Người làm ông Trump thay đổi quan điểm về Trung Quốc là ai?

Thứ hai, 13/02/2017, 11:35
Theo giới chức Mỹ, việc Tổng thống Donald Trump bất ngờ thay đổi quan điểm và hứa tôn trọng chính sách “một Trung Quốc” là nhờ sự can thiệp của đội ngũ cố vấn, trong đó đặc biệt là tân Ngoại trưởng Rex Tillerson.

Kể từ trước khi nhậm chức, Tổng thống Trump từng khiến Trung Quốc tức giận bởi cuộc điện đàm với lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn, đồng thời tuyên bố cân nhắc điều chỉnh chính sách "một Trung Quốc" nếu không nhìn thấy sự thay đổi của Bắc Kinh trong cả vấn đề kinh tế lẫn quân sự.

Tuy nhiên, đến hôm 10.2, Nhà Trắng cho biết, ông Trump và ông Tập Cận Bình đã có cuộc điện đàm rất lâu, trong đó nhấn mạnh đến quan điểm quyết duy trì chính sách “một Trung Quốc”, vốn coi Bắc Kinh là đại diện cho Trung Quốc thay vì chính quyền ở Đài Loan. Giới chức 2 nước cũng sẽ sớm gặp nhau để bàn thảo về nhiều vấn đề quốc tế.

Theo giới chức Mỹ, Ngoại trưởng Tillerson cùng cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn và nhiều quan chức thân cận khác chính là người đứng sau sự thay đổi chóng mặt này khi thuyết phục ông Trump  coi trọng chính sách “một Trung Quốc” là điều tốt cho quan hệ giữa 2 nước và ổn định khu vực.

Tân Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson

Sự can thiệp thành công của ông  Tillerson, người trên thực tế không có bất kỳ kinh nghiệm ngoại giao chính trị nào, khiến nhiều người cho rằng, ông có thể tiếp tục thay đổi quan điểm của Tổng thống trong nhiều vấn đề địa chính trị khác như quan hệ với Nga, Iran và chiến tranh chống khủng bố.

Nhiều chuyên gia chính trị nhận định rằng, sự thay đổi của ông Trump có thể giúp giảm căng thẳng và mở rộng cơ hội đối thoại, tuy nhiên, điều này không có nghĩa là quan điểm về Trung Quốc của ông sẽ dễ dàng hơn như trong lĩnh vực tiền tệ, thuế quan hay vấn đề Triều Tiên.

Từng là giám đốc điều hành của tập đoàn dầu mỏ lớn nhất nước Mỹ Exxon Mobil, ông Tillerson có một lịch sử quan hệ vô cùng phức tạp với Trung Quốc. Ông từng có những thỏa thuận lâu dài với các công ty năng lượng nhà nước của Trung Quốc và không lạ lẫm gì với các bãi khai thác dầu mỏ trên những vùng biển tranh chấp chủ quyền liên quan đến Trung Quốc tại Tây Thái Bình Dương.

Trong phiên điều trần trước khi nhậm chức vào tháng 1, ông Tillerson đã bày tỏ thái độ cứng rắn khi nhấn mạnh rằng, Trung Quốc cần phải bị cấm đi vào các quần đảo mà nước này tự ý bồi đắp trái phép tại Biển Đông. Tuy nhiên, trong văn bản trả lời những câu hỏi nghị sĩ được gửi một vài ngày sau đó, ông Tillerson lại có giọng điệu nhẹ nhàng hơn, khi cho biết, Mỹ và đồng minh chỉ cần “có đủ khả năng hạn chế Trung Quốc đến các vùng đảo nhân tạo”.

Theo Dân Viêt

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích