|
Xếp hàng chờ làm thủ tục tại sân bay Tân Sơn Nhất |
Ngày 8-1, dù chưa phải cao điểm Tết nhưng hành khách nhiều thời điểm tại sân bay Tân Sơn Nhất đã rất đông. Hiện tượng hành khách phải xếp hàng dài chờ làm thủ tục khiến nhiều người mệt mỏi...
Vật vờ vì chậm, hủy chuyến...
10g ngày 8-1 tại sân bay Tân Sơn Nhất, hành khách nườm nượp. Tại nhà xe sân bay, dù có bốn quầy nhưng có thời điểm khách ra vào đông phải xếp hàng dài chờ vào gửi xe. Một số người không tìm được chỗ phải để xe giữa lối đi. Mất khoảng 15 phút, chúng tôi mới gửi được xe để vào sân bay.
Trong các sảnh chờ, theo ghi nhận, nhiều hành khách bị hủy chuyến hoặc đổi giờ bay phải quay về nhà. Vợ chồng ông Đ.V.H. (Q.8, TP.HCM) cùng cha mẹ đã hơn 70 tuổi ngồi tại ghế chờ ga đi D2. Ông H. cho biết chuyến bay từ TP.HCM đi Hà Nội trễ đến gần bốn tiếng. Mãi đến khi vào quầy làm thủ tục, nhân viên mới báo chuyến bay bị hủy.
Ngay lập tức, ông H. đặt sang chuyến bay mới của hãng hàng không giá rẻ khởi hành lúc 18g30. Vợ chồng ông H. nói ba mẹ về nhà, tối ra lại nhưng ông bà sợ đi đường mệt nên ngồi lại. Tuy nhiên sau đó tổng đài lại báo chuyến bay bị trễ, đến tận 21g30 mới cất cánh. Ông H. cho biết hai vé chuyến bay đầu ông mua chỉ có 2,9 triệu đồng.
Đến khi đổi sang mua vé mới, giá tăng lên 3,4 triệu đồng. Tuy vậy, hãng bay không có hỗ trợ cũng như bố trí chỗ nghỉ cho hành khách. “Chuyến bay hủy nhưng hãng bay không hề báo cho hành khách biết sớm để chủ động sắp xếp. Mua vé buổi sáng, cuối cùng bay đêm. Hai người già, ra tới nơi đã đến đêm không biết xoay xở sao...” - ông H. kể.
Cũng tại ghế chờ ga đến D2, ba mẹ con chị N.T.H. (TP.Huế) đi chuyến bay từ TP.HCM ra Huế nhưng chuyến bay cũng bị chậm. Dự tính khởi hành lúc 14g30, chuyến bay bị trễ một tiếng.
Khách đông, nhiều người đã phải đến trước 2-3 giờ để làm thủ tục càng khiến sân bay đông vào giờ cao điểm. Ngày 8-1, chị N.T.V. (Quảng Nam) cùng hai con từ 3 tháng đến 6 tuổi ra sân bay trước giờ bay hai tiếng. Chị V. cho hay phải xếp hàng tới hơn một giờ mới làm xong thủ tục. Tương tự, hai chị em bà D.T.H. (Bình Định) cũng đến sớm hơn giờ làm thủ tục ba tiếng.
Ảnh hưởng đến tour du lịch
Trong khi đó, việc chậm trễ chuyến bay ảnh hưởng đến việc sắp xếp lịch trình của các công ty du lịch. Ông Trần Thế Dũng - phó giám đốc Công ty du lịch Thế Hệ Trẻ (TP.HCM) - cho biết lịch trình toàn bộ các tour đều được công ty tính toán rất sát sao. Việc chuyến bay trễ có thể khiến nhiều khách không hài lòng. “Mỗi lần tổ chức tour dịp Tết, nghĩ đến chuyện bố trí chuyến bay bọn tôi run lắm” - ông Dũng nói.
Còn ông Lý Việt Cường - giám đốc Công ty du lịch Nam Phương (TP.HCM) - cũng nêu hiện đã có kế hoạch bay của các tour du lịch trong và ngoài Tết Âm lịch. Tuy nhiên, một số chuyến bay bị hủy hoặc trễ chuyến sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc điều hành, làm giảm chất lượng tour.
Theo ông Cường, ở các nước tình trạng hủy, hoãn chuyến bay cũng xảy ra nhưng không nhiều, hãng sẽ bố trí chỗ ở, bữa ăn miễn phí. Còn ở Việt Nam, các hãng hàng không thường né bằng “chiêu” 30 - 40 phút báo trễ một lần. Việc này gây tâm lý khó chịu, hoang mang cho khách. Ông Cường đề nghị các hãng cần phải thông báo đúng thời gian trễ để công ty dự liệu.
Trong khi đó, đại diện Jetstar Pacific nêu để tránh trễ chuyến của khách, hãng sẽ triển khai mô hình check-in di động mới. Cụ thể, đối với những hành khách kẹt tàu xe đến sát nút giờ chốt sổ chuyến bay thì lập tức sẽ có nhân viên tới tiến hành check-in trực tiếp cho khách lên máy bay kịp chuyến. Các nhân viên sẽ sử dụng máy in nhỏ đeo trên người để làm thủ tục, in thẻ máy bay trực tiếp cho khách.
|
Theo TTO