Quận 1 chấp nhận đụng chạm để lập lại kỷ cương

Thứ hai, 13/02/2017, 10:26
Ông Đoàn Ngọc Hải, phó chủ tịch UBND quận 1, TP.HCM nói như vậy về việc triển khai kiểm tra lập lại trật tự lòng lề đường, xử phạt các hành vi không thực hiện nếp sống văn minh đô thị.

Ông Đoàn Ngọc Hải

Những ngày qua, dư luận bàn luận khá nhiều về việc UBND quận 1, TP.HCM triển khai kiểm tra lập lại trật tự lòng lề đường, xử phạt các hành vi không thực hiện nếp sống văn minh đô thị.

Ông Đoàn Ngọc Hải, phó chủ tịch UBND quận 1, nói: “Chúng tôi chấp nhận đụng chạm để trật tự, văn minh đô thị được tốt hơn”.

Lãnh đạo quận trực tiếp kiểm tra, xử lý

Chủ đề lập lại trật tự mỹ quan đô thị đã được nhiều địa phương triển khai thực hiện nhiều năm qua, nhưng có ý kiến cho rằng hình thức triển khai còn mang tính phong trào, việc ra quân lần này liệu có lặp lại chuyện cũ?

Đúng là trong thời gian qua dù anh em đã cố gắng nhưng việc kiểm tra, xử lý còn vấn đề này vấn đề khác, trong đó có mức chế tài quá thấp nên chưa đủ sức răn đe.

Ví dụ từ tháng 5-2016 đến đầu năm 2017, lực lượng đô thị quận 1 đã xử lý đến 500 trường hợp tiểu tiện nơi công cộng. Ngoài mức phạt 200.000 đồng/trường hợp, còn buộc người vi phạm phải giội rửa nơi gây bẩn.

Trong khi đó, hành vi này theo nghị định 155 có mức phạt cao nhất đến 3 triệu đồng/trường hợp. Những ngày đầu tháng 2, các đơn vị đã lập biên bản gần chục trường hợp dạng này, quận đang tập hợp ra quyết định xử phạt nghiêm minh.

Bên cạnh đó, các hành vi khác như xả rác, vứt tàn thuốc lá nơi công cộng, hệ thống thoát nước... mức phạt cũng rất cao.

Quận cũng quyết tâm lập lại trật tự, kiểm tra xử lý thường xuyên chứ không làm theo kiểu đánh trống bỏ dùi. Đích thân tôi cùng các anh em đi kiểm tra xử lý chứ không ngồi phòng máy lạnh chỉ đạo, điều hành.

Tình trạng kẹt xe diễn ra hiện nay khiến nhiều người leo xe máy lên vỉa hè, quận 1 (TP.HCM) phải thí điểm lập các barie trên vỉa hè một số đường để ngăn chặn tình trạng này. Trong ảnh: xe máy leo vỉa hè trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1, TP.HCM chiều 11-2

Nhiều ý kiến đồng tình cần xử phạt nghiêm minh để lập lại trật tự kỷ cương, nhưng bên cạnh vấn đề xử phạt thì phải xây dựng hạ tầng đồng bộ, đáp ứng cơ bản nhu cầu người dân?

Cơ bản ý kiến trên là đúng nhưng không thể đổ thừa lý do thiếu nhà vệ sinh, thùng rác công cộng mà tiểu tiện, vứt rác bừa bãi được.

Theo thông tin tôi nắm được, hiện nay riêng nhà vệ sinh công cộng do Công ty TNHH một thành viên Dịch vụ công ích quận quản lý là 27 cái, được bố trí trên các trục đường chính, công viên...

Riêng nhà vệ sinh công cộng tại các chợ Dân Sinh, Nguyễn Thái Bình, Bến Thành cũng được nâng cấp hiện đại, có máy lạnh, WiFi, nhạc đáp ứng tiêu chuẩn cao.

Hiện các đơn vị của quận đang khảo sát thêm 20 vị trí khác để đầu tư nhà vệ sinh công cộng theo hình thức xã hội hóa, đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật cao, chưa kể nhà vệ sinh công cộng của các đơn vị khác đã được đầu tư trên địa bàn.

Ngoài ra, khu vực trung tâm TP hiện nay có rất nhiều siêu thị, trung tâm thương mại, hàng quán..., người dân vẫn có thể vào đi vệ sinh không mất phí thì không thể đổ lỗi cho việc thiếu nhà vệ sinh để đi bừa bãi được.

Xây dựng một Singapore thu nhỏ giữa lòng TP

Đây thật sự là một “cuộc chiến” cam go khi không ít người dân phản ứng quyết liệt với lực lượng kiểm tra, giải pháp nào chấm dứt tình trạng này, thưa ông?

Vỉa hè phải trả lại đúng chức năng của nó dành cho người đi bộ. Quận đang nỗ lực từng chút một để chấn chỉnh tình trạng này.

Ví dụ như hiện nay một số lề đường đã được lắp đặt barie không cho xe máy, ôtô lưu thông, những bồn cây, vật cản quá to chiếm dụng lề do người dân lắp đặt đã được phá bỏ và việc lấn chiếm vỉa hè từng bước sẽ được xử lý quyết liệt.

Trong quá trình triển khai, chúng tôi đã quán triệt anh em, từ cấp quận đến phường phải bỏ vấn đề “tình cảm” sang một bên. Quá trình kiểm tra xử lý dẫn đến đụng chạm, phản ứng là khó tránh khỏi.

Nhưng vì cái chung, chúng tôi chấp nhận áp lực, đụng chạm để lập lại kỷ cương với mong muốn xây dựng hình ảnh quận 1 như một Singapore thu nhỏ giữa lòng TP.

Để làm được điều này không chỉ nỗ lực từ phía chính quyền mà còn cần sự ủng hộ, chấp hành của người dân.

Ngược lại, quá trình kiểm tra xử lý nếu phát hiện tiêu cực, nhũng nhiễu từ cán bộ kiểm tra, quan điểm quận sẽ xử lý tới nơi tới chốn.

Các hành vi như lấn chiếm lề đường, xả nước thải ra hè phố vẫn được áp dụng theo quy định cũ, mức phạt khá thấp, liệu không ít trường hợp “vui vẻ” đóng phạt để tái phạm sau đó?

Đúng là một số hành vi hiện nay mức xử phạt còn thấp, chưa đủ tính răn đe. Nhưng đây là quy định chung, mình phải chấp hành.

Tuy vậy, lực lượng kiểm tra sẽ vận dụng nhiều hình thức như tăng cường mức xử phạt nếu vi phạm nhiều lần, tịch thu, tạm giữ các vật dụng lấn chiếm.

Đặc biệt, chúng tôi yêu cầu phải kiểm tra thường xuyên để tình trạng vi phạm chuyển biến thật sự.

Chấm dứt bán hàng rong ở trung tâm

Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm cũng được người dân rất quan tâm, quận 1 có kế hoạch gì tăng cường vấn đề này trong năm tới, thưa ông?

Hiện quận 1 đang xây dựng kế hoạch chấm dứt việc mua bán hàng rong ở khu vực trung tâm TP trong năm 2017.

Rất nhiều trường hợp xe đẩy, gánh bán thức ăn hiện nay chỉ trang bị một xô nước để rửa bát đĩa, thức ăn thừa bị đổ xuống cống, rác vứt ra đường, thực phẩm không rõ nguồn gốc... thì khó đảm bảo vấn đề vệ sinh, mỹ quan.

Trong tuần này, các lực lượng sẽ phát loa tuyên truyền, thông báo tại các khu vực thường tổ chức bán hàng rong trong vòng 10-15 ngày, sau đó tiến hành xử lý quyết liệt.

Trước đây quận 1 từng có kế hoạch tổ chức mua bán hàng rong tại một số trục đường khu vực trung tâm như Nguyễn Văn Chiêm, công viên bến Bạch Đằng với mục tiêu quản lý hàng rong, nhưng đến nay chưa thấy triển khai?

Vấn đề này quận đang xin ý kiến của TP, khi nào được chấp thuận thì sẽ triển khai và thông báo cho người dân, còn trước mắt phải dừng việc mua bán hàng rong không đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm ở khu vực trung tâm TP.

Lắp đặt trụ nước sạch uống tại vòi

Theo ông Đoàn Ngọc Hải, trong quý 1-2017 quận 1 phối hợp với Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH một thành viên lắp đặt thí điểm 8 trụ nước sạch, uống tại vòi miễn phí trên trục đường Nguyễn Huệ và Đồng Khởi.

Sau đó sẽ triển khai nhân rộng thêm nhiều khu vực khác. Song song đó, quận 1 sẽ lắp đặt thêm nhiều trụ dùng làm nơi khóa, giữ xe đạp miễn phí cho người dân, du khách.

Theo TTO

Các tin cũ hơn