Lệnh cấm nhập cảnh của Donald Trump: Đòn bí mật bị phản đòn

Thứ năm, 09/02/2017, 11:54
Bắt đầu nhiệm kỳ, Tổng thống Donald Trump khá thành công trong việc thực hiện cam kết với cử tri. Tuy nhiên, những phản đối với sắc lệnh cấm nhập cảnh cho thấy những giới hạn của quyền lực Tổng thống.

Cô Baraa Haj Khalaf (trái) - người nhập cư từ Syria - đoàn tụ với cha mẹ tại sân bay quốc tế O’Hare ở TP.Chicago, bang Illinois của Mỹ vào ngày 7-2 sau khi sắc lệnh về nhập cư bị tạm đình chỉ thực thi - Ảnh: Reuters

Điều trớ trêu là sắc lệnh cấm nhập cảnh đang tạm thời bị thẩm phán liên bang đình lại đã cho thấy hoạt động quản trị rơi vào bế tắc như thế nào khi tổng thống, quốc hội, tòa án, hoặc phe đối lập lạm dụng thẩm quyền hoặc không thỏa hiệp.

Và cũng rất trớ trêu bởi đây chính là mục đích mà cha đẻ của mô hình kiểm soát và đối trọng quyền lực đặt ra.

Đòn bí mật

“Những nhóm không đạt được mục đích thông qua luật theo hướng có lợi cho mình thường tiến hành kháng cáo lên tòa án, vốn là cơ quan tư pháp nhưng lại hành xử như cơ quan lập pháp"

Tiến sĩ Terry Buss

Tổng thống Donald Trump đã cùng nhiều thành viên chính phủ bí mật soạn thảo sắc lệnh hành pháp về tạm cấm nhập cảnh với công dân một số quốc gia.

Do vậy, khi sắc lệnh này được công bố đã gây bất ngờ không chỉ trong Quốc hội, những lãnh đạo chính trị cấp cao, gồm cả Bộ An ninh nội địa và Bộ Quốc phòng mà cả các đại sứ quán Mỹ ở nước ngoài, thậm chí cả các chính phủ nước ngoài.

Điều Tổng thống Trump đã không làm được chính là ban bố các chỉ thị hướng dẫn cho các cơ quan liên bang, các hãng hàng không, các đại sứ quán và các cơ quan liên quan về việc thực thi sắc lệnh. Ông cũng không màng đến việc tham vấn các cơ quan liên bang về cách thức thực hiện.

Và sự hỗn loạn là điều không thể tránh khỏi!

Ngay sau khi sắc lệnh được đưa ra, cả báo chí chính thống và truyền thông xã hội đồng loạt lên tiếng về việc sắc lệnh này không hợp pháp như thế nào, tiếp đó là các câu chuyện về tổn hại của các gia đình vì lệnh tạm cấm này.

Sau đó là đòn phản công của phe đối lập trong quốc hội. Lãnh đạo phe Dân chủ tại quốc hội xuất hiện trên truyền thông với những đợt công kích dường như không bao giờ kết thúc. Những thành viên Đảng Cộng hòa không ưa ông Trump cũng lên tiếng phản đối.

Thậm chí những người vốn trung thành với tân tổng thống, bị tác động với những bài viết chống ông Trump, những cuộc biểu tình ngoài đường phố... đã không còn đứng cạnh ông Trump.

Tòa án bị chính trị hóa

Những biến động xảy ra khắp nước Mỹ khiến các tòa án ra tay chống lại sắc lệnh cấm nhập cảnh. Mục đích của hệ thống tòa án ở Mỹ không phải để ban hành hay phán xét chính sách hoặc luật mới. Đáng tiếc, các tòa án đã bị chính trị hóa quá nhiều.

Chính quyền bang Washington và Minnesota đã khởi kiện sắc lệnh về cấm nhập cảnh lên tòa địa hạt liên bang vì cho rằng lệnh này vi phạm luật và vi hiến. Cả hai bang này đều là những chiếc nôi của phe Dân chủ.

Sau phiên điều trần ở tòa phúc thẩm liên bang khu vực 9 vào chiều 7-2 (giờ Mỹ), các thẩm phán theo khuynh hướng tự do chưa đưa ra phán quyết sau phần trình bày của Bộ Tư pháp Mỹ (bên bảo vệ sắc lệnh) và của đại diện hai bang khởi kiện.

Nếu thua ở tòa phúc thẩm, Bộ Tư pháp sẽ kháng cáo tiếp lên tòa án tối cao. Vấn đề ở đây là tòa án tối cao với 8 thẩm phán hiện đang chia thành hai phe tự do và bảo thủ đều nhau, nên nếu số phiếu cuối cùng là 4-4 thì quyết định của thẩm phán liên bang địa hạt sẽ giữ nguyên.

Tổng thống Trump đã đề cử thẩm phán tòa tối cao còn khuyết, tuy nhiên việc phê chuẩn ở Quốc hội sẽ mất vài tuần do áp lực phản đối của phe Dân chủ.

Những thách thức

Việc triển khai hàng loạt chỉ thị và sắc lệnh, đồng thời hủy bỏ các quy định cũ nhằm áp đảo phe đối lập của tân Tổng thống đạt hiệu quả trong hai tuần đầu tiên của nhiệm kỳ nhưng điều đó sẽ không còn tiếp tục trong tương lai. Gây bất ngờ rõ ràng không còn là chìa khóa thành công như trong vụ sắc lệnh cấm nhập cảnh.

Để tiếp tục chương trình của mình, Tổng thống Trump sẽ phải tuân thủ quy trình và thủ tục, đồng thời đạt được sự đồng thuận vượt ra ngoài nhóm cố vấn cốt lõi của mình tại Nhà Trắng, bao gồm cả các thành viên Cộng hòa và Dân chủ.

Ngoại lệ duy nhất mà Tổng thống Mỹ có quyền đơn phương hành động là vấn đề ngoại giao. Cựu Tổng thống Obama, không cần đến sự hậu thuẫn hay phê chuẩn của Quốc hội, đã ký thỏa thuận với Iran về trì hoãn chương trình vũ khí hạt nhân, thỏa thuận với Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu, và thỏa thuận khôi phục quan hệ ngoại giao với Cuba.

Thậm chí, ông Obama đã ký sắc lệnh khoan hồng cho 1 triệu người nhập cư trái phép.

Sắc lệnh cấm nhập cảnh của Tổng thống Trump thực ra không có gì khác với cách cựu Tổng thống Obama bỏ qua sự phản đối kịch liệt từ các bên khi ký hàng loạt sắc lệnh trước đó.

Sắc lệnh cấm nhập cảnh của ông Trump, dù được soạn thảo và ban hành một cách không đầy đủ, nhưng thực chất vẫn là hợp pháp nên có thể sẽ được thực hiện sau khi có những thỏa hiệp.

Thành viên và cử tri Đảng Dân chủ đang tìm mọi cách làm tê liệt chính quyền của Tổng thống Trump. Quốc hội, dưới sức ép ngăn cản của phe Dân chủ, đã chỉ có thể phê chuẩn 6 vị trí nhân sự cấp cao do Tổng thống đề cử trong khi vẫn còn gần 20 vị trí nữa đang phải đình lại vì bế tắc.

Theo TTO

Các tin cũ hơn