|
Cảnh bạo hành trẻ tại trường mầm non Sen Vàng, Hà Nội (ảnh chụp từ clip). |
Thời gian gần đây, các vụ bạo hành trẻ mầm non diễn ra ngày càng nghiêm trọng. Có một thực tế cần nhìn nhận là đa số những giáo viên (GV) này đều ở các trường ngoài công lập hay nhóm trẻ tư thục và trình độ không đạt yêu cầu. Vậy Bộ nhìn nhận vấn đề này như thế nào?
Với nhu cầu gửi trẻ ngày càng tăng hiện nay, các cơ sở giáo dục mầm non (GDMN) tư thục được thành lập đã góp phần đáng kể trong việc đáp ứng nhu cầu đưa trẻ lứa tuổi mầm non tới trường của nhân dân, giảm bớt tình trạng quá tải trong các cơ sở GDMN công lập…
Tuy nhiên, trên thực tế, một số nhóm lớp độc lập tư thục tuyển dụng GV không đúng tiêu chuẩn, một số GV phẩm chất đạo đức, năng lực nghề nghiệp kém không giải quyết được những tình huống đòi hỏi cần có kỹ năng nghề nghiệp (trẻ hay khóc, trẻ biếng ăn…); điều kiện làm việc, chính sách GV ở một số cơ sở nhóm lớp độc lập tư thục kém, gây áp lực và sự bức xúc cho GV; công tác quản lý của cơ sở GDMN chưa đáp ứng yêu cầu; một số địa phương thiếu chặt chẽ trong quản lý, dẫn đến việc không đảm bảo an toàn cho trẻ.
Bộ GD&ĐT đã ban hành nhiều văn bản đề nghị các địa phương chỉ đạo ngành Giáo dục phối hợp với các tổ chức, ban, ngành liên quan, tổ chức rà soát việc cấp phép hoạt động, thanh tra, kiểm tra (thường xuyên, đột xuất) hoạt động của các cơ sở GDMN tư thục trên địa bàn; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi sai phạm và kiên quyết đình chỉ các nhóm lớp tư thục không đảm bảo các điều kiện về nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ.
Tôi cho rằng việc xử lý một cách nghiêm minh là việc các địa phương cần làm. Đó là GV vi phạm xử lý đúng vi phạm; cơ sở GDMN để xảy ra tình trạng mất an toàn phải xử lý đúng mức; cấp quản lý nào trực tiếp quản lý cơ sở GDMN để xảy ra tai nạn thương tích cho trẻ cũng cần được xử lý. Hành luật có nghiêm thì luật mới được tuân thủ. Cùng với việc xử lý nghiêm, quản lý tốt thì việc có những chính sách để hỗ trợ các cơ sở GDMN (đặc biệt là chính sách đối với GV), nhóm lớp độc lập tư thục cần được đẩy mạnh.
|
Ông Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ giáo dục Mầm non, Bộ GD&ĐT. |
Trước đây, từng có một cuộc tranh luận rất sôi nổi về quy định chủ nhóm trẻ mầm non. Trong đó, người ta quan tâm đến quy định của ngành về trình độ của chủ nhóm lớp. Các vụ bạo lực trẻ mầm non không thể không nói đến vai trò của hiệu trưởng/chủ nhóm lớp. Họ không thể nói họ không biết. Phải chăng, quy định trình độ quản lý các trường mầm non ngoài công lập hiện nay đang quá thấp, không đạt yêu cầu?
“Tôi cho rằng việc xử lý một cách nghiêm minh là việc các địa phương cần làm. Đó là GV vi phạm xử lý đúng vi phạm; cơ sở GDMN để xảy ra tình trạng mất an toàn phải xử lý đúng mức; cấp quản lý nào trực tiếp quản lý cơ sở GDMN để xảy ra tai nạn thương tích cho trẻ cũng cần được xử lý. Hành luật có nghiêm thì luật mới được tuân thủ”. Ông Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ giáo dục Mầm non, Bộ GD&ĐT |
Theo quy định tại Quy chế tổ chức và hoạt động trường mầm non tư thục, hiệu trưởng trường mầm non phải có bằng Trung cấp sư phạm mầm non trở lên, chủ nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục phải có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông trở lên, có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng giáo dục trẻ em hoặc chứng chỉ bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục theo quy định.
Việc quy định trình độ chủ nhóm lớp như trên căn cứ vào thực tế, dựa trên khảo sát và lấy ý kiến rộng rãi các cấp quản lý giáo dục ở địa phương. Hành vi bạo hành xảy ra tại các cơ sở GDMN tư thục có nguyên nhân chủ yếu là công tác quản lý, cấp phép tại địa phương, việc tuân thủ các quy định của hiệu trưởng/chủ nhóm lớp... Hiệu trưởng/chủ nhóm lớp cần phải tuân thủ và chịu trách nhiệm trước pháp luật về mọi hoạt động của cơ sở GDMN.
Bộ GD&ĐT đang xây dựng chủ trương đưa GV dôi dư ở các cấp từ tiểu học đến THPT xuống dạy mầm non do đang thiếu cục bộ. Nhưng đội ngũ hiện tại được đào tạo bài bản vẫn chưa được chuẩn hóa, lại đưa đội ngũ “tay ngang” xuống dạy mầm non, ông có lo lắng gì không?
Vấn đề này cần được các cấp quản lý giáo dục và chính quyền địa phương quan tâm cụ thể, sâu sát, chứ không vì giải pháp tình thế mà làm ảnh hưởng tới chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ. Vì mục tiêu, nội dung chương trình, phương pháp, hình thức tổ chức hoạt động của GDMN có đặc thù hoàn toàn khác với cấp phổ thông.
Mặt khác, GV mầm non có những yêu cầu đặc thù, nếu không có kỹ năng về múa, hát, chơi với trẻ, có tình cảm và giao tiếp với trẻ bằng ngôn ngữ phù hợp thì khó có thể thực hiện tốt việc chăm sóc, giáo dục trẻ đáp ứng yêu cầu. Trước thực trạng trên, Bộ GD&ĐT đã đề nghị các địa phương rà soát, đào tạo chuẩn hóa đội ngũ GV THCS, THPT được điều chuyển dạy mầm non theo hướng đào tạo văn bằng 2 cho số GV này để đảm bảo chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ trong các cơ sở GDMN.
Việc đưa GV bậc phổ thông xuống bậc mầm non cần phải xuất phát từ chính nhu cầu GV đó mới đảm bảo tâm huyết, gắn bó với nghề; GV cần được đào tạo cơ bản, khoa học để đáp ứng yêu cầu chuyên môn của cấp học; đồng thời các nhà trường và cơ quan quản lý chuyên môn phải tích cực bồi dưỡng hỗ trợ chuyên môn nghiệp vụ, nâng cao năng lực thực hành cho đội ngũ chuyển sang làm nhiệm vụ tình thế này.
Cảm ơn ông.
Theo Tiền Phong