tự phát La Khê, khu chợ này tự phát nên không muốn ai nhòm ngó đến.
Người lạ vào chợ sẽ được cho là những đối tượng đặc biệt, cần phải theo dõi sát sao nhất cử nhất động từ khi bước chân vào đến khi bước chân ra khỏi chợ. Đặc biệt, cấm mọi hoạt động quay phim, chụp ảnh…
Quản lý theo cách “thiết quân luật”(?)
Vì chưa được cấp phép hoạt động do đang chờ quy hoạch của chính quyền, nhưng nhiều tiểu thương khi đến buôn bán ở chợ đầu mối La Khê này tỏ ra khá an tâm bởi những quy định do quản lý chợ đặt ra như “Luật bất thành văn”.
Cụ thể, đi vệ sinh không đúng nơi quy định sẽ bị phạt 500.000 đồng, đồng thời phải dọn dẹp sạch sẽ, xả rác, túi nilon tại nơi bán hàng cũng bị phạt nặng, có thể đình chỉ bán hàng 1 tuần. Người mua kẻ bán ở chợ mà cãi nhau thì phạt người mua 500.000 đồng, cấm cửa không cho tới chợ, còn người bán bị phạt 2 triệu đồng và “đình chỉ” bán hàng trong vòng một tuần.
Ngoài ra, mỗi ki-ốt nộp cho ban quản lý khoảng 10.000 đồng/đêm để được sử dụng nước sạch thoải mái. Cứ mỗi lần giết, mổ xong phải ngay lập tức rửa sạch quầy hàng.
Chỉ vài giờ sau khi tan chợ, nhiều khu buôn bán đã được dọn dẹp sạch sẽ. |
Vì khu chợ đầu mối này chỉ họp từ 0h - 7h sáng hàng ngày, với nườm nượp hàng nghìn xe cộ của tiểu thương ra vào chợ cùng hàng hóa cồng kềnh, nên bảo vệ chợ có tới hàng chục người thường xuyên đứng chốt ở đầu 4 cổng ra vào. Mỗi cổng bố trí 2 – 3 bảo vệ có nhiệm vụ ghi vé, hướng dẫn người đến để xe vào đúng chỗ quy định và không quên nhắc nhở:
Nếu để không thẳng hàng lối hay quên khóa, mất vé xe sẽ bị phạt nặng. Đã quá quen với câu cảnh báo này nên hầu hết các tiểu thương đều chấp hành răm rắp mà không một lời kêu ca gì cả.
Chị Khánh (46 tuổi) ở Hoài Đức, chuyên đến lấy buôn cá tươi ở đây về chợ địa phương bán cho hay: “Đến đây mua hàng phải tuyệt đối cẩn thận, đừng có to tiếng hay làm gì đó để bảo vệ chợ nhắc nhở. Không khéo là bị phạt ngay.
Trước tôi cũng để quên cái chìa khóa cắm ở xe, bị bảo vệ phát hiện và yêu cầu nộp phạt 200.000 đồng mới được trả lại chìa khóa xe. Chưa hết, bất cứ khách hàng nào tới chợ thì đều phải cởi bỏ khẩu trang, mũ bảo hiểm và để xe gọn vào một dãy cố định. Không có tình trạng chen lấn, đi xe đạp xe máy lộn xộn trong chợ. Đặc biệt, do chợ có lắp hệ thống camera giám sát nên tình trạng trộm cắp ở đây theo các tiểu thương là hầu như không có.
Chợ tự phát nên không cần kiểm dịch?
Theo ghi nhận của phóng viên, giá cả các mặt hàng thực phẩm, hải sản ở chợ tự phát La Khê rẻ hơn so với các khu chợ đầu mối khác. Đối với vịt sống, giá dao động 30.000 – 35.000 đồng/kg. Gà ta thả vườn giá 70.000 – 80.000 đồng/kg. Ước tính, mỗi ngày chợ La Khê này tiêu thụ cả trăm tấn gia cầm với hàng vạn con.
Tương tự, các mặt hàng hải sản rẻ hơn rất nhiều so với chợ Hà Đông, chợ Phùng Khoang (Thanh Xuân). Vì yếu tố giá rẻ nên đã thu hút rất đông người bán buôn, bán lẻ đến đây. Kể cả một số nhà hàng, quán ăn quanh khu vực cũng trực tiếp đến chợ mua cho rẻ.
Đáng lưu ý, khi chúng tôi hỏi về nguồn gốc hàng hóa và sự kiểm dịch của cơ quan chức năng thì chỉ nhận được những cái lắc đầu của tiểu thương.
“Vì đây là chợ tự phát nên thực phẩm mua bán tự do, không cần qua kiểm dịch. Trước đây, tôi bán được 8 tạ gà lông sống/ngày, thế nhưng gần đây do lượng gà, vịt từ Trung Quốc tràn sang quá nhiều nên bây giờ tôi chỉ bán được khoảng 5 tạ, chủ yếu là bán buôn cho người quen”, anh T. - một tiểu thương chuyên kinh doanh gà lông sống tại chợ tạm La Khê từ năm 2012 chia sẻ.
Theo Zing