Hải quân Mỹ lên kế hoạch tăng cường hiện diện ở Biển Đông

Thứ hai, 13/02/2017, 14:09
Bộ tư lệnh Thái Bình Dương và Hải quân Mỹ đang có kế hoạch tăng cường  sự hiện diện ở Biển Đông, một phép thử đối với chính sách châu Á của Tổng thống Donald Trump.

Nhóm tàu sân bay USS Carl Vinson

Mỹ tuyên bố thực hiện quyền tự do hàng hải ở Biển Đông dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama và sẽ tiếp tục thực hiện quyền này bằng việc triển khai nhóm tàu sân bay Carl Vinson tới Biển Đông, theo Navy Times hôm 12.2.  Nhóm tàu sân bay Carl Vinson, đóng tại căn cứ San Diego (bang California) còn có các tàu khu trục Wayne E. Meyer và Michael Murphy, tàu tuần dương Lake Champlain và các phi đội bay tác chiến.

Hiện nhóm tàu sân bay Carl Vinson đã đến Guam.

Dẫn nguồn từ 3 quan chức quốc phòng giấu tên biết về kế hoạch hành động sắp tới của Hải quân Mỹ,  ; cNavy Times cho biết tàu chiến của Mỹ sẽ áp sát và đi vào khu vực 12 hải lý xung quanh các đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng phi pháp ở quần đảo Trường Sa và khu vực quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam đang bị Trung Quốc chiếm đóng.

Mỹ từng điều tàu chiến đến gần quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa trong năm 2016, động thái này của chính quyền Obama được cho là nhằm thách thức yêu sách cũng như sự bành trướng quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông. Bắc Kinh đã nổi giận khi Mỹ tiến hành các hoạt động đó.

Kế hoạch hành động mới của Hải quân Mỹ sẽ được đệ trình Tổng thống Donald Trump xem xét và phê chuẩn. Đây có thể là sự thách thức mới của Washington đối với yêu sách chủ quyền phi lý của Bắc Kinh, đồng thời là phép thử dành cho chính quyền Trump về chính sách đối với châu Á,Navy Timesnhận định.

"Chính quyền Trump sẽ phải quyết định những điều mà họ muốn đạt được", chuyên gia Bonnie Glaser tại Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS, Mỹ) nhận xét.

Tàu sân bay Carl Vinson sẽ được điều động đến Biển Đông, áp sát các đảo nhân tạo phi pháp của Trung Quốc

Bà Glaser nói: "Tôi không tin (chính quyền Trump) có thể buộc Trung Quốc rút khỏi những đảo mới được xây dựng (phi pháp) ở quần đảo Trường Sa. Nhưng Mỹ có thể phát triển chiến lược nhằm ngăn chặn việc tiếp tục cải tạo đất và quân sự hóa, không để Trung Quốc sử dụng các tiền đồn mới đe dọa và ép buộc các nước láng giềng".

Mới đây trong cuộc gặp Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Tổng thống Trump đã bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ đối với bất kỳ ý định làm thay đổi hiện trạng nào tại Biển Đông và biển Hoa Đông bằng vũ lực hoặc cưỡng ép.

Theo Thanh Nien Online

Các tin cũ hơn