|
Một người theo thói quen chạy xe lên vỉa hè, nhưng đã bối rối khi bị ngăn lại bởi các barie vừa được lắp đặt (ảnh chụp ở vỉa hè đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1, TP.HCM) |
Ông Trần Văn Hùng (Q.12): Tình thế bất đắc dĩ
Việc chạy xe máy trên vỉa hè là trái với quy định pháp luật, phần nào thể hiện ý thức kém của người dân. Tôi nghĩ việc mạnh tay của cơ quan chức năng để giành lại phần đường vỉa hè cho người đi bộ là hoàn toàn đúng.
Tuy nhiên trong chuyện người dân xem việc chạy xe trên vỉa hè là bình thường, các cơ quan nhà nước cũng cần phải xem lại trách nhiệm quản lý đô thị của mình.
Thực tế có nhiều người rơi vào tình thế bất đắc dĩ, đường sá chật hẹp, thường xuyên kẹt xe, việc di chuyển từ chỗ ở đến nơi làm việc rất khó khăn, chậm trễ nên phải chạy xe trên vỉa hè.
Gia đình tôi ở đường Lê Văn Khương (Q.12, TP.HCM) nhưng đi làm công ty ở Q.Tân Bình. Công ty tôi vào làm lúc 8h, thường hai vợ chồng tranh thủ chở con đi học lúc 6h rồi đi làm để tránh kẹt xe. Nhưng hầu như ngày nào chúng tôi cũng đối mặt với cảnh kẹt xe hàng dài.
Vào giờ cao điểm, nhiều tuyến đường như Lê Đức Thọ, Quang Trung (Q.12), nhất là tại các điểm giao kẹt cứng, xe chạy như rùa bò, người đi đường phải “mở” đường thoát bằng đường vỉa hè hai bên. Không ít đoạn đường nhờ có vỉa hè mới giải tỏa được phần nào tình trạng ùn tắc.
Bản thân tôi nhiều lúc gặp phải tình thế giao thông tắc nghẽn, lúc đó không biết làm cách nào, thậm chí nghĩ nếu có bị phạt cũng đành chấp nhận.
Đó là chưa kể nhiều trường hợp gặp tình huống khẩn cấp như vội đi bệnh viện, ra máy bay... cần di chuyển nhanh, trong khi lòng đường chật ních, đâu phải lần nào cũng sắp xếp, chủ động được thời gian để đi sớm. Vì vậy đành phải liều chen lên vỉa hè.
Tình trạng người dân chạy xe lên lề thường xảy ra ở các khu vực trung tâm Q.1, Q.3, Q.10... Còn như ở khu Phú Mỹ Hưng (TP.HCM) đường sá rộng, không ùn tắc, rất ít tình trạng người dân chạy xe lên vỉa hè.
Nói điều này ra không phải để chống chế cho việc làm sai quy định của mình, mà để cơ quan nhà nước cũng cần phải nghiên cứu nhanh giải quyết câu chuyện ùn tắc, kẹt xe trầm trọng hiện nay.
KTS Ngô Viết Nam Sơn: Không nên đẩy trách nhiệm cho người dân
Đặc điểm của đô thị cũ là đường nhỏ và thấp tầng, đô thị mới đường rộng và cao tầng. Hiện do cách quản lý quy hoạch của mình không khoa học.
Đô thị cũ thay vì mình khống chế mật độ lại cho cao tầng hóa lên, dẫn đến hệ lụy hạ tầng giao thông không đáp ứng đủ. Cho nên chuyện người dân chạy xe trên vỉa hè thường xảy ra ở khu vực đô thị cũ nhiều hơn, còn khu đô thị mới hành vi này ít diễn ra.
TP phải dứt khoát không cho tăng tải khu cao tầng lên tại khu vực đô thị cũ, đưa các dự án nhà cao tầng phải xây dựng ở những khu đô thị mới. Các biện pháp xử phạt rất cần, nhưng không phải chỉ phạt và đẩy trách nhiệm cho người dân.
Theo TTO