|
Hai người Triều Tiên đứng cạnh đống than bên bờ Áp Lục - con sông hình thành biên giới tự nhiên giữa Trung Quốc và Triều Tiên. |
Chính quyền Trung Quốc thông báo hôm thứ Bảy vừa qua rằng, nước này sẽ dừng nhập khẩu tất cả than từ Triều Tiên, từ ngày 19/1 đến cuối năm nay, để triển khai các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đối với chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng. Trung Quốc trước đó vẫn mua than từ Triều Tiên dựa trên những điều khoản miễn trừ thương mại phục vụ dân sinh.
Kêu gọi tái khởi động đàm phán
Cùng thời điểm đó, các quan chức Trung Quốc dự một hội nghị ở Đức chỉ trích Mỹ dùng biện pháp trừng phạt và tập trận quân sự để gây sức ép lên Triều Tiên, cho rằng chính quyền của nhà lãnh đạo Kim Jong-un sẽ không dừng thúc đẩy chương trình hạt nhân nếu họ không cảm thấy an toàn.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị kêu gọi tái khởi động đàm phán sau khi ông có cuộc gặp với người đồng cấp Hàn Quốc Yun Byung-se. Ông Vương nói đã đến lúc “phá vỡ vòng luẩn quẩn về vấn đề hạt nhân trên bán đảo”. “Tình hình trên bán đảo Triều Tiên đang trở nên ngày càng phức tạp và dữ dội, nhưng chúng ta không nên từ bỏ nỗ lực đưa hòa bình trở lại”, ông Vương nhận định hôm qua.
Theo giới quan sát, Trung Quốc có vẻ ngày càng bực bội với Triều Tiên vì những vụ phóng tên lửa của nước này khiến Mỹ đưa hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD đến Nam Triều Tiên, trở thành mối đe dọa đối với năng lực quân sự của Bắc Kinh.
Vụ sát hại ông Kim Jong-nam, anh cùng cha khác mẹ của nhà lãnh đạo Kim Jong-un, khiến những lời kêu gọi Bắc Kinh cứng rắn hơn với Bình Nhưỡng thêm mạnh mẽ, ông Shi Yongming, nghiên cứu sinh tại Viện Nghiên cứu quốc tế thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc, nhận định. Theo nhà nghiên cứu này, Bắc Kinh bảo vệ ông Kim Jong-nam và luôn muốn đưa vấn đề về ông này lên bàn đàm phán với Bình Nhưỡng.
Theo các nhà phân tích, Trung Quốc hậu thuẫn chính quyền ở Bình Nhưỡng kể từ sau Chiến tranh Triều Tiên, một phần là để ngăn Mỹ có một đồng minh ngay biên giới của họ. Khi cộng đồng quốc tế thực thi các biện pháp trừng phạt Triều Tiên sau hàng loạt vũ thử hạt nhân của nước này, Trung Quốc vẫn chiếm hơn 90% tổng thương mại của Triều Tiên. Than chiếm hơn 50% lượng hàng xuất khẩu của Triều Tiên sang Trung Quốc trong năm ngoái, theo GS Yang Moo-jin ở ĐH Nghiên cứu Triều Tiên tại Seoul.
“Dĩ nhiên họ có cách bù đắp, nhưng chỉ nhìn vào quy mô thiệt hại cũng thấy đó là cú đánh khá mạnh”, GS Yang nói về việc Trung Quốc dừng nhập than. Đối với Trung Quốc, động thái này gây tác động không nhiều vì họ là nhà sản xuất và tiêu thụ nhiên liệu lớn nhất thế giới, trong khi Triều Tiên cung cấp chưa đến 10% tổng lượng than nhập khẩu của Trung Quốc. Biện pháp hạn chế được áp dụng khi mùa tiêu thụ nhiên liệu đỉnh điểm của mùa đông đã qua và các nhà quản lý nước này đang cân nhắc áp dụng lại giới hạn khai thác mỏ để tránh khiến lượng cung dư thừa.
Đẩy lên giới hạn
Vẫn chưa rõ biện pháp của Trung Quốc có đủ để đưa chính quyền Bình Nhưỡng trở lại bàn đàm phán hay không. Theo giới quan sát, Triều Tiên đẩy mạnh phát triển bom hạt nhân và tên lửa đạn đạo từ năm 2009, sau khi họ quay lưng với các cuộc đàm phán 6 bên với sự tham gia của Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nga và Nhật Bản.
Bà Phó Oánh, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, cựu Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, cuối tuần qua cho rằng, chính sách của Mỹ chỉ khiến mọi thứ tồi tệ hơn. “Cần phải thừa nhận rằng, nếu không đối thoại với họ (Triều Tiên), các anh chỉ đẩy họ đi sai hướng”, bà Phó nói tại một diễn đàn an ninh ở Đức, với sự có mặt của Ngoại trưởng Hàn Quốc Yun Byung-se và Thượng nghị sĩ Mỹ Dan Sullivan.
Ông Sullivan kêu gọi Trung Quốc dùng đòn bẩy với Triều Tiên “theo cách xây dựng hơn”, còn Ngoại trưởng Hàn Quốc loại trừ khả năng đối thoại sớm. “Chúng ta đang đối phó một đất nước có năng lực nguy hiểm hơn nhiều so với 10, 20 năm trước”, ông Yun nói. “Nói đơn giản về đối thoại, về việc trở lại bàn đàm phán chẳng có ý nghĩa gì”, ông nói.
Trong cuộc gặp của ông Yun, Ngoại trưởng Trung Quốc thúc giục Hàn Quốc nối lại đàm phán và nhắc lại quan điểm của Trung Quốc về việc phản đối triển khai THAAD.
Theo các nhà phân tích, dù Trung Quốc trước đây kháng cự kêu gọi của Mỹ rằng phải gây sức ép nhiều hơn lên Bình Nhưỡng, nhưng quan hệ của Trung Quốc với Triều Tiên có vẻ ngày càng xấu. “Điều chúng ta thấy hiện nay là Bắc Kinh đang thể hiện họ sẵn sàng đưa Triều Tiên đến gần điểm tới hạn”, bà Zhou Qi, Giám đốc Viện Chiến lược quốc gia tại ĐH Thanh Hoa ở Bắc Kinh, nói. “Vẫn còn một chút dư địa để gây sức ép với chính quyền (Triều Tiên). Nhưng dĩ nhiên đó là quân bài rủi ro”, bà Zhou nói.
Malaysia truy tìm 4 nghi phạm người Triều Tiên Liên quan cái chết của người được tin là ông Kim Jong-nam, cảnh sát Malaysia hôm qua cho biết họ đang truy tìm 4 đối tượng tình nghi người Triều Tiên. Những đối tượng này được cho là đã quay về Bình Nhưỡng. “Họ trở lại Bình Nhưỡng hôm 17/2. Họ đi qua ngả Kuala Lumpur-Jakarta-Dubai-Vladivostok- Bình Nhưỡng”, Channel News Asia dẫn lời một quan chức cảnh sát Malaysia. Bốn nghi can này đều là nam giới, tuổi từ 33 đến 57, mang hộ chiếu phổ thông. Cảnh sát Malaysia cho biết, nguyên nhân cái chết của ông Kim Jong-nam vẫn chưa được xác định và họ đang chờ kết quả kiểm tra bệnh lý học và độc chất. Cuối tuần trước, Đại sứ Triều Tiên tại Malaysia nói với báo giới rằng, Malaysia thực hiện khám nghiệm tử thi “ép buộc” đối với thi thể người được cho là ông Kim Jong-nam. Triều Tiên cáo buộc Malaysia che giấu điều gì đó và đang thông đồng với các thế lực chống Triều Tiên sau khi cảnh sát Malaysia từ chối bàn giao thi thể. Cảnh sát Malaysia nói rằng, họ không thể xác nhận nạn nhân thực sự là ông Kim Jong-nam cho đến khi có mẫu ADN của người thân để đối chiếu. |
Theo Tiền Phong