Ngân hàng 'lơ' đăng ký giao dịch chứng khoán

Thứ ba, 27/12/2016, 14:37
Trong số 30 ngân hàng thương mại cổ phần hiện nay, chỉ mới 9 nhà băng niêm yết cổ phiếu trên sàn giao dịch chứng khoán và 2 đơn vị đăng ký lưu ký chứng khoán tại VSD.

Sau 2 năm từ khi BIDV niêm yết cổ phiếu, đến nay sàn chứng khoán chưa chào đón thêm tân binh nào từ ngành ngân hàng. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã nhiều lần đốc thúc các tổ chức tín dụng niêm yết để tăng tính minh bạch, nhưng mới chỉ có Techcombank và VIB đăng ký lưu ký chứng khoán tại Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD).

4/9 cổ phiếu ngân hàng giao dịch dưới mệnh giá

Họp đại hội cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên đầu năm, phần lớn hội đồng quản trị các ngân hàng đưa ra lý do chậm lên sàn là chưa đến thời điểm thích hợp để niêm yết cổ phiếu, nếu niêm yết thì giá sẽ thấp và không đảm bảo quyền lợi của cổ đông.

Lý giải này có phần đúng khi thực tế giá cổ phiếu các ngân hàng đang niêm yết trên sàn chứng khoán đều thuộc hàng thấp so với mặt bằng chung của thị trường.

Hiện chỉ có cổ phiếu VCB của Vietcombank được thị trường đón nhận tích cực, với mức 34.000-36.000 đồng/cổ phiếu, còn lại phần lớn đang giao dịch ở mức giá khá thấp. Cổ phiếu BIDV và Vietinbank cũng chỉ có giá trên dưới 15.000 đồng/cổ phiếu.

Trong số 9 ngân hàng niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán có tới 4 cổ phiếu đang giao dịch dưới mệnh giá, là cổ phiếu STB của Sacombank; EIB của Eximbank; SHB của Ngân hàng SHB và cổ phiếu NVB của Ngân hàng NCB.

Trong khi giá cổ phiếu STB và EIB giao dịch quanh mức 9.000 đồng/cổ phiếu, thì cổ phiếu SHB và NVB đang ngụp lặn dưới mức 5.000 đồng/cổ phiếu.

Năm 2016 ghi nhận cả 9 mã cổ phiếu ngân hàng đều giảm. Mức giảm thấp nhất là mã MBB của MBBank giảm 6%, cao nhất là mã STB của Sacombank giảm tới 40%.

Giá 9 mã cổ phiếu của 9 ngân hàng niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán ngày 26/12. Đồ hoạ: Quang Thắng.

Theo giới chuyên gia, nguyên nhân cổ phiếu ngân hàng không được thị trường chào đón là từ tính nội tại của chính ngân hàng. Những năm gần đây, hoạt động nhiều ngân hàng không hiệu quả, lợi nhuận cũng không được như trước đây. Chỉ một số ngân hàng có lãi, còn lại phần lớn lãi rất ít, thậm chí lợi nhuận âm.

Sau giai đoạn suy thoái thì nợ xấu tại các ngân hàng cũng tăng rất cao. Điều này khiến cổ phiếu, cổ phần ngân hàng không mang lại nhiều giá trị như trước, dẫn tới nhà đầu tư không còn mặn mà.

4 ngày trước ‘giờ G’

Theo Thông tư 180 của Bộ Tài chính, các ngân hàng hiện chưa niêm yết trên sở giao dịch chứng khoán phải đăng ký giao dịch trên UPCoM trong năm nay.

Chỉ còn 4 ngày nữa là hạn chót của Thông tư 180, nhưng mới chỉ có 2 ngân hàng là Techcombank và VIB đăng ký lưu ký chứng khoán tại VSD và được cấp mã chứng khoán. Những ngân hàng khác chưa hề có động thái cho thấy sẽ tiến hành niêm yết trên sàn chứng khoán hay đăng ký giao dịch trên UPCoM.

Techcombank và VIB là 2 ngân hàng mới nhất được VSD chấp nhận lưu ký chứng khoán và cấp mã chứng khoán trong năm nay.

Trước đó, HĐQT của VPBank và OCB đều thống nhất không đăng ký giao dịch trên UPCoM mà niêm yết cổ phiếu thẳng lên sàn HNX hoặc HOSE. Nhưng đến nay, trong khi VPBank vẫn đang lấy ý kiến cổ đông về hình thức lưu ký chứng khoán thì OCB "im hơi lặng tiếng".

Trao đổi với Zing.vn, ông Cao Sỹ Kiêm – nguyên Thống đốc NHNN cho biết về nguyên tắc hoạt động của ngân hàng là phải minh bạch tài chính. Chỉ có niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán thì tình hình ngân hàng mới minh bạch.

Việc niêm yết cổ phiếu trên sàn giao dịch đòi hỏi ngân hàng phải có số liệu chuẩn xác, kinh doanh lỗ lãi đầy đủ và đã lên sàn là phải giữ trách nhiệm với khách hàng, cũng như nhà đầu tư.

“Ngân hàng muốn lên sàn chứng khoán phải có kiểm toán Nhà nước, hoặc cơ quan pháp lý Nhà nước công nhận số liệu, chứ không phải muốn lên là lên. Để khi xảy ra sự cố thì khách hàng còn có cơ sở đòi hỏi quyền lợi chính đáng của mình. Cơ quan kiểm toán đã cho ngân hàng lên sàn chính là cơ quan chịu trách nhiệm”, ông Kiêm chia sẻ.

Ông Kiêm cho rằng nhiều ngân hàng chưa lên sàn có thể do đang phải củng cố và làm sạch bảng cân đối kế toán, hoặc khắc phục những vấn đề tồn tại có thể ảnh hưởng tới việc lên sàn. Thực tiễn này, Bộ Tài chính và NHNN cần phải có hướng phân tích và xử lí cụ thể, nếu vẫn không chấp hành thì ngân hàng đang có vấn đề và cần phải xử lý.

Đánh giá về việc các ngân hàng niêm yết trên sàn chứng khoán sẽ tác động như thế nào tới quá trình tái cấu trúc hệ thống, nguyên Thống đốc NHNN cho biết các ngân hàng niêm yết sẽ giúp quá trình tái cấu trúc diễn ra chuẩn xác và đầy đủ hơn. Vì khi đó là sự đánh giá của thị trường, các ngân hàng yếu kém, ngân hàng nào cần phải củng cố chấn chỉnh sẽ được xác định chính xác hơn. Đối với các nhà đầu tư mua cổ phần, cổ phiếu của ngân hàng sẽ căn cứ vào đó xác định cụ thể ngân hàng nào chất lượng để đầu tư.

Theo Thông tư 180/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn về việc đăng ký giao dịch chứng khoán trên hệ thống giao dịch cho chứng khoán chưa niêm yết, các công ty đại chúng chưa niêm yết trên sở giao dịch chứng khoán phải thực hiện đăng ký giao dịch chứng khoán trên hệ thống UPCoM muộn nhất đến ngày 31/12/2016.

Tại Nghị định 145/2016/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/12, quy định xử phạt đối với hành vi không đăng ký giao dịch, niêm yết chứng khoán hoặc đăng ký giao dịch, niêm yết chứng khoán không đúng thời hạn có thể lên đến 400 triệu đồng.

Theo Zing

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích