|
Ông Donald Trump phát biểu trong lễ nhậm chức Tổng thống Mỹ hôm 20/1. Ảnh:AFP |
Khi Donald Trump tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Mỹ hôm 20/1 ở Washington, thế giới bắt đầu cảm nhận được tầm nhìn "nước Mỹ trước tiên" ông theo đuổi sẽ tác động ra sao đến vai trò và vị thế Mỹ đối với trật tự toàn cầu. Mối lo lắng này thể hiện rõ ở Đông Nam Á, một khu vực được xem là trung tâm của các cuộc vận động quyền lực quan trọng, từ thời kỳ thuộc địa cho đến Chiến tranh Lạnh, giờ đây mắc kẹt trong cuộc đối đầu ngày càng gay gắt giữa Trung Quốc và Mỹ, theo TodayOnline.
Các Tổng thống Mỹ thường dùng bài diễn văn nhậm chức để vạch ra phương hướng mới trong chính sách ngoại giao. Tổng thống Dwight Eisenhower từng tuyên bố "sức mạnh và an ninh Mỹ là niềm tin để những người tự do khắp nơi nương tựa hy vọng của họ". Tổng thống Richard Nixon lại tìm kiếm "một thế giới cởi mở, ở đó, không dân tộc nào, dù lớn hay nhỏ, phải sống trong sự cô lập giận dữ". Tổng thống Ronald Reagan cam kết "lấy lòng trung thành để đáp trả lòng trung thành", đồng thời nỗ lực vì các mối quan hệ cùng có lợi.
Theo Jason Salim, học giả thuộc Trung tâm Nghiên cứu ASEAN thuộc Viện ISEAS-Yusof Ishak, Singapore, ông Trump đã phát biểu một bài diễn văn nhậm chức ngắn nhất kể từ năm 1979 chỉ với 1.453 từ nhưng sẽ được ghi nhớ lâu dài bởi đây có thể là sự báo hiệu chấm dứt nhiều thập kỷ đồng thuận chính sách ngoại giao của Mỹ.
Sử dụng 35 lần các biến thể từ "nước Mỹ", Trump đã thể hiện rõ mối ưu tiên duy nhất ông hướng tới là Mỹ. Nêu bật nền kinh tế Mỹ suy yếu là do "cuộc chơi kẻ được người thua", trong đó, phần còn lại của thế giới hưởng lợi trong khi Mỹ bị thiệt hại, ông Trump đang thể hiện ý định xem xét lại mọi cam kết an ninh và thương mại mà Washington từng ký kết, bao gồm cả những thỏa thuận vô cùng quan trọng như liên minh an ninh Mỹ - Nhật.
Khi Trump hô hào "Chúng ta sẽ tìm kiếm quan hệ hữu nghị và thiện chí với các quốc gia trên thế giới nhưng chúng ta sẽ làm điều đó với tâm niệm rằng tất cả các nước đều có quyền đặt lợi ích bản thân lên trên hết", Đông Nam Á chắc chắn sẽ dò xét ý tứ trong đó một cách thận trọng với nỗi lo lắng về việc nó sẽ tác động như thế nào đến hàng trăm tỷ USD giá trị đầu tư trực tiếp nước ngoài của Mỹ khắp khu vực.
Hai đòn giáng nặng nề
Liệu các công ty Mỹ có theo chân những tập đoàn lớn như Ford, General Motors hay Carrier quy phục trước sức ép chính quyền mới bằng các tuyên bố đưa việc làm trở về Mỹ và cắt giảm các khoản đầu tư mới ở Đông Nam Á hay không vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ. Nhưng chắc chắn Đông Nam Á sẽ phải xoay xở để điều chỉnh thích nghi với những dấu hiệu hờ hững đầu tiên từ chính phủ Mỹ, cây bút Jason Salim nhận xét.
Việc Trump đề cập gián tiếp đến cam kết chiến lược đối với an ninh châu Á - Thái Bình Dương đã đặt sự bảo hộ an ninh của Mỹ, một nền tảng giúp khu vực duy trì ổn định và tăng trưởng kinh tế suốt 5 thập kỷ qua, vào tình trạng không chắc chắn.
Đông Nam Á đang đối mặt hai đòn giáng nặng nề. Động thái đưa Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) của Trump sẽ làm tiêu hao khí thế tại khu vực vốn đang tràn trề hy vọng thỏa thuận thương mại tự do chất lượng cao giữa 12 nước thành viên này sẽ mang lại sức sống mới cho nền kinh tế. Tâm lý bi quan kết hợp các quan điểm cổ xúy chủ nghĩa bảo hộ đang gia tăng ở Mỹ chắc chắn sẽ tác động tiêu cực đến tính cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu từ Đông Nam Á sang Mỹ, chuyên gia nhận định.
Mặt khác, thông điệp chống đối ngày càng tăng mà Mỹ gửi đến Trung Quốc trước một số vấn đề được xem là "lằn ranh đỏ" của Bắc Kinh sẽ dẫn tới những hệ lụy đối với an ninh khu vực như là hậu quả tất yếu của một mối quan hệ Mỹ - Trung bất ổn.
Việc ông Trump bổ nhiệm những tiếng nói chống Trung Quốc vào các vị trí chiến lược, ví dụ như Giám đốc Hội đồng Thương mại Quốc gia, Bộ trưởng Thương mại cũng như việc ông sẵn sàng chất vấn chính sách "Một Trung Quốc" chắc chắn sẽ khiến nhiều lãnh đạo khu vực cảm thấy bất an trong bối cảnh họ đang nghi ngờ khả năng Mỹ tiếp tục duy trì cam kết chiến lược ở châu Á.
Trung Quốc lấp khoảng trống quyền lực
|
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở Davos, Thụy Sĩ, hôm 17/1. Ảnh: Reuters |
Bình luận viên Jason Salim từ Today cho rằng bài diễn văn nhậm chức cực kỳ bảo thủ và hướng nội của ông Trump đối lập sâu sắc với lời kêu gọi bảo vệ toàn cầu hóa mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra trong bài phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) trước đó ba ngày.
Lời kêu gọi của ông Tập về "phát triển một nền kinh tế mở toàn cầu để chia sẻ các cơ hội và lợi ích thông qua việc mở cửa và cùng hưởng những kết quả có lợi cho tất cả các bên" đã đặt Trung Quốc vào vị thế người cầm cờ cho nền kinh tế thị trường và thương mại tự do.
Đây là lần đầu tiên Chủ tịch Trung Quốc phác họa các tham vọng ông ấp ủ nhằm "thực hiện cuộc phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa". Thông điệp này được ví như tiếng kèn xung trận nhằm "đưa Trung Quốc vĩ đại trở lại".
Tuy nhiên, không giống như các lời kêu gọi của ông Trump nhằm "đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại" bằng cách xây dựng "Pháo đài Mỹ" thông qua các bức tường, cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, chiến lược "phục hưng vĩ đại" mà ông Tập hướng tới là thiết lập vị thế Trung Quốc "vững mạnh và quyền lực giữa tất cả các nước trên thế giới và đóng góp lớn hơn cho nhân loại".
Hướng đi trái ngược này giữa Mỹ và Trung Quốc là điều không ai nghĩ tới.
Sau khi nhậm chức Chủ tịch Trung Quốc, ông Tập đã cụ thể hóa tầm nhìn của mình bằng cách thiết lập các nền tảng "thiên hạ thái bình dưới trướng Trung Quốc" (Pax Sinica) với các dự án khổng lồ như sáng kiến "Một vành đai, một con đường", thiết lập Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á (AIIB) và mở rộng hiện diện của Trung Quốc trong khu vực và trên thế giới.
Trong khi đó, ông Trump lại rút Mỹ khỏi TPP và đang xem xét lại các cam kết an ninh của Mỹ trong khu vực nhằm tiết kiệm chi phí mà không quan tâm đến cái giá phải trả về chiến lược và chính trị.
Những động thái ban đầu từ chính quyền Trump rõ ràng không giúp ích gì trong việc trấn an các đồng minh về cam kết lâu dài đối với chiến lược và vai trò lãnh đạo Mỹ ở khu vực. Uy tín của Mỹ liên tục sụt giảm kể từ khi ông Trump đắc cử tổng thống hồi tháng 11 năm ngoái cũng là điều đáng ngại.
Jason Salim cho rằng Trung Quốc gần như chắc chắn sẽ lợi dụng khoảng trống quyền lực này để giành thêm các quan hệ hữu nghị trong khu vực.
Theo Salim, dù kết cục tốt hơn hay xấu đi, Đông Nam Á sẽ luôn phải thận trọng trong 4 năm tới khi bị kẹt giữa hai cường quốc đang hạ quyết tâm đưa đất nước "vĩ đại trở lại".
Để trấn an đồng minh, Trump cần bảo đảm được rằng cách tiếp cận "nước Mỹ trước tiên" sẽ không gợi lại kỷ nguyên chủ nghĩa biệt lập và tiền toàn cầu hóa khi Mỹ quay lưng với thương mại toàn cầu cũng như những vấn đề của thế giới.
Hy vọng rằng "nước Mỹ trước tiên" không đồng nghĩa với việc "các nước khác bị xếp sau cùng", đặc biệt là những quốc gia Đông Nam Á, cây bút Jason Salim kết luận.
|
Ông Donald Trump ký sắc lệnh rút Mỹ khỏi TPP. Ảnh: Fox News |
Theo VNE