|
Ảnh minh họa |
Lý do các dịch vụ tăng giá đều được nại ra rằng Tết là dịp đặc biệt, các cơ sở thiếu người làm, chi phí ngày Tết cao hơn ngày thường… Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu chỉ tăng chút đỉnh, như một số quán ở TP.HCM treo bảng tăng giá tô phở từ 5.000-10.000 đồng và ghi rõ ra mùng 6 giá trở lại bình thường.
Nhưng Hà Nội thì khác, nhiều nơi bát bún riêu ngày thường chỉ vài chục ngàn đồng bị đẩy giá lên 50.000-100.000 đồng. Đặc biệt, các hàng quán dọc quốc lộ từ Bắc vào Nam thường nghĩ khách chỉ đến một lần rồi thôi nên không ít chủ quán cứ nhìn mặt khách mà hét giá.
Phải nói ngay rằng trước đây, không có lề thói này. Ngày Tết cũng như mọi ngày, trong các sinh hoạt, giá cả đều không tăng đột biến. Chỉ có thực phẩm, rau quả, trái cây tăng giá vào những ngày trước và trong Tết nhưng không nhiều. Riêng hàng ăn uống, giá cả như ngày thường. Chỉ có vài mươi năm trở lại đây, một số cơ sở dịch vụ bày ra lý do này nọ tăng giá, các nơi khác bắt chước theo rất nhanh.
Người bị “chặt chém” nhiều nhất và nặng tay nhất là khách du lịch khi giá thuê phòng lưu trú, hàng ăn uống tăng gấp bội so với ngày thường. Ngay một dịch vụ với chi phí thấp nhất là gửi xe (nhưng lại đem lợi nhuận rất lớn cho chủ bãi xe) cũng hoành hành rất dữ vào dịp Tết.
Tại TP.HCM, dù ngày 30-12-2016, UBND TP đã ban hành quyết định về việc thu phí giữ xe trên địa bàn TP, mức phí cao nhất đối với xe máy (xe số) gửi buổi ngày là 4.000 đồng/xe nhưng chỉ có bãi xe do lực lượng Thanh niên xung phong đảm trách là đúng giá, còn lại những bãi xe quanh khu vực trung tâm TP đều hét giá trên trời nhưng người gửi đành phải chấp nhận vì không có sự lựa chọn nào khác.
Xưa nay, trong làm ăn buôn bán, lợi nhuận chính đáng luôn đến từ thiện tâm, từ thuận mua vừa bán. Bát phở nhỏ nhưng giá 100.000 đồng trở lên là chuyện không nhỏ. 15.000 đồng cho việc giữ xe máy một vài giờ là chuyện gây khó chịu cho bao người. Phải trả tiền cho những việc này là đem lại nỗi bực bội, khinh ghét, thất vọng về tâm địa con người. Sự trơ tráo có thể bắt đầu từ việc nhỏ mà tạo bản chất xấu, khó đổi dời.
Chắc chắn nhiều người hốt bạc trong những ngày Tết. Nhưng những đồng tiền bất chính chẳng bao giờ ở lâu, bền chặt bên mình. Xin hãy nhìn quanh mình để thấy còn bao cảnh khổ nghèo, bất hạnh. Cho đi là nhận lại tình thương, làm giàu có cuộc đời từ tình người chân thật. Nếu không cho đi cũng đừng lấy thêm những đồng tiền đổ mồ hôi sôi nước mắt của người nghèo. Hãy nghĩ lại để hồi tâm, để không kiếm tiền bằng những thủ đoạn bất nhân.
Cơ quan chức năng cũng nên ra tay ngăn chặn, răn đe, xử phạt nghiêm khắc bởi làm ngơ cũng là gián tiếp để cho những kẻ xấu lộng hành. Mong sao người Việt mở lòng ra với nhau, hành xử tốt hơn, làm ăn buôn bán văn minh hơn. Người nước ngoài cũng không bị “chặt chém” trên đường du lịch và còn thiện cảm, trở lại Việt Nam.
Theo NLĐ