Sân bay quốc tế Cần Thơ: “Chỉ đón cháu ngoại và cô dâu Việt về nước"

Thứ hai, 09/01/2017, 14:01
Đó là một trong những ví dụ điển hình về hiện trạng kinh tế - xã hội, cơ sở hạ tầng về logistics của khu vực ĐBSCL của ông Trần Hữu Hiệp – Uỷ viên chuyên trách kinh tế của Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ tại hội nghị thu hút đầu tư, kinh doanh lĩnh vực logistics tại ĐBSCL.

Sân bay quốc tế Cần Thơ

Hội nghị do Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ phối hợp với Bộ Công thương, Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) tổ chức sáng nay (ngày 9.1) tại TP.Cần Thơ.

Theo ông Hiệp, sân bay Cần Thơ cũng là một sân bay quốc tế nhưng cũng còn nhiều hạn chế trong khai thác. “Nói là quốc tế nhưng chỉ khi Tết mới rước cháu ngoại và cô dâu Việt về nước thôi. Vấn đề này đặt ra nhiều suy nghĩ về phát triển logistics của vùng ĐBSCL” – ông Hiệp nói.

Báo cáo của Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ tại hội nghị cũng khẳng định, ngoài cảng hàng không, hạ tầng và dịch vụ logistics khác của vùng cũng còn yếu kém, nhất là vận tải đường thuỷ. Từ đó khiến cho sản lượng hàng hoá của vùng qua các cảng hàng năm rất thấp, chỉ khoảng 20% (tương đương khoảng 9 triệu tấn/năm), còn lại 80% hàng hoá phải được tiếp chuyển đến các cảng khu vực miền Đông Nam Bộ bằng đường bộ.

Trong khi đó, chi phí vận chuyển còn quá cao, chiếm 20,9% tổng GDP (bình quân chi phí này của thế giới chỉ khoảng 14% GDP). Năng suất vận chuyển của vùng còn rất thấp, chủ yếu bằng xe tải. Một số nghiên cứu gần đây cho thấy 1/3 chuyến xe tải sau khi giao hàng thì quay về bằng xe không, gây sự lãng phí rất lớn.

ĐBSCL có 37 cảng nhưng đều có quy mô nhỏ, chưa khai thác hiệu quả vận tải container đường thuỷ

Ông Lê Duy Hiệp – Chủ tịch VLA thì thông tin, áp lực cấm tải cũng là một thách thức lớn, khiến chi phí vận chuyển của doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng tăng. Cũng theo Chủ tịch VLA, ĐBSCL đang gặp 3 thách thức lớn về “Thiên – Địa – Nhân”.

“Về thiên, vùng đang gặp phải tình hình hạn hán, xâm nhập mặn, thách thức về nguồn nước sông Mê Kông và thu hút đầu tư chưa nhiều. Về địa, có 37 cảng nhưng đều có quy mô nhỏ, chưa khai thác hiệu quả vận tải container đường thuỷ, chưa có quy hoạch trung tâm logistics để đóng vai trò kết nối lưu thông hàng hoá. Về nhân là thiếu đội ngũ nhân sự có chuyên môn, chất lượng nguồn nhân lực chuyên ngành logistics còn thiếu” - Chủ tịch VLA nói.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ - Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ cho biết, bản thân logistics là hoạt động có tính tối ưu, liên kết rất mạnh nhưng ở ĐBSCL, dịch vụ này chỉ là giai đoạn đầu của sự phát triển, vẫn còn rất phân tán mặc dù có tiềm năng, thế mạnh lớn. Vì vậy, cần phải đẩy mạnh đầu tư, có như vậy mới tăng cường khả năng cung ứng hàng hoá của vùng. Theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ thì ĐBSCL sẽ hình thành hai trung tâm logistics lớn, một là tại TP.HCM và hai là dự định ở TP.Cần Thơ.

“Tôi đề nghị TP.Cần Thơ, tỉnh Hậu Giang và các địa phương lân cận đăng ký phát triển dịch vụ logistics. Đồng thời, hy vọng sẽ thu hút được các nguồn lực mới, nhà đầu tư mới trong nước và nước ngoài cho sự phát triển của hệ thống logistics vùng ĐBSCL. Chúng ta nỗ lực đi theo hướng này, đây là yếu tố cần và đủ để thúc đẩy sự phát triển hơn nữa vùng ĐBSCL. Phía Ngân hàng Thế giới cũng đã có động thái tài trợ kinh phí nghiên cứu phát triển dịch vụ này ở ĐBSCL” – Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Theo Dân Việt

Các tin cũ hơn